11:07 20/11/2014

Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn - Bài cuối

Những năm làm Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Đức Tùy luôn được đồng bào tin yêu, kính trọng, cũng bởi tấm lòng nhân hậu và sự hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất này.

Những năm làm Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Đức Tùy luôn được đồng bào tin yêu, kính trọng, cũng bởi tấm lòng nhân hậu và sự hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất này.

Còn nhớ cái buổi Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy chủ động ghé thăm nhà dạ (bà) H’Len, mẹ của “Nữ soái rừng xanh” Amí H’Len. Đó là một căn nhà cũ kỹ, phên vách trống trơ, không có gì đáng được gọi là tài sản. Dạ H’Len lầm lũi với ánh nhìn trân trân, đầy cảnh giác. Ngó ra phía ngoài thì vườn đất hoang hóa cỏ mọc, không thấy bóng dáng căn nhà để bảo quản thóc lúa, nông phẩm thường được đồng bào quý như căn nhà chính.

Ông Phạm Đức Tùy (bìa phải) bên mẹ và chị kết nghĩa và nhà văn Võ Bá Cường.


Bí thư Huyện ủy nhanh chóng chỉ đạo: Mua một loạt những giống cây ăn quả quý hiếm về tặng cụ trồng ở vườn nhà và huy động các xưởng cưa “kẻ ít người nhiều” đóng góp cây ván với kích thước đã được tính toán sẵn. Chỉ vỏn vẹn một ngày thi công, một căn nhà kho 32 m2 lợp tôn vững chãi đã sừng sững cạnh ngôi nhà cũ. Nhìn căn nhà kho như mới được Yàng (Trời) ban tặng, dạ H’Len mừng nhiều, vui nhiều. Bí thư Tùy nắm tay bà cụ hỏi:

- Dạ H’Len ưng cái bụng không?

- Ưng nhiều đó!

- Có nhiều người đến đây nói chuyện dạ H’Len có thích không?

- Thích chớ!

- Hai ngày nữa có rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi, có cả người ngoại quốc nói nhiều chuyện và hát múa hay lắm đó. Dạ H’Len nói con cháu đến cho vui nhá.
- Nhiều người thì cái nhà mình nhỏ không đựng được đâu!

Hai ngày sau, Bí thư Pham Đức Tùy cùng Chủ tịch huyện và một số cán bộ trong Thường vụ huyện ủy, thường trực Ủy ban đưa đến nhà dạ H’Len một cái tivi màu 17 inh. Việc lắp đặt chỉ diễn ra trong phút chốc. Lúc bật lên thì đang là chương trình “Truyền hình tiếng dân tộc” của Đài phát thanh và truyền hình Đắk Lắk, những khuôn mặt thiếu nữ Êđê hồng hào trong phục áo váy cổ truyền nắm tay nhau lượn quanh đống lửa… Tiếng reo hò vỗ tay rộn lên, bà con xóm giềng kéo đến mỗi lúc một đông.

Bí thư huyện ủy chỉ vào tivi, nói với mọi người: “Huyện tặng chiếc tivi này cho dạ H’Len để bà con cùng xem cùng nghe. Tiếng nói từ tivi là tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ đấy. Bà con mình hãy nghe tiếng nói ấy để làm giàu cho gia đình mình, làm giàu cho buôn mình!”.

Có tiếng vỗ tay, rồi tất cả cùng vỗ tay. Có tiếng ai đó nói: “Người này tốt như con của dạ H’Len rồi!”. Bà cụ thay lời cảm ơn bằng cái gật đầu, chỉ vào Bí thư Phạm Đức Tùy đang ngồi ngay bên cạnh: “Ừ! Thằng này là con tao đấy!”. Bí thư Tùy sung sướng quàng tay ôm ngang người dạ H’Len và ngả đầu trên vai bà cụ: “Con là con của dạ H’Len được à?”. “Ừ, mày là con tao được lắm chứ!”. Nói rồi bà lùi lại phía sau, lẻn vào gian ook (phòng) của mình. Sau một hồi quay trở lại, dạ H’Len đặt chiếc vòng đồng vào tay con gái lớn. Hiểu ý mẹ, amí H’Len trao vòng vào cổ tay đứa em kết nghĩa. Amí H’Len nhiều tuổi nhất nên là chị, con nuôi Phạm Đức Tùy nhiều tuổi thứ hai là em, rồi lần lượt đến các em kế tiếp.

Tranh thủ khi chị nuôi trao vòng cho mình - biểu hiện tình cảm cao quý linh thiêng của đồng bào Ê Đê, Bí thư Tùy giao hẹn: “Chị hãy nghe lời em, nghe lời nói từ tivi, người khác nói gì với chị thì chị phải nói lại cho em biết ngay, chị chịu không?”. Amí H’Len gật đầu. Dạ H’Len nhắc lại câu nói, có sức nặng như một lời huấn thị: “Phải nghe lời thằng con này thôi!”. Amí H’Len rơm rớm nước mắt, gật đầu.

Vậy là cuộc kết giao diễn ra tốt đẹp ngoài dự kiến, có cả sự chứng kiến của già làng, không có bất cứ thủ tục ăn thề nào ràng buộc, chỉ có hai câu nói: Một của Bí thư Huyện ủy: “Tiếng nói từ tivi là tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ, bà con mình hãy nghe theo những lời nói ấy để làm giàu cho gia đình mình, làm giàu cho buôn mình!” và một câu nói được dạ H’Len lặp lại: “Phải nghe lời thằng con này thôi!”.

Việc Bí thư huyện ủy kêt nghĩa làm em của “Nữ soái rừng xanh” đã dấy lên dư luận đa chiều (mà phần nhiều là suy diễn cá nhân): Nào là “có chính quyền, có lực lượng trấn áp trong tay mà làm vậy là luồn cúi làm mất vị thế thanh danh”, nào là “lấy tiền của Nhà nước ra làm cống vật”, nào là “lão Tùy ăn hai mang: Trước tiên là nhẹ gánh, lại được hàm ơn. Còn nếu nhà nước Đề Ga mà hiện hình được, thì chắc chắn lão cũng được một suất diện HO”. Nhưng các đồng chí của Bí thư Huyện ủy thì nể trọng ông vì đã biết “Lấy trí nhân thay cường bạo”, làm được việc vừa ích nước lại lợi dân.

Bí thư Huyện ủy đã hóa giải tâm đồ đen tối tưởng như đã là thành trì trong lòng amí H’Len. Nên ngay cả sau này, khi ông trở lại nghề cũ là Hiệu trưởng trường Đảng của tỉnh, thì năm 2004, khi hầu hết đồng bào ở các huyện trong tỉnh tiếp tục mắc mưu kẻ xấu xúi giục, tụ tập, kéo nhau lên tỉnh gây rối; riêng đồng bào ở Ea Súp không hề dao động, vẫn “nghe và làm theo những lời nói từ cái tivi”.

Ngày dạ H’Len mất, gia đình ông Tùy đã về phúng viếng và đưa tiễn mẹ nuôi về “bến Atâu”. Bên linh cữu dạ H’Len có vòng hoa của Tỉnh ủy Đắk Lắk viếng đã xóa đi những điều tiếng dị nghị về sự kiện kết giao có một không hai của 14 năm về trước.

BMT tháng 11/2014


Trần Ai