01:18 12/01/2015

Những cuộc đàm phán ngoại giao dang dở (Phần cuối)

Năm 2014 là thời gian khó khăn đối với các nhà ngoại giao quốc tế trong việc tiến hành những cuộc thương lượng hòa bình.

Cuộc chiến tại Nam Sudan

Khi Nam Sudan tuyên bố độc lập khỏi Sudan vào năm 2011, cộng đồng quốc tế đã kỳ vọng rằng quốc gia thứ 54 của châu Phi này sẽ trở thành một nền kinh tế và nông nghiệp mạnh mà công dân châu lục đen vẫn mơ ước. Tuy nhiên, căng thẳng sắc tộc, hệ thống chính trị kém hiệu quả đã tạo ra căn bệnh tham nhũng gây thiệt hại nhiều tỷ đôla cho nhà nước Nam Sudan nhiều dầu mỏ. Đến cuối năm 2014, đã có khoảng 10.000 người dân Sudan thiệt mạng trong cuộc chiến sắc tộc tại quốc gia này.

Thế giới, mà đi đầu là Cộng đồng các quốc gia Đông Phi, đã nỗ lực làm trung gian giải quyết cuộc xung đột tại Nam Sudan trong suốt năm 2014. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các phe phái tại Nam Sudan bắt đầu diễn ra ngày 5/1 tại Addis Abeba, Ethiopia. Gần như ngay sau đó, Chính phủ Nam Sudan và lực lượng nổi dậy đã ký được một thỏa thuận nhằm chấm dứt sự thù địch, song văn bản này đã bị phá vỡ chỉ sau vài ngày. Đến đầu tháng 5, hai bên đạt một thỏa thuận ngừng bắn mới và thành lập một chính phủ chuyển tiếp để xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, một lần nữa thỏa thuận cũng nhanh chóng bị phá vỡ.

Tới ngày 18/12/14, hòa đàm đã được nối lại một lần nữa tại thủ đô Addis Ababa dưới vai trò trung gian hòa giải của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD). Tuy nhiên, sau 2 lần các thỏa thuận ngừng bắn và thành lập chính phủ mới bị phá vỡ, nguy cơ tái bùng phát xung đột trên diện rộng vẫn đang hiện hữu.

Đàm phán hạt nhân Iran

“Thỏa thuận hòa bình” có thể không phải là cụm từ thích hợp để mô tả các cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nhưng nhiều người hiểu rằng nỗ lực này nếu thất bại có thể gây nên tình trạng đối đầu vũ trang.

Đàm phán hạt nhân Iran đã bỏ qua hai cơ hội đi đến thỏa thuận hạt nhân toàn diện trong năm 2014.


Sau khi đạt được thỏa thuận tạm thời vào cuối năm 2013, hai bên tiếp tục bước vào bàn đàm phán để thực thi thỏa thuận và nỗ lực hướng tới một bản thỏa thuận hạt nhân toàn diện hòng giải quyết dứt điểm những tranh cãi từ 10 năm qua về hồ sơ hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, hai bên đã không thể thực hiện được điều đó trong năm 2014 khi còn nhiều khác biệt.

Sau khi ký được Thỏa thuận hạt nhân tạm thời, hai bên tỏ ra lạc quan sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót 20/7. Tuy nhiên, thời hạn chót “lần 1” này đã bị bỏ lỡ. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, hai bên tiếp tục không tới được đích vào ngày 24/11 - thời hạn chót thứ hai. Không thể giải quyết được trong “hai hiệp đấu”, hai bên phải đấu thêm “hiệp phụ”. Theo kế hoạch, Iran và Nhóm P5+1 sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị vào ngày 1/3/2015 và tiến tới đạt được thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót là ngày 1/7/2015.

Đàm phán hòa bình Colombia - FARC

Việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất tại Mỹ Latinh chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đó là điều mà chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) thừa nhận khi họ bắt đầu các cuộc hòa đàm tại Cuba 3 năm trước. Tuy nhiên, trong năm 2014, các cuộc thương lượng được Na Uy bảo trợ đã gần như bị đỗ vỡ sau sự kiện FARC bắt cóc một tướng quân đội cấp cao của Colombia. Giới chức tại Bogota đáp lại bằng việc tạm ngừng hòa đàm với FARC. Sau các nỗ lực ngoại giao, vị tướng trên đã được phóng thích và các cuộc thương lượng dự kiến sẽ được nối lại vào tháng 1/2015.

Nhưng những khó khăn để thiết lập nền hòa bình toàn diện ở quốc gia Nam Mỹ này vẫn còn ở phía trước. Đó là vấn đề giải trừ quân bị FARC, phục viên lực lượng phiến quân, hội nhập về chính trị, phân quyền cho các khu vực, bồi thường cho các nạn nhân và cuộc chiến chống ma túy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán sẽ còn kéo dài và chông gai. Như vậy, có thể nói năm 2014 không phải là một năm quá tệ đối với tiến trình hòa bình khi có hơn 10 thông cáo chung đã được hai bên nhất trí đưa ra, nhưng năm qua cũng không ghi nhận được bước ngoặt đáng kể nào để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài gần 50 năm qua ở Colombia.


Thái Nguyễn (National Interest)