Sinh viên quốc tế là tâm điểm trong động thái leo thang mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Đại học Harvard.
Sinh viên tại Đại học Havard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The Washington Post ngày 25/5, hơn 1 triệu sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ mỗi năm, mang lại hàng tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và góp phần thúc đẩy các ngành khoa học và công nghệ của quốc gia. Giờ đây, nhiều người trong số họ lại trở thành mục tiêu trong cuộc chiến của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiểm soát một số trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Các chuyên gia khẳng định rằng sinh viên quốc tế từ lâu đã là một phần quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ, đóng góp vào nền kinh tế và hoạt động nghiên cứu của quốc gia này.
Ông Stuart Anderson, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn National Foundation for American Policy, nói: “Sinh viên quốc tế giúp Mỹ trở thành một trung tâm sôi động về khoa học và nghiên cứu tiên phong, đồng thời hỗ trợ các công ty Mỹ phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong các công ty khởi nghiệp hoặc giữ vai trò nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon”.
Ngày 22/5, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã thu hồi giấy chứng nhận cho phép Đại học Harvard tuyển sinh viên nước ngoài, đánh dấu bước leo thang trong cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump với ngôi trường danh giá này. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, một thẩm phán liên bang tại Massachusetts đã tạm thời ngăn chặn nỗ lực này của Bộ An ninh Nội địa, chỉ vài giờ sau khi Harvard nộp đơn kiện.
Đây là diễn biến mới nhất trong chiến dịch chưa từng có tiền lệ của chính quyền Tổng thống Trump nhằm vào các trường như Harvard, với cáo buộc rằng họ dung túng chủ nghĩa bài Do Thái và duy trì các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập mà ông Trump muốn cắt giảm. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã đột ngột hủy thị thực của một số sinh viên quốc tế và bắt giữ họ với cáo buộc họ có hành vi bài Do Thái sau khi tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong khuôn viên trường đại học.
Bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành của NAFSA: Hiệp hội Nhà giáo dục Quốc tế, cho biết sinh viên quốc tế có mặt tại hầu hết các trường đại học lớn trên toàn nước Mỹ. Bà nói: “Họ đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế Mỹ và cho nền kinh tế địa phương của các bang”.
NAFSA ước tính rằng trong năm học 2023 - 2024, sinh viên quốc tế đã đóng góp gần 44 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ thông qua học phí, lệ phí, chi phí nhà ở, đi lại và các khoản tiêu dùng khác như mua sắm.
Bà Aw nói: “Ngoài yếu tố kinh tế, sinh viên quốc tế còn đóng góp vào động lực đổi mới của nước Mỹ. Nhiều người trong số họ theo học sau đại học và tham gia vào các nghiên cứu tiên tiến, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp”.
Theo nghiên cứu của NAFSA dựa trên dữ liệu từ Bộ Giáo dục, Bộ Thương mại và Viện Giáo dục Quốc tế, sinh viên quốc tế của Harvard đã đóng góp khoảng 384 triệu USD cho nền kinh tế địa phương trong năm học trước.
Tổ chức National Foundation for American Policy ước tính rằng nếu cấm toàn bộ sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ, số lượng sinh viên đại học sẽ giảm ít nhất 2% và số lượng học viên cao học sẽ giảm ít nhất 11% trong thập kỷ tới.
Phần lớn sinh viên quốc tế đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó đa số theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Ông Anderson cho biết khoảng 70% sinh viên cao học học toàn thời gian trong ngành kỹ thuật điện, khoa học máy tính và thông tin là sinh viên quốc tế.
Theo ông Anderson, chính nhu cầu từ sinh viên quốc tế đã thúc đẩy các trường đại học mở thêm nhiều lớp học STEM cho tất cả sinh viên, từ đó khuyến khích nhiều sinh viên Mỹ theo đuổi các ngành kỹ thuật.
Ông nói: “Nếu không có nhu cầu từ sinh viên quốc tế, các trường đại học sẽ gặp khó khăn hơn trong cung cấp đa dạng các khóa học cho sinh viên. Một số trường thậm chí sẽ khó duy trì quy mô hiện tại”.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên quốc tế tiếp tục mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Anderson cho biết: “Sinh viên quốc tế thường có tinh thần khởi nghiệp bởi sang một quốc gia mới để học tập vốn đã là một sự mạo hiểm và khoảng 1/4 số công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD có ít nhất một người sáng lập là cựu sinh viên quốc tế”.
Những sinh viên quốc tế quay trở về nước nhiều khả năng sẽ trở thành các nhà lãnh đạo, có vai trò trong chính sách, thương mại và quan hệ với Mỹ.
Bà Aw nói: “Sinh viên quốc tế có lẽ là những chiếc cầu nối mạnh mẽ nhất giữa Mỹ với các quốc gia khác. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu, một thế giới kết nối chặt chẽ. Sinh viên quốc tế chính là một phần quan trọng của hệ sinh thái đó”.
Ông Anderson kết luận: nếu không có sinh viên quốc tế, nước Mỹ sẽ trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn nhiều để học tập.