11:11 30/11/2020

Những điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI

Trong bối cảnh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, trong 11 tháng qua vẫn có những điểm tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực ngành nghề cũng như một số địa phương Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Chú thích ảnh
Dây chuyền hàn khung xe ô tô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số đó, có 2.313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 33,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Vốn điều chỉnh, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 16,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ

Đối với góp vốn mua cổ phần, có 5.812 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 6,5 tỷ USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019, từ 35,4% trong 11 tháng năm 2019 xuống 24,7% trong 11 tháng năm 2020.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong 10 tháng. Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt gần 181 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ, chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 148,9 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ và chiếm 63,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 12,7 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 19,4 tỷ USD.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD.

Theo đối tác đầu tư, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm 14 % tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 573 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 311 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 251 dự án, Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ tư với 164 dự án...

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư; Thành phố Hà Nội đứng thứ ba với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng,…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với 865 dự án, thành phố Hà Nội đứng thứ hai với 470 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 136 dự án...

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, mặc dù, tổng vốn đăng ký trong 11 tháng qua của TP Hồ Chí Minh duy trì tỷ lệ cao so với cả nước, chiếm 14,4%, nhưng so với cùng kỳ năm trước số vốn giảm đến 30,5%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn rất phức tạp nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các quốc gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là nhóm các quốc gia đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Cụ thể về các hình thức đầu tư, đầu tư đăng ký cấp mới có 865 dự án với vốn đạt hơn 500 triệu USD, giảm 26,8% về giấy phép và giảm 65% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 235 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn đạt 476 triệu USD, giảm 16,7% về giấy phép và giảm 38% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Theo ghi nhận, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong tỷ lệ vốn FDI hiện nay của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã cho phép 3.401 trường hợp góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn hơn 2,83 tỷ USD, giảm 28,3% về giấy phép và giảm 13,6% về vốn so với cùng kỳ năm trước...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã thường xuyên tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư qua các kênh trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhất là các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Về tình hình thu hút đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, thu hút mới đầu tư nước ngoài giảm là do ảnh hưởng dịch COVID-19, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng vốn tăng do nhà đầu tư của một số dự án lớn đã khảo sát, nghiên cứu khả thi, xây dựng phương án đầu tư và đàm phán thuê đất trong thời gian dài trước đó, một số dự án nước ngoài đang hoạt động mở rộng sản xuất, điều chỉnh tăng vốn.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, dù trên thế giới dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng các nhà đầu tư vẫn tiến hành thuê đất, triển khai xây dựng tạo quỹ kho, xưởng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh đã thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài đến thành phố góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động nhất là ở các ngành nghể dịch vụ, giày da, may mặc đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn…

Về định hướng thu hút FDI thời gian tới, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài.

TP Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ...

Thúy Hiền - Anh Tuấn (TTXVN)