11:21 04/11/2015

Những di tích gắn với Đại thi hào Nguyễn Du

Cùng với những tác phẩm văn học để đời mà Danh nhân văn hóa, Đại thi hào Nguyễn Du đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói riêng và nền văn học thế giới nói chung; một hệ thống các công trình văn hóa đã được xây dựng, những di tích đã được bảo tồn… như những nén “tâm nhang” để tưởng nhớ tới công lao của Đại thi hào.


Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTG ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nằm tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; quê hương của Nguyễn Du. Khu lưu niệm này bao gồm một quần thể các di tích của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, trải dài trên địa bàn toàn xã; gồm một số hạng mục chính.

Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh

Một trong những công trình quan trọng của khu lưu niệm là đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội của Nguyễn Du). Nguyễn Quỳnh là người giỏi chữ, hay đọc sách, tinh thông lý số, giỏi về kinh dịch… nhưng việc thi cử không được hanh thông, nên chỉ chuyên tâm đọc sách, dạy con cái học hành, mong con thành danh, làm vẻ vang cho gia đình và dòng họ. Ông có 5 vợ và 9 con (6 trai, 3 gái). Trong số 6 người con trai thì có 3 người con đậu đại khoa và làm quan to là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trọng. 

Đền thờ Nguyễn Nghiễm tại quê nhà.

Năm 1762, sau khi nhận chức Tể tướng được 4 tháng, để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, Nguyễn Nghiễm cùng em trai là Nguyễn Trọng và con cháu đã lập đàn tế, dựng bia đá tại khu vườn tưởng niệm của dòng họ để tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Hàng năm đến ngày giỗ, lễ Tết, con cháu dòng họ Nguyễn làm lễ dâng hương tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên tại đây. Bia đá Nguyễn Quỳnh được dựng vào mùa Thu năm Nhâm Ngọ (1762), với chất liệu chính là gạch đá và đá thanh. Trên bia khắc các dòng chữ Hán, mặt trước ghi “Phong tặng Lễ Bộ Thượng Thư Thái Bảo Nhuận Quận công Nguyễn tiên sinh. Phong tặng Nhất phẩm tự phu nhân gia phong Quận phu nhân Phan Thị” (Phong tặng ông Nguyễn Quỳnh chức Lễ Bộ Thượng Thư, hàm Thái Bảo, tước Nhuận Quận công. Phong tặng bà Phan Thị đệ nhất phu nhân và được hưởng bổng lộc như Quận công); hai bên khắc đôi câu đối: “Niệm thời truy nhật nguyệt. Truyền ngư tại giang sơn” (Tưởng niệm cha mẹ theo năm tháng. Còn giang sơn còn truyền tụng).

Đàn tế và bia đá hiện nay vẫn là di tích nguyên gốc về hình dáng, chất liệu. Đá làm bia do Nguyễn Nghiễm lấy từ Thanh Hóa về, Nguyễn Khản viết chữ để thợ khắc chữ người Thanh Hóa khắc lại. Khi lập đàn tế dựng bia Nguyễn Nghiễm cho xây dựng cạnh 3 cây cổ thụ mà Nguyễn Quỳnh đã trồng trước đây, gồm một cây muỗm (xoài), một cây bồ lỗ (cây nóng), một cây rói (bị bão đổ năm 1976), mục đích là để sau này mỗi lần ba người con Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, khi về thăm cha có chỗ cột ngựa. Tương truyền vì tinh thông lý số, giỏi tính toán chuyện hậu thế, ông biết trong 6 người con trai sẽ có 3 người đậu đạt làm quan nên ông trồng 3 cây này.

Đền thờ Nguyễn Nghiễm

Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du, ông là nhà chính trị, giáo dục, sử học uyên bác và là người đứng đầu về con đường cử nghiệp, khoa bảng của họ Nguyễn Tiên Điền. Ông đậu Tiến sĩ năm 1731 và đã giữ tới chức Tể tướng. Trong gần 50 năm làm quan của mình, ông để lại nhiều trước tác có giá trị như “Quân trung liện vịnh”, “Xuân đình tạp vịnh”, “Cổ lễ nhạc thi văn” và bài phú Nôm “Khổng Tử mộng Chu Công”…

Đền thờ Nguyễn Nghiễm ở thôn Bảo Kê, xã Tiên Điền. Khi còn sống ông đặt ruộng cúng và xây sẵn đền thờ ở mặt sông, nay là thôn Tiên Thanh, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Sau khi ông mất, triều đình phong “Thượng Đẳng Tôn Thần, Huân Du Đô Hiến Đại Vương”, hàng năm quốc gia làm tế lễ; giao cho 4 xã chăm sóc hương khói. Ngày sinh, ngày giỗ của Nguyễn Nghiễm, cả xã Uy Viễn đều cùng tế lễ tại đền.

Đền có 3 tấm biển lớn, một khắc 4 chữ “Phúc lý vĩnh tuy” (Phúc ấm lâu dài) do tự tay chúa Trịnh viết, một tấm khắc 4 chữ: “Dịch tế thư hương” (Dòng thư hương đời nối đời) do Đức Bảo sứ thần nhà Thanh đề tặng. Ngoài ra còn một biển khắc 4 chữ “Quang tiền du hậu” (Rạng rỡ thế hệ trước để lại phúc ấm cho thế hệ sau) do Tô Kính người Viễn Đông đề tặng. Đền còn có đôi câu đối: “Lưỡng triều danh Tể Tướng. Nhất thế đại nho sư” (Nho sư cả nước vang danh hiệu. Tể tưởng hai triều rạng tiếng tăm).

Đền kiến trúc theo lối chữ nhị (=), lưỡng long tử vi, đây là lối kiến trúc thời hậu Lễ. Năm 1954 bom Pháp đánh trúng nhà thờ, thượng điện bị hỏng hoàn toàn, đồ tế khí mất mát hư hỏng hết, chỉ còn lại hai tượng quan hầu, hai con voi, hai con ngựa bằng đá thanh ong cho khắc tạc ở Thanh Hóa đưa vào.
Đền thờ Nguyễn Trọng

Nguyễn Trọng (1710-1789) là chú ruột của Nguyễn Du, người giỏi về văn thơ, lý số, y học. Đền thờ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng được xây khi ông còn sống, ở thôn Tiên Quang, xã Tiên Điền. Trước đền ông cho dựng tấm bia “Tích thiện gia” (Nhà giữ điều thiện), mà con cháu họ Nguyễn quen gọi là“Bia gia huấn”. Bia này do ông viết, rồi sai người khắc chữ vào bia để giáo huấn con cháu. Ngoài bia đá, đền còn có một đôi nghê, một đôi sư tử, một đôi voi, hai tượng quan hầu, tất cả bằng đá. Trong đền treo tấm biển khắc bốn chữ “Hồng sơn linh khí” (Khí thiêng núi Hồng), chữ do Cao Đoàn viết. Một tấm biển lớn ghi chép các bài thơ văn đề vịnh của những bậc túc nho danh tiếng. Đền treo đôi câu đối: “Nga nga địa vọng sơn chi Bắc. Diễm diễm thiên tài đẩu dĩ Nam” (Địa vị nguy nga vùng phía Bắc. Thiên tài rạng rỡ Đẩu phương Nam)

(Còn tiếp)

PV