11:01 18/11/2014

Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn - Bài 1

Là giáo viên văn học tại trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương (Thái Bình), nhưng người thầy giáo trẻ này rất ham học hỏi, luôn dành thời gian tìm hiểu về những môn thuộc khối C của mình (sử, địa)...

Năm 1968 đánh dấu việc gia nhập hàng ngũ những kỹ sư tâm hồn của chàng sinh viên quê lúa Thái Bình, Phạm Đức Tùy.

Là giáo viên văn học tại trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương (Thái Bình), nhưng người thầy giáo trẻ này rất ham học hỏi, luôn dành thời gian tìm hiểu về những môn thuộc khối C của mình (sử, địa), nên khi những giáo viên dạy sử, địa ở trường có việc phải nghỉ dạy, thì thầy giáo Tùy vào dạy thay được ngay.

Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy đọc diễn văn nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện Ea Sup.


Cũng nhờ ham học hỏi, mà thầy giáo Tùy trưởng thành rất nhanh, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Và tới năm 1976, sau 8 năm trong nghề, thầy Tùy đã vinh dự được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương, thuộc Phòng Giáo dục Đông Hưng (Thái Bình).

Tháng 11/1978, nhận quyết định điều động “Tăng cường giáo viên cho các tỉnh phía Nam”, thầy Tùy cùng với 15 thầy cô giáo khác của Ty Giáo dục Thái Bình rời quê hương vào với cao nguyên Đắk Lắk. Đầu tháng 12/1978, thầy Tùy được phân công về Phòng Giáo dục Ea Súp và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 1-2 Ea Ta (nay Ea Ta thuộc huyện Cư M’gar).

Những ngày thầy Tùy đến với đất cao nguyên, cũng chính là những ngày đất nước ta vừa bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, còn thiếu thốn trăm bề, cơ sở hạ tầng hầu như là con số không. Với Đắk Lắk, tình hình còn khó khăn hơn nhiều. Địa bàn xã Ea Ta lại giáp biên giới Campuchia, bị Fulro đánh phá liên miên. Từ trường Ea Ta về thị trấn Ea Súp phải đi mất một ngày lội bộ đường rừng. Đường về thị xã Buôn Ma Thuột cũng mất chừng ấy thời gian và mức độ khổ ải cũng không kém. Không thể kể hết nỗi gian truân của tập thể gần 20 cán bộ, giáo viên trường Ea Ta, đã vượt khó đến với gần 400 học sinh thuộc cả 3 cấp (mẫu giáo, cấp I và cấp II), là con em của 4 buôn dân tộc (buôn Dray Xí, buôn M’Lăng, buôn Tăng Lé và buôn Vin), cùng một khu định cư dân kinh tế mới Thái Bình.

Hầu hết các giáo viên của trường Ea Ta đều mới vào nghề, nên ngoài vai trò điều hành, quản lý, thầy Tùy còn phải liên tục dự giờ, tổ chức thao giảng để các thầy cô trao đổi, rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Với giáo viên thì như vậy, còn với học sinh, thầy Tùy cũng phải dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, động viên các em chuyên cần học tập, đồng thời chú trọng đào tạo nhân cách cho các em.

Những học sinh ở vào hoàn cảnh quá khó khăn, không may bị đau ốm, đều được thầy Tùy và các thầy cô trong trường chia sẻ định lượng lương thực, thực phẩm nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ. Một số học sinh cá biệt lười học, hay gây gổ đánh nhau, vô lễ với người lớn… cũng được thầy hiệu trưởng gặp riêng, chuyện trò cởi mở, vui vẻ như cha con, dần dần các em đã trở thành những điển hình chăm ngoan. Nhờ đó, thầy Tùy và các thầy cô của trường Ea Ta đã nhanh chóng nhận được thiện cảm của nhân dân quanh vùng, nhất là của đồng bào dân tộc bản địa.

Nhờ những nỗ lực của thầy Tùy và đội ngũ giáo viên trường, trường Phổ thông cấp 1-2 Ea Ta đã nhanh chóng được Phòng Giáo dục Ea Súp chọn làm trường điểm, tổ chức lễ thao giảng của ngành giáo dục huyện tại đây. Chính quyền xã cũng coi đây là điểm sáng, niềm tự hào của địa phương, nên rất quan tâm hỗ trợ.

Một vinh dự lớn nữa đã đến với thầy hiệu trưởng đầy nhiệt huyết, luôn tận tâm với sự nghiệp trồng người, đó là ngày 3/2/1980, sau đúng 14 tháng vào dạy học tại Đắk Lắk, thầy Phạm Đức Tùy đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thành công với vai trò Hiệu trưởng trường Ea Ta, thầy Phạm Đức Tùy đã được lãnh đạo địa phương tín nhiệm điều động giữ trọng trách ở một số cương vị khác ngoài ngành giáo dục trong hơn 20 năm, từ năm 1983-2004 (sẽ được đề cập rõ hơn trong bài viết sau). Nhưng cái duyên làm thầy của thầy Phạm Đức Tùy vẫn chưa hết. Đến năm 2004, thầy Tùy được phân công làm Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk.

Ở cương vị và trọng trách lớn này, thầy Tùy đã đổi mới phương thức dạy của giảng viên trong trường, tổ chức cho các giảng viên của trường thay nhau đi thực tế dưới cơ sở, nắm bắt tình hình để xây dựng giáo trình sát thực tế hơn; tránh xáo rỗng, xa rời thực tế. Ông đặc biệt quan tâm đến trình độ của giảng viên. “Môi trường giáo dục đã trở nên không quan trọng, mà quyết định hơn cả là trình độ của người thầy”, xác định thế, nên ông đã tổ chức cho tập thể bình chọn ra các giảng viên trẻ, có khả năng phát triển và gửi đi học tiếp. Chỉ trong vòng hai năm, từ 2004 - 2005, đã có 5 giảng viên được cử đi học các lớp trên đại học -một quyết định mang tính đột phá, đầy táo bạo của ông hiệu trưởng Phạm Đức Tùy, bởi vấn đề này xưa nay còn bỏ ngỏ.

Quan hệ thầy trò khi này đã có nhiều điểm khác xưa. Học viên này tóc bạc hơn thầy, học viên khác có vị thế ngang hoặc hơn thầy, nhưng tất cả đều học được từ người hiệu trưởng này những phong thái làm việc hết lòng vì sự nghiệp, không màng danh lợi cá nhân và học được ở ông nhân cách và nét nhân văn; hết lòng vì lợi ích tập thể, không tham quyền cố vị, giản dị, khiêm tốn trong mọi nơi, mọi lúc.

Giờ đây, thầy Tùy đã nghỉ hưu được gần 4 năm, trở về với cuộc sống đời thường, nhưng bao lớp học trò của ông vẫn mãi mãi nhớ tới ông với niềm tôn kính “Ơn Thầy”.

Bài và ảnh: Trần Ai

Bài 2: Gan dạ, mưu trí chống bạo loạn