01:07 02/01/2016

Những học sinh xuất sắc của đại ngàn

Như nhiều học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn khác, Hoàng Thị Oanh, Hoàng Thị Liên và Nay H’Nga là những tấm gương học sinh vượt khó, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và cùng được vinh danh tại Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số năm học vừa qua.


Vượt khó vươn lên học giỏi

Ngày cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, Hoàng Thị Oanh (dân tộc Nùng, Đắk Lắk) không giấu nổi niềm vui sướng và hạnh phúc vì ước mơ bấy lâu nay của mình đã trở thành hiện thực. Nhưng niềm vui ấy cũng nhanh chóng qua đi bởi điều quan trọng là Oanh không biết sẽ lấy tiền ở đâu để đi học?

Lễ Tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi 2015. Ảnh: Phạm Kiên

Gia đình Oanh có 4 anh chị em, năm em học lớp 9 thì bố bị tai biến, nửa người tê liệt nên ngày ngày mẹ em vẫn phải đưa bố đi châm cứu. Gánh nặng đè lên đôi vai mẹ Oanh khi bà cũng bị căn bệnh gai cột sống rồi đau thần kinh tọa hành hạ. Nhưng vì chồng con, bà dường như phải quên đi bệnh tật, vẫn quần quật từ sáng đến tối, bất kể trời mưa hay nắng. Những lúc rảnh rỗi, mẹ Oanh lại tranh thủ kiếm việc làm thêm để lo tiền thuốc thang cho bố Oanh. Các nguồn thu trong nhà phần lớn phụ thuộc vào việc trồng lúa, mía, sắn... Nhưng chi phí đầu tư lớn mà khi thu hoạch giá bán lại rẻ, vốn đầu tư phải vay lãi ngoài nên nguồn thu của gia đình Oanh lúc nào cũng hao hụt, nợ nần mỗi lúc một tăng. Chính vì vậy mà bao nhiêu năm qua, gia đình Oanh liên tục thuộc diện hộ nghèo của xã và đến nay vẫn chưa thể thoát nghèo.

Khó khăn là vậy, nhưng trong suốt những năm cấp 1, 2, Oanh đều vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp 3, bố mẹ cho Oanh ra thị trấn học để có cơ hội học tập tốt hơn, vì trường cách xa nhà 30 km nên Oanh phải thuê trọ. Cuộc sống học tập, sinh hoạt xa nhà lại càng khó khăn, thiếu thốn hơn, bố mẹ phải vay mượn rất nhiều mới có đủ chi phí cho em học xong cấp 3.

Vượt lên hoàn cảnh, Hoàng Thị Oanh luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Đáp lại sự kỳ vọng của gia đình, Oanh không chịu gục ngã trước hoàn cảnh mà luôn luôn phấn đấu vươn lên. Em liên tiếp đạt nhiều thành tích như giải khuyến khích cuộc thi vẽ tranh "Vì trường học không có ma túy"; giải nhất và nhì cuộc thi giải Tiếng Anh qua Internet; giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh và khuyến khích quốc gia môn văn lớp 12; nhận bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk vì đạt giải cao trọng kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Bên cạnh đó, Oanh vinh dự khi là 1 trong 8 học sinh THPT của tỉnh tham dự chương trình “Thắp sáng tài năng Việt Nam 2015” và tham dự Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2015...

Hiện Oanh đang là sinh viên ngành Công nghệ may - Đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh. Chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt hàng tháng rất tốn kém, nhiều lúc hết tiền ăn nhưng Oanh cũng không dám xin bố mẹ mà cố gắng tìm việc làm thêm vào hai ngày cuối tuần để trang trải. Khó khăn còn nhiều, nhưng nhớ những lời động viên của bố mẹ: "Nhiều người có điều kiện nhưng lại không đậu, con đậu được đại học thì cứ cố gắng mà đi học, nhà mình nghèo thật, nhưng bố mẹ sẽ cố gắng lo cho con. Đời bố mẹ khổ rồi, các con phải cố gắng mà tìm tương lai cho mình" Oanh lại quyết tâm học tập để ra trường tìm được công việc ổn định, giúp đỡ bố mẹ.

“Học để mẹ hạnh phúc”

Lần đầu tiên gặp Hoàng Thị Liên (dân tộc Tày), xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, ấn tượng đầu tiên về em là gương mặt xinh xắn, luôn nở nụ cười rất duyên. Không chỉ thế, ở em còn thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn và rất tự tin giao tiếp. Liên kể, tuy sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng mẹ rất quan tâm tới việc học hành của em. Lúc nào mẹ cũng động viên em phải học thật giỏi, bởi chỉ có việc học mới có thể thoát được cái nghèo.

Hoàng Thị Liên muốn mẹ luôn tự hào về mình.

Những năm học cấp 1, 2, Liên luôn là học sinh giỏi của trường, dù sau giờ tan học, em lại miệt mài với công việc nhà cửa, đồng áng để phụ giúp cha mẹ. Đêm đến, sau khi đã soạn và chuẩn bị cho bài học ngày mai đầy đủ, em luôn dành thời gian để đọc các loại sách tham khảo và nâng cao. Liên tâm sự, trong tất cả các môn học, em thích nhất là môn địa lý, bởi với em môn học này giúp em hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Hết cấp 2, nhờ những thành tích cao trong học tập, Liên được tuyển thẳng vào trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Liên chia sẻ: “Mặc dù vẫn biết được vào trường chuyên thì điều kiện sẽ tốt hơn nhiều cho việc học của em, nhưng lúc chuẩn bị nhập học em cứ trăn trở mãi, bởi nhà mình nghèo, chị gái lại đang theo học ở xa, giờ nếu em lại học xa nhà nữa thì ai sẽ đỡ đần công việc đồng áng cho mẹ”.

Hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của mẹ nên trong suốt quá trình học ở trường phổ thông, Liên chăm chỉ học giỏi đều các môn học. Đặc biệt, với đam mê của mình, Liên luôn chứng tỏ được khả năng vượt trội so với các bạn cùng khóa về môn địa lý. Dường như niềm say mê như “ngấm” vào máu của cô học trò nhỏ. Dù bất cứ nơi đâu, làm gì, hay cả trong khi ăn em cũng suy nghĩ về những kiến thức liên quan đến địa lý. Càng học Liên cảm thấy càng say, càng muốn khám phá...

Nhờ những cố gắng không mệt mỏi, Liên luôn giành được giải cao trong các kỳ thi. Thành tích học tập của Liên thật đáng nể: 12 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bên cạnh đó, em còn đạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý lớp 11, giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp tinh môn địa lý lớp 12… và mới đây là giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn địa Lý.

Dù luôn đạt được nhiều thành tích nhưng Liên luôn tỏ ra khiêm tốn, em không bao giờ cho phép mình thỏa mãn với kết quả vừa đạt được và luôn tự đặt ra những mục tiêu cao hơn để bản thân mình luôn nỗ lực cố gắng. Với số điểm khá cao, 26,25 điểm, Liên đã đỗ vào khoa Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội. Mắt ngấn nước, Liên tâm sự: “Cả cuộc đời mẹ đã phải vất vả, hy sinh vì chị em em quá nhiều. Nhất định em sẽ học tốt, có công việc ổn định để mẹ luôn tự hào về em”.

Bí quyết học giỏi của cô gái Mnông

12 năm đến trường là 12 năm Nay H’Nga (dân tộc Mnông), sinh viên trường Đại học Tây Nguyên đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Bảng thành tích học tập của em thật đáng nể: Năm lớp 9, H’Nga đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện giải toán trên máy tính casio và giải Khuyến khích môn hóa học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện; 2 năm liền đạt huy chương Bạc kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP.HCM; Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý tỉnh Đắk Lắk năm học 2013 - 2014; giải Nhì môn địa lý kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2013 - 2014; giải Khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2014 - 2015; giải Nhất môn địa lý kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2014 - 2015; đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” năm học 2014 - 2015; nhận bằng khen “Nữ sinh tài năng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2014 - 2015...

Nay H’Nga có bí quyết học tập cho riêng mình.

Chia sẻ về bảng thành tích học tập của mình, H’Nga cho biết, để có được kết quả tốt, ngoài việc tiếp thu kiến thức của các thầy cô giáo truyền đạt thì bản thân em luôn tự bổ sung kiến thức cho mình. Đối với các môn xã hội thì việc tự học lại càng quan trọng, không theo lối học vẹt mà phải học ý chính trước rồi đi vào cụ thể sau. Còn đối với các môn khoa học tự nhiên thì H’Nga luôn tích cực làm bài tập. Một bài tập làm đi làm lại khoảng 2 đến 3 lần để ghi nhớ, lần sau khi gặp dạng bài đó thì có thể làm được ngay.

H’Nga tâm sự, để có được thành tích học tập như vậy, bên cạnh sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, em còn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em là những ngày ôn thi đội tuyển học sinh giỏi năm cấp 3. Sáng nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ sáng là cô giáo giảng dạy bộ môn địa lý ở trường gọi điện thoại cho từng bạn trong đội tuyển tập trung xuống phòng tổ bộ môn để học bài. Cả cô và trò mắt nhắm mắt mở ngồi ôn bài đến tận 6 giờ sáng. Cứ như vậy, suốt mấy tháng trời, cô trò cùng nhau ôn thi và năm đó, chúng em đã gặt hái được rất nhiều huy chương”.
Quỳnh Như - Thu Hà