11:14 14/11/2019

Những dấu hiệu suy giảm của kinh tế Trung Quốc  

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 14/11 công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Chú thích ảnh
Người dân mua bán tại chợ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tháng 10 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng trước. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998. 

Một quan chức NBS cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một "tình hình kinh tế quốc tế phức tạp" gây sức ép giảm sút đối với kinh tế trong nước. Trong khi đó, nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cảnh báo dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phán ánh trong thời gian tới. Theo đó, ông dự kiến Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - mức yếu nhất trong gần 3 thập kỷ. Dư luận hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm ký kết giai đoạn 1 thỏa thuận thương mại, qua đó chấm dứt các biện pháp tăng thuế trả đũa lẫn nhau và thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Lan Phương  (TTXVN)