01:10 04/01/2011

Những dấu ấn đặc biệt của văn hóa Việt Nam

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước… đánh dấu những thời khắc huy hoàng của văn hóa Việt Nam. Đây cũng là năm mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà...

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước… đánh dấu những thời khắc huy hoàng của văn hóa Việt Nam. Đây cũng là năm mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà...

Hà Nội tròn 1.000 tuổi

Dấu ấn đậm nét nhất của năm 2010 chính là sự kiện Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Các hoạt động chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã được tổ chức thành công. Trong suốt năm 2010 và đặc biệt là trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, khắp nơi trên đường phố Hà Nội đều được trang hoàng rực rỡ với các biểu tượng văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO trao danh hiệu "Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long" là Di sản Văn hóa Thế giới cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Hà Nội 1.000 năm tuổi ghi dấu ấn với một loạt công trình lớn, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc với sự tham dự của đông đảo người dân trong nước và khách quốc tế. Trong dịp Đại lễ, đêm khai mạc, lễ diễu hành tại Quảng trường Ba Đình... thực sự trở thành những thời khắc khó quên với một Hà Nội tràn ngập âm thanh, ánh sáng rực rỡ, một Hà Nội tỏa sáng bởi hào khí và bản sắc của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Năm bội thu của di sản Việt Nam

Năm 2010 cũng là năm Việt Nam lập kỷ lục trong hành trình đưa di sản Việt Nam ra thế giới, và có tới 3 di sản của Hà Nội được UNESCO vinh danh. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm của UNESCO, một thành phố có đến 3 di sản được vinh danh trong một năm.

Đầu tiên phải kể đến 82 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các bài ký trên bia là những tư liệu lịch sử về hệ thống giáo dục, thi cử trong suốt 300 năm (đó là hồ sơ về các khoa thi tiến sĩ trên đá được các vị vua Triều Lê, Mạc cho dựng từ năm 1484 đến năm 1780).


Đây là những bản chính duy nhất ở Việt Nam và cũng là duy nhất trên thế giới có bài ký giúp tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử không chỉ của Việt Nam, mà còn là của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Chính vì vậy mà ngày 9/3/2010, tại Kỳ họp toàn thể của Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Ma Cao (Trung Quốc), Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ Triều Lê - Mạc của Việt Nam đã được công nhận và ghi vào danh sách Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp đó, vào 6 giờ 30 sáng 1/8 (tức 22 giờ 30 ngày 31/7 theo giờ Braxin), kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO họp tại Brasilia, thủ đô của Braxin, đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản như:


Liên tục trong hơn một thiên niên kỷ đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo;


Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và các tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trong gần một ngàn năm.

Di sản thứ 3 là Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tối 16/11 (giờ Việt Nam), tại thành phố Nairôbi (thủ đô của Kênia), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO


Đây là một lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, coi như một phần bản sắc của họ, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho đất nước.

PV