10:14 07/10/2020

Những di tích quan trọng gắn với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến

Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùng những di tích lịch sử mang hồn cốt của dân tộc.

Chú thích ảnh
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
 
Chú thích ảnh
Hoàng Thành Thăng Long tọa lạc giữa nội đô, với bốn mặt bao quanh là những con đường đẹp nhất thành phố: Nguyễn Tri Phương (phía Đông), Phan Đình Phùng (phía Bắc), Hoàng Diệu (phía Tây) và Điện Biên Phủ (phía Tây-Nam). Hoàng Thành là quần thể khu di tích lịch sử Hà Nội gắn liền với những giai đoạn phát triển của kinh thành Thăng Long.
Chú thích ảnh
Là di sản văn hóa thế giới, khu di tích lịch sử này được mở cửa để du khách có thể tham quan Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, khu khảo cổ…
Chú thích ảnh
Không xa Hoàng Thành Thăng Long, là quần thể di tích lịch sử Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Được xây dựng từ năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu gồm nhiều di tích như: Hồ Văn, Khu vực bia tiến sĩ, Khuê Văn Các… Đây cũng là nơi vinh danh những trạng nguyên xuất sắc làm rạng danh đất nước.
Chú thích ảnh
Nơi thờ Chu Văn An, người thầy giáo tiêu biểu, mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.
Chú thích ảnh
Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La mùa xuân năm 1010, lập nên kinh đô Thăng Long, Nhà Lý đã coi trọng giáo dục, đào tạo hiền tài kiến thiết cho đất nước.
Chú thích ảnh
Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia. 
Chú thích ảnh
Đình Chèm nằm trên địa bàn xã Thụy Phương thuộc huyện Từ Liêm. Đình thờ Đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng đã có công giúp An Dương Vương đánh thắng giặc ngoại xâm. Đình Chèm được xây dựng từ sau khi đức Thánh Chèm mất vào quãng từ năm 205-207 TCN, cách đây khoảng 2000 năm. Ngôi đình bảo lưu được nhiều dấu tích truyền thống, đặc biệt là sự tồn tại gần như nguyên bản với những giá trị về kiến trúc, văn hóa sau một thời gian dài. 

  

Chú thích ảnh
Đình Chèm có nhiều mảng chạm độc đáo. Một bài thơ chữ Hán có tựa đề “Tứ linh thí" (Thơ về tứ linh) được nâng niu trong mây và phượng. 
Chú thích ảnh
Ngày 25/6/2018, Đình Chèm được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Chú thích ảnh
Thăng Long tứ trấn gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đền Kim Liên, Đền Quán Thánh. Đền - đình Kim Liên (Trấn Nam) nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Chú thích ảnh
Cổng đình Kim Liên và cửa chính điện đều hướng về phía tây. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía nam kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho kinh thành. 
Chú thích ảnh
Tại đình Kim Liên còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có hai sáu đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn; sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620). 
Chú thích ảnh
Đền được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Hàng năm vào ngày 16/3 (âm lịch), người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe tế lễ để báo đáp ơn thần.
Chú thích ảnh
Đền Bạch Mã (trấn Đông) được xây dựng từ thế kỷ IX, nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng).
Chú thích ảnh
Đền Bạch Mã còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như bức hoành phi “ Đông trấn linh từ”, Cỗ Long ngai, đồ thờ... . được chạm khắc tinh xảo.
Chú thích ảnh
Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986. Với những ý nghĩa và giá trị nổi bật của Di tích đền Bạch Mã, các nhà khoa học đề xuất chuẩn bị xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Chú thích ảnh
Đền Voi Phục (trấn Tây) được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại vương - thần Linh Lang. Do vậy, ngoài cái tên đền Voi Phục, đền còn có tên gọi khác là đền Linh Lang. Đền Voi Phục tọa lạc trên phố Kim Mã, cạnh công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Đền Voi Phục được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 28/4/1962.
Chú thích ảnh
Đền Quán Thánh (trấn Bắc) được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Theo lịch sử đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Tương truyền, thần có công giúp vua Lý Công Uẩn trị thủy quái Hồ Tây và trấn giữ mặt Bắc thành Thăng Long. 
Chú thích ảnh
 Đền Quán Thánh còn nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Việt bởi pho tượng khổng lồ tạc đức Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng. Pho tượng này cao 3,96m nặng gần 4 tấn và là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII.
Chú thích ảnh
Đền Quán Thánh là một di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc. 
Chú thích ảnh
5 cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa là ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Nhưng chỉ có duy nhất Ô Quan Chưởng vẫn còn trường tồn cho đến ngày nay và mang nhiều dấu ấn lịch sử của kinh thành cũ.
Chú thích ảnh
Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long. 
Chú thích ảnh
Cửa ô này được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của nhà Nguyễn thời bấy giờ – kiểu vọng lâu với cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên. Cổng cao 3m, vọng lâu với kiểu mái uốn cong được đặt trên tầng 2, có lan can bao quanh. 
Chú thích ảnh
Trên tường phía trái cửa chính có một tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. 

 

Lê Phú/ Báo Tin tức