04:09 29/04/2019

Những điều chưa biết về nghi thức thoái vị và đăng cơ của Nhật hoàng

Nhật Bản phải chờ hơn 2 thế kỷ mới được chứng kiến một lễ Nhật hoàng thoái vị, tuy nhiên nghi lễ chính thức chỉ mất có 10 phút.

Chú thích ảnh
Nhật hoàng Akihito (giữa) luôn mang theo báu vật thiêng liêng của Nhật Bản. Ảnh: AFP

Nghi thức Nhật hoàng Akihito thoái vị sẽ chính thức diễn ra vào 5h chiều 30/4 (giờ địa phương) trong căn phòng Matsu-no-Ma (Phòng cây Thông) có diện tích 370 m2 – hội trường trang nhã nhất trong cung điện Hoàng gia.

Căn phòng được trang hoàng một cách giản dị với sàn làm từ cây zelkova thân gỗ đặc trưng của Nhật Bản thay vì trải thảm. Các bức tường bao quanh cũng phủ một lớp vải có họa tiết lá cây thông.

Buổi lễ thoái vị sẽ được tiến hành với sự hiện diện của một thanh kiếm và viên ngọc cổ - hai trong "Ba báu vật thiêng liêng của Nhật Bản" - được coi là vật chứng quan trọng thể hiện tính hợp pháp của một Nhật hoàng. Thanh kiếm và viên ngọc sẽ được đựng trong các hộp đưa vào phòng trong thời khắc diễn ra lễ thoái vị. Trong khi đó, biểu tượng thứ 3 của Hoàng tộc, là một tấm gương linh thiêng, không bao giờ bị di rời khỏi vị trí đặt tôn nghiêm trong cung điện.

Hơn 300 người dự kiến tham dự lễ thoái vị, trong đó có khoảng 12 thành viên hoàng tộc, lãnh đạo Chính phủ và quốc hội, các thẩm phán tối cao, người đứng đầu chính quyền địa phương…

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ bước tới và phát biểu đại diện cho người dân, trước khi Nhật hoàng Akihito có phát ngôn cuối cùng với tư cách là người đứng đầu Hoàng gia. Đây là dịp cuối cùng Nhật hoàng gặp gỡ đại diện của người dân trước khi thoái vị.

Về mặt hình thức, ông Akihito vẫn là Nhật hoàng cho đến khi đồng hồ chính thức điểm nửa đêm.

Chú thích ảnh
Thanh kiếm, viên ngọc chạm khắc tinh xảo và con dấu được trao vào ngày 7/1/1989 trong lễ kế vị của Nhật hoàng Akihito. Ảnh: AFP

10h30 sáng hôm sau (ngày 1/5), Nhật Bản sẽ tổ chức lễ kế vị cho Thái tử Naruhito. Con dấu, thanh gươm và viên ngọc cổ sẽ được đặt trên bàn làm việc của tân Nhật hoàng như một bằng chứng đánh dấu việc lên ngôi hợp pháp. Nghi thức kế vị của tân Nhật hoàng có sự tham gia của một nhóm nhỏ nam giới, bao gồm thành viên Hoàng tộc trưởng thành và đại diện 3 phân nhánh trong Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Abe và Nội các. Nhật hoàng thoái vị Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ không có mặt trong lễ kế vị.

Nghi thức cũng không có sự tham gia của các thành viên Hoàng tộc là nữ. Tuy nhiên, trong lần kế vị này, bà Satsuki Katayama – nữ Bộ trưởng Quốc phòng trong Nội các của Thủ tướng Abe – sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử hiện đại tham dự nghi thức.

Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc một bộ vest đuôi tôm mang hơi hướng phương Tây. Sau nghi thức kế vị, Nhật hoàng Naruhito sẽ có bài phát biểu đầu tiên với tư cách Nhật hoàng tại phòng Matsu-no-Ma, thể hiện mục tiêu hoặc hy vọng trong triều đại mới của mình.

Chú thích ảnh
Nhật hoàng Akihito cam kết bảo vệ Hiến pháp Nhật Bản trong lễ kế vị. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu kế vị năm 1989, Nhật hoàng Akihito cam kết sẽ bảo vệ Hiến pháp và làm trọn nghĩa vụ. Ông cũng bày tỏ hy vọng về sự phồn thịnh của đất nước, nền hòa bình và lòng bác ái nhân đạo trên toàn thế giới.

Thủ tướng Abe cũng sẽ có bài phát biểu đại diện cho người dân Nhật Bản. Lúc này, tân Hoàng hậu Masako và các thành viên khác trong Hoàng tộc được phép tham dự.

Chú thích ảnh
Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ có màn xuất hiện đầu tiên trước công chúng vào 4/5. Ảnh: AP

Ngày 4/5, tân Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ có màn xuất hiện đầu tiên trước công chúng, chào hỏi người dân tập trung trước Cung điện Hoàng gia. Họ sẽ có 6 lần xuất hiện trong ngày, từ 10h sáng.

Sự kiện công khai này dự kiến thu hút lượng lớn người đến chúc phúc, do lễ kế vị tổ chức đúng kỳ nghỉ lễ dài Tuần lễ vàng của Nhật Bản. Năm 1990, có hơn 100.000 người tập trung đến chúc phúc cho Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.

Đến 22/10, Nhật Bản sẽ chính thức tổ chức lễ Sokuirei Seiden no Gi (lễ đăng cơ). Lúc này, Nhật hoàng Naruhito tuyên bố đăng cơ trong một buổi lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ gần 200 quốc gia. Giống như cha mình, Nhật hoàng Naruhito dự kiến mặc áo choàng và khăn trùm đầu truyền thống. Ông sẽ bước lên ngai vàng Takamikura và ngồi trên một chiếc ghế đệm làm từ rơm.

Nhật hoàng sau đó sẽ bước ra khi tấm rèm được kéo lên và tuyên bố ngôi vị của mình với thế giới. Cặp đôi Hoàng tộc sẽ ngồi trên một chiếc limousine chạy dọc trung tâm thủ đô Tokyo. Vào năm 1990, khoảng 120.000 người cầm cờ đã xếp hàng dọc các tuyến phố để đứng xem avf cổ vũ cho Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko khi họ đi ngang qua trên một chiếc Rolls-Royce Corniche III.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức