12:18 08/12/2019

Những 'hạt giống đỏ' nảy mầm trên đất Bắc: Đỉnh cao của tình dân tộc - nghĩa đồng bào

Dù chỉ tồn tại 21 năm (1954 -1975) nhưng các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được đánh giá là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục cách mạng nước ta.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh ác liệt, các trường học sinh miền Nam vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần đào tạo hàng chục nghìn người con ưu tú đáp ứng yêu cầu cung cấp cán bộ, nhân tài cho các ban, ngành, địa phương của miền Nam và trên cả nước. Đồng thời, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng là biểu tượng cao đẹp của tình dân tộc, nghĩa đồng bào, trách nhiệm của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam “ruột thịt”. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhường cơm, sẻ áo cho học sinh miền Nam

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là cho việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung tại miền Bắc để đưa con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra nuôi dưỡng, học tập. Đây được coi là quyết sách đúng đắn, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Du Phong, Phó Ban liên lạc học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ: Tại thời điểm ấy, miền Bắc mới được giải phóng, nền kinh tế sau chín năm kháng chiến bị tàn phá nặng nề, nguồn lực của nhà nước và của nhân dân rất hạn chế, song Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã dành những điều kiện vật chất tốt nhất cho việc nuôi dạy các học sinh miền Nam. Trong những ngày đầu tập kết, chưa xây dựng được trường lớp, người dân miền Bắc dù còn nhiều khốn khó đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, đón nhận những đứa con của đồng bào, đồng chí miền Nam.

Giáo sư Lê Du Phong tâm sự: Những ngày đầu ra Bắc, tôi và một vài bạn cùng tầm 9,10 tuổi được đưa về sống trong nhà của một người dân ở tỉnh Hà Tây (cũ). Lúc đó, miền Bắc rất nghèo nhưng gian nhà nào đẹp nhất họ dành cho học sinh miền Nam. Bữa cơm đầu tiên, tôi thấy họ chỉ đưa cơm cho chúng tôi ăn, chúng tôi vô tư ăn hết phần cơm của mình và cũng thắc mắc vì sao họ lại không ăn chung. Được hai, ba hôm, chúng tôi tìm hiểu mới biết, bao nhiêu đồ ăn ngon, cơm trắng, người dân đã nhường hết cho học sinh miền Nam còn họ và con cái thì ăn khoai, sắn. Kể từ hôm đó, chúng tôi quyết định ăn cùng, có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai chứ mình được ăn ngon mà người khác nhịn đói thì không nuốt nổi.

Có lần, chúng tôi cùng người dân đi gặt ở Ứng Hòa, thời tiết mùa đông miền Bắc lạnh thấu xương nhưng bà con tối ngủ trong đống rơm, có mấy cái mền, cái chiếu để đắp, họ dành hết cho học sinh miền Nam với lý do, các con ở trong Nam không chịu được rét, các mẹ nhường cho. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất cùng mang chăn mền ngủ chung với bà con quanh đống rơm. Chỉ những chi tiết rất nhỏ như vậy nhưng chúng tôi không bao giờ quên được ân tình của đồng bào với những đứa trẻ xa nhà.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân chia sẻ: Ngày ấy, nông dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi chúng tôi đặt chân đến còn đang đói. Khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải dỡ lên ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà chúng tôi được trang bị đầy đủ quần áo, sách vở, lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân để tập trung ăn học nên người. Vì thế, những học sinh miền Nam từng ra miền Bắc học tập sẽ không bao giờ quên được công lao của Đảng, Bác Hồ và tình yêu thương, sự đùm bọc hết mình mà nhân dân miền Bắc đã dành cho.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn kể: Do phải sống xa bố mẹ, người thân nên học sinh miền Nam đều cùng một tâm trạng “ngày Bắc, đêm Nam”, nghĩa là ban ngày học tập, sinh hoạt với các thầy cô và người dân miền Bắc, đêm đến là khoảnh khắc nhớ cha mẹ, nhớ nhà và sợ nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về. Để giúp học trò vơi đi nỗi nhớ gia đình, các thầy, cô giáo luôn cố tạo ra một cái Tết đầm ấm, với nhiều phong tục giống Tết miền Nam như: Gói bánh tét, làm những bông hoa mai giả... Người dân cũng thường đến thăm hỏi, tặng quà và quần áo đẹp cho chúng tôi để diện Tết. Có lẽ, cái tình của người miền Bắc đã góp phần giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, cố gắng học tập tốt.

Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng: Tình dân tộc và nghĩa đồng bào ở thời đại Hồ Chí Minh đã đạt ở đỉnh cao mà không thời đại nào và quốc gia nào có được. Sự gắn kết, sẻ chia, đùm bọc của nhân dân miền Bắc với đồng bào miền Nam đã giúp cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi, giành lại hòa bình, thống nhất cho dân tộc.

Mô hình giáo dục hướng tới phát triển toàn diện

Là thế hệ đầu tiên ra Bắc học tập năm 1954, đồng thời là người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, Giáo sư Lê Du Phong cho rằng: Trường học sinh miền Nam là một mô hình giáo dục đặc biệt, để lại nhiều bài học cho ngành trong chiến lược “trồng người” của đất nước.

Thực hiện tinh thần "Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu", đội ngũ giáo viên giảng dạy tại các trường học sinh miền Nam được lựa chọn kỹ càng, đào tạo bài bản, có trình độ và khả năng sư phạm. Đội ngũ này xuất phát từ hai nguồn, hoặc là giáo viên tập kết, lão luyện với nghề hoặc thầy cô được đào tạo ở các trường sư phạm miền Bắc hay ở Trung Quốc.

Thầy cô cũng phải tạm xa gia đình, cùng ăn, cùng ở, vừa giảng dạy vừa thay người thân chăm lo cho học trò miền Nam. Có thể khẳng định, ý thức trách nhiệm cao, tình thương yêu học sinh sâu sắc là nét đặc trưng của đội ngũ thầy, cô giáo công tác tại các trường học sinh miền Nam. Phần lớn học sinh miền Nam chỉ từ 6 đến 15 tuổi, lại phải sống xa quê hương, xa gia đình. Vì vậy, các thầy, các cô, các chú vừa là người thầy, vừa là người cha, người mẹ, người bạn tâm tình của học sinh.

Đặc biệt, những học sinh miền Nam là sản phẩm giáo dục cả về văn - thể - mỹ, đạo đức tư tưởng. Ngoài giờ học tập, học sinh có giờ sinh hoạt vui chơi, ca hát, thể thao… rất sôi nổi, hấp dẫn. Nhiều đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền của các trường được mời đi giao lưu ở các tỉnh.

Trong những giờ cùng nhau lên rừng chặt tre nứa, thầy cô luôn tranh thủ kể những tác phẩm văn học cho học trò nghe như: Thép đã tôi thế đó, Chiến tranh và hòa bình… nhằm cung cấp cho các em kiến thức về văn học thế giới cũng như gửi gắm những bài học giáo dục nhân cách.

Học sinh không chỉ học trên lớp mà còn được “tắm mình” trong thực tiễn khi cùng đi cấy, đi gặt với bà con trong hợp tác xã; tham quan nhà máy sản xuất; xây dựng công trình thủy lợi… Nhờ đó, học sinh biết quý trọng sức lao động, sống chan hòa với công nhân, nông dân, phát triển nhân sinh quan tốt đẹp.

Giáo sư Lê Du Phong khẳng định: Những thành tựu và kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo, phương pháp dạy và học, thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức học sinh; việc xây dựng đội ngũ giáo viên, ý thức, động cơ học tập của học sinh, xây dựng quan hệ thầy trò sâu đậm… là hết sức bổ ích, cần phải được kế thừa, phát huy.

Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm, Tổng giám đốc Tổng công ty Golf Long Thành cũng chia sẻ: Các thầy, cô, chú tại các trường học sinh miền Nam luôn coi học sinh như con em mình, coi việc chăm sóc, dạy bảo học sinh miền Nam là lương tâm, là vinh dự, trách nhiệm với đồng bào miền Nam đang chiến đấu, hy sinh để giành độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi đã được đào tạo toàn diện, không chỉ kiến thức văn hóa mà cả văn nghệ, thể thao, lao động và được phát huy tất cả những năng khiếu của mỗi người.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Thòn tâm sự: Chính nhờ được sống trong môi trường giáo dục toàn diện, cùng ý thức tập thể, tự lực cánh sinh mà tất cả thầy giáo và học sinh đều chung sức, chung lòng rèn luyện bản thân "vừa hồng, vừa chuyên", phấn đấu không mệt mỏi để trở thành những chiến sĩ cận vệ tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Trên 32 nghìn học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ các trường học sinh miền Nam, sau khi tốt nghiệp phổ thông, hầu như đều được tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp. Đại bộ phận trong số họ đã trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội với tinh thần xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng và lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Việt Hà (TTXVN)