02:20 22/02/2016

Những hạn chế trong chương trình QE của ECB

ECB đã theo đuổi một chiến lược tương tự như mua trái phiếu công với quy mô lớn và lãi suất cực kỳ thấp (thậm chí ở mức âm). Mặc dù chính sách tiền tệ của ECB khá giống với chính sách mà FED đã áp dụng, nhưng mục đích lại rất khác nhau.

Tại sao các QE của FED thành công hơn so với gói QE của ECB? Phải chăng ECB sẽ không bao giờ có khả năng đưa ra gói QE trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và lạm phát cao hơn?

Theo nhận định của nhật báo "Les Echos" và tạp chí "La Tribune" của Pháp, sau khi kết luận rằng nền kinh tế Mỹ đã không còn phù hợp với các chính sách tiền tệ truyền thống và các gói kích thích tài chính ban hành trong năm 2009, FED đã đưa ra nhiều gói QE, bao gồm cả việc mua lượng lớn trái phiếu dài hạn, với cam kết sẽ duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian dài. Ben Bernanke (Chủ tịch FED thời điểm đó) cho rằng một chính sách tiền tệ bất thường có thể làm giảm lãi suất trong dài hạn, để từ đó các nhà đầu tư sẽ chuyển từ trái phiếu chất lượng cao (lợi suất thấp) sang chứng khoán và tài sản rủi ro khác nhưng có thể đem lại lợi suất cao hơn, sẽ làm tăng giá trị của những tài sản, sự giàu có của các hộ gia đình và mức chi tiêu của người dân.

Chiến lược này của FED đã vận hành tốt và gặt hái thành công. Kết quả là giá cổ phiếu tăng 30% và giá nhà ở tăng 13% trong cùng năm 2013, tài sản ròng của các hộ gia đình tăng 10.000 tỷ USD. Đây là lý do dẫn đến sự gia tăng trong chi tiêu của người dân và thúc đẩy tăng trưởng tới 2,5% GDP trong năm 2013 và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ hơn 8% xuống còn 6,7% năm 2013 và đến nay chỉ còn 5% (tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở mức 2,5%).

ECB đã theo đuổi một chiến lược tương tự như mua trái phiếu công với quy mô lớn và lãi suất cực kỳ thấp (thậm chí ở mức âm). Mặc dù chính sách tiền tệ của ECB khá giống với chính sách mà FED đã áp dụng, nhưng mục đích lại rất khác nhau. Ở châu Âu, các cổ phiếu và thị trường chứng khoán đã không phản ứng như ở Mỹ và do đó gói QE không thể kích thích chi tiêu bằng cách tăng sự giàu có của các hộ gia đình. Thay vào đó, một mục tiêu cơ bản trong chính sách của ECB khi duy trì mức lãi suất thấp là để kích thích xuất khẩu ròng và giảm giá trị của đồng euro. ECB đã thành công với sự mất giá của đồng euro tương đương khoảng 25% (từ mức 1 euro đổi 1,40 USD giữa năm 2014 xuống còn 1,06 USD vào cuối năm 2015). Kết quả là, từ giữa tháng 9/2014 đến tháng 9/2015, xuất khẩu ròng ở Eurozone chỉ tăng gần 3 tỷ euro - mức tăng không đáng kể đối với nền kinh tế trị giá 11.000 tỉ euro.

Một mục đích khác của chương trình mua trái phiếu của ECB là để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng thuộc khu vực đồng euro - tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình được vay tiền. Tuy nhiên cho đến nay, sự gia tăng các khoản vay vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài ra, ECB muốn đạt mục tiêu lạm phát dưới 2%. Trong khi đó, chiến lược nới lỏng định lượng của FED đã tăng tỷ lệ lạm phát lõi (không tính sự giảm giá các mặt hàng như năng lượng và thực phẩm) lên 2,1% trong một năm qua. Đây là kết quả của sự gia tăng trong nhu cầu thực tế, bằng cách giảm tỷ lệ thất nghiệp tới mức tiền lương tăng nhanh hơn giá hàng hóa.

Đây là một chiến lược không thực tế tại khu vực đồng euro bởi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khoảng 12%, cao hơn so với trước khủng hoảng suy thoái tới 5%. Các chính sách QE của ECB có thể thúc đẩy lạm phát cao hơn thông qua việc tăng giá nhập khẩu so với sự mất giá của đồng euro. Với quá trình rất hạn chế này, lạm phát cơ bản ở Eurozone vẫn dưới 1%.

Gần đây, Thống đốc ECB Mario Draghi đã phản ứng với sự yếu kém tăng trưởng và lạm phát thấp trong khu vực Eurozone và cho rằng ECB có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ các cuộc họp tiếp theo trong tháng 3 tới. Trong bài phát biểu ngày 15/2, Thống đốc Draghi đã nhắc lại rằng ECB đã và sẽ sẵn sàng can thiệp để thực hiện các mục tiêu kích thích kinh tế đồng thời thúc đẩy lạm phát.

Thị trường tài chính khu vực châu Âu đã phản ứng như mong đợi: Lãi suất dài hạn giảm, giá cổ phiếu tăng và đồng euro giảm giá so với đồng USD. Tuy nhiên, kinh nghiệm của quá khứ và những lý do nêu trên cho thấy chính sách nới lỏng chưa chắc đã có tác động nhiều đối với tăng trưởng và lạm phát trong Eurozone. Để đạt được kết quả rõ rệt trong tiến trình phục hồi nền kinh tế, các quốc gia thành viên Eurozone không nên phụ thuộc quá nhiều vào ECB, các gói QE mà nên tập trung hơn vào cải cách cơ cấu và kích thích tài chính, kinh tế.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 3/2015 với mức mua các trái phiếu công thuộc khu vực Eurozone là 60 tỉ euro/tháng, thời hạn ban đầu là tới tháng 9/2016 và mới được gia hạn (trong cuộc họp tháng 12/2015) tới tháng 3/2017. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện, kết quả gói QE của ECB vẫn còn rất hạn chế khi tỉ lệ tăng trưởng và lạm phát thấp - không như kỳ vọng của ECB và không được như kết quả của các gói QE mà Cục Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) đã thực hiện trước đó. Có thể nói, bối cảnh và các điều kiện thực tế tại Eurozone đã khiến gói QE của ECB có những hạn chế.


Việt Sơn (P/v TTXVN tại Pháp)