09:21 28/09/2012

Những đứa trẻ không biết Trung Thu

Sau nhiều năm buông mái chèo, cái nghèo vẫn đeo đẳng làng “điểm chỉ” và khi miếng ăn chưa đủ thì những mơ ước của trẻ nhỏ cũng bị thu hẹp lại.

Vầng trăng tháng Tám đang tròn dần. Ở các thành phố lớn không khí Tết Trung thu đã bắt đầu rộn ràng với những quầy bánh thơm phức, cửa hàng đồ chơi và các loại lồng đèn đủ hình thù, màu sắc. Còn với những đứa trẻ vạn chài lênh đênh sông nước được đi học đã là may mắn nói gì đến chuyện những thứ quà của mùa Tết trông trăng. Và để ký ức trẻ nhỏ về những mùa trăng trên bờ có ý nghĩa đang là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền.

 

Làng “điểm chỉ”


Thôn Cao Bình là nơi khó khăn nhất của xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương), là vùng đất vốn được mệnh danh là làng “điểm chỉ”, là “điểm nóng” về giáo dục của huyện Kiến Xương. Toàn thôn với gần 160 hộ dân, trên 560 nhân khẩu nhưng có tới 60% người dân mù chữ. Mọi giấy tờ quan trọng cần phải xác nhận chữ ký, không có cách nào khác địa phương phải dùng biện pháp cho người dân “điểm chỉ”.

Khi được lên bờ, người dân làng chài Cao Bình không biết chuyển sang nghề gì để mưu sinh.

Nhiều lần chính quyền địa phương đã quyết tâm chấm dứt tình trạng “điểm chỉ” ở làng chài Cao Bình và những lớp học nơi chân sóng cũng đã “neo” lại xóm nghèo. Từ đầu năm 2007, Đồn Biên phòng 72 đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Kiến Xương thực hiện đề án xóa mù chữ cho trẻ em và ngư dân xóm chài. Huyện trang bị sách vở, bút mực, còn Trạm Biên phòng Cồn Vành cho mượn bàn ghế, phòng học để mở lớp.

 

Cao Bình là một làng theo đạo Thiên chúa. Xác định tầm quan trọng của “cái chữ” đối với dân làng nên cứ đến sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các nữ tu sĩ lại tổ chức dạy chữ cho các cháu chưa có điều kiện đến trường.


Nỗ lực là vậy, song đến nay cả thôn chỉ có 40 cháu được theo học tiểu học, khoảng 10 cháu học THCS, riêng bậc THPT… “trắng sổ”.


Bác Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Cao Bình, cho biết: Những năm trước nhiều gia đình kinh tế khá lên được nhờ nghề cá. Nhưng vì không biết cách tính toán rồi cũng tiêu hết. Không có tài sản thế chấp nên họ lại phải vay nặng lãi để có tiền sống. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi được mùa cá, trả hết nợ cũng chỉ còn cái lưới rách.

 

Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, 63/159 hộ dân làng chài Cao Bình đã được cấp đất làm nhà giai đoạn I từ chương trình di dân để ổn định cuộc sống. Thôn Cao Bình nay không còn cảnh heo hút, thay vào đó là tiếng trẻ nô đùa sau những buổi lên lớp, là những ngôi nhà mới xây thơm nồng mùi gạch vữa.


Từ khi sinh ra, hai chị em Nguyễn Thị Chinh và Nguyễn Văn Phượng đã theo cha mẹ ngược xuôi bờ sông bãi biển. Đây cũng là lần đầu tiên các em được sinh hoạt trên chính căn nhà của mình.

 

“Năm trước vào dịp Tết Trung thu chúng cháu đang trên thuyền chưa vào được bờ, không có trò chơi gì cả, chỉ nghe bố mẹ bảo là Tết vậy thôi. Nhưng từ khi đi học được nhà trường tổ chức trò chơi và có phần thưởng cho học sinh khá, giỏi chúng cháu vui lắm” - em Chinh háo hức kể.


Nguyễn Thị Chinh năm nay 12 tuổi nhưng mới học lớp 4. Muộn so với tuổi quy định nhưng so với các bạn cùng trang lứa, như thế đã là may mắn lắm, vì rất nhiều đứa trẻ ở đây còn không được đi học. Tất cả các khoản chi nuôi hai chị em Chinh - Phượng ăn học đều trông chờ vào công việc đánh bắt, chài lưới của cha mẹ.


Cha mẹ đi biển vài tuần có khi cả tháng mới về một lần, ở nhà hai chị em chăm sóc lẫn nhau. Có chiếc xe đạp cũ, hàng ngày hai chị em chở nhau đi học đoạn đường gần 5 cây số. Gạo mẹ đã mua đủ dùng cho cả tháng, chỉ có thức ăn là các cháu tự mua ở đầu làng, khi nào về mẹ trả tiền.


Ở Cao Bình còn rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh như hai chị em Chinh. Những người có sức khỏe đều đi biển hoặc đi làm ăn xa, chỉ có người già và trẻ nhỏ ở lại nhà. 


Nỗi trăn trở của người lớn


Gia đình chị Trần Thị Lành (mẹ hai cháu Chinh và Phượng) là một trong những hộ nghèo của thôn Cao Bình. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Thắng sức khỏe yếu, không làm được nhiều nên mọi việc đều do chị gánh vác. Chị tâm sự: Nhà không có ruộng, bắt được con cá, con tôm mang bán, lấy tiền mua gạo ăn có khi không đủ.

 

Mấy năm trở lại đây nguồn lợi thủy, hải sản dọc sông Hồng cũng giảm mạnh, chị nhẩm tính cứ như năm nay thì lỗ nặng. Muốn đánh bắt xa bờ và thu lợi thì phải “mạo hiểm” đầu tư tàu thuyền công suất lớn song điều đó là không thể vì với giá cả như hiện tại gia đình chị đã “khốn khổ” để trả chi phí tiền dầu.

Ký ức trẻ thơ làng chài Cao Bình là những ngày lênh đênh sông nước.

Sau bao đời lênh đênh sông nước, nay gia đình chị đã có chỗ trú chân lúc mưa lúc nắng. Chị cũng muốn ổn định ở hẳn trên mảnh đất ấy, “an cư thì mới lạc nghiệp”, có thời gian chăm sóc hai đứa nhỏ ăn học.

 

Chị Lành chia sẻ: “Tôi đã mù chữ rồi, thằng con lớn học tới lớp 5, còn hai đứa nhỏ cũng mong muốn cho chúng được học đến nơi, đến chốn”. Song cái khó là hiện tại ngoài nghề chài lưới ra, chị cũng không biết chuyển sang nghề gì để nuôi sống gia đình, nên lại rơi vào vòng luẩn quẩn của nghiệp mưu sinh. Vợ chồng chị lại tiếp tục bám sông, bám biển dài ngày để hai đứa trẻ ở nhà tự chăm nhau.


Ông Cao Kim Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết, chính quyền xã đã xác định hướng đi cho bà con thôn Cao Bình trong thời gian tới là thành lập một hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện tại, phương tiện đánh bắt của ngư dân ở đây còn rất thô sơ, lạc hậu, chỉ một vài tàu có mã lực 24 CV, chủ yếu loại 18 - 20 CV. Khi tham gia hợp tác xã, các hộ tập trung vào sản xuất, chung vốn đầu tư cho phương tiện đánh bắt. Người đàn ông trong gia đình sẽ vẫn tiếp tục theo nghề đi biển, còn người phụ nữ sẽ được đào tạo nghề tại nhà, có điều kiện để chăm sóc con cái hơn.


Với chính sách “níu dân lên bờ” tạo điều kiện về việc làm của chính quyền địa phương, hy vọng trong tương lai không xa nữa những mong ước của người dân xóm chài và ký ức mùa Tết Trung thu của con trẻ được sum vầy cùng cha mẹ sẽ thành hiện thực.



Bài và ảnh: Hoài An