12:13 08/12/2012

Những cụ già mò ốc sông Thu

Chỉ một cái bao tải hoặc một cái thau buộc theo bên bình để đựng ốc, các cụ lội đi trong làn nước lạnh ngắt và bắt đầu cuộc mưu sinh của một ngày mới. Đôi tay khuấy đều xuống đáy sông để tìm bắt những chú ốc không may mắn.

Mùa này, những nhánh hạ lưu của con sông Thu Bồn chảy qua Hội An nước đã lên nhanh khi những trận mưa, lũ nơi thượng nguồn cứ ầm ập đổ xuống. Nhưng trên những đoạn sông ấy, vẫn có những con người đang từng ngày tần tảo mò cua bắt ốc để kiếm miếng cơm qua bữa. Ở khu vực cầu Cẩm Thanh, hằng ngày, vẫn có những cụ bà ngâm mình trong nước, bắt từng con ốc. Cuộc sống cơ cực vẫn còn vây lấy quãng đời già nua của họ...


Mưu sinh từ sáng sớm...


Khoảng 6 giờ sáng, khi trời vừa tỏ, đứng trên cầu Cẩm Thanh thuộc thôn 5, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã thấy những cụ bà đi mò ốc. Chỉ một cái bao tải hoặc một cái thau buộc theo bên bình để đựng ốc, các cụ lội đi trong làn nước lạnh ngắt và bắt đầu cuộc mưu sinh của một ngày mới. Đôi tay khuấy đều xuống đáy sông để tìm bắt những chú ốc không may mắn.


Hai cụ ngóng xuống dòng sông, chuẩn bị xuống bắt ốc.


Nước ngập ngang bụng, có khi lên đến tận ngực, các cụ vẫn miệt mài với công việc của mình. Đôi lúc, lại í ới gọi nhau, hỏi thăm nhau có bắt được nhiều ốc hay không. Đi rất nhẹ nhàng và chậm dưới lòng sông, một vùng sông đã được các cụ bao quát trước. Đoạn sông này nhiều ốc do người dân thả rau muống nên các cụ bà cứ loanh quanh bên dưới đám rau muống ấy mà bắt ốc.


Khoảng gần 1 tiếng dưới sông, một cụ bà mang bao ốc vào bờ. Tuổi già, sức yếu, lại lội trong làn nước lạnh nên có lẽ cụ không trụ được lâu. Thấy chúng tôi đứng nhìn, cụ bảo: "Lạnh thấu xương đó mấy chú à. Bữa ni trời mưa, nước lạnh. Mới mò nãy chừ mà tui đã không chịu được. Chứ mấy bữa chừng ni đã nhằm nhò chi. Tui và mấy bà kia còn lội xuống dưới kia, nước sâu đến cổ luôn...". Rồi cụ vừa nói vừa run, đưa tay chỉ về đoạn sông dưới xa xa, khuất sau những ngọn dừa nước. 


Cụ bảo cứ gọi cụ là bà Năm. Và cụ cười, bảo đi bắt cực lắm. Có khi cả buổi, cả ngày chỉ được non non 50.000. Con cháu lớn cả rồi, chúng cũng không cho các cụ lọ mọ ra sông vậy đâu. Nhưng cái tay, cái chân lao động từ nhỏ đã quen rồi, giờ ở không con cháu nuôi thì các cụ lại không chịu. Con cháu cũng vừa đủ ăn, thậm chí là nghèo chứ có đứa nào giàu đâu mà ăn bám chúng.


Các cụ bà bắt ốc trên đoạn sông chảy qua cầu Cẩm Thanh.


Mà như vậy còn đỡ. Có buổi chỉ vài con thôi. Bởi ốc thì không thể sinh ra nhanh, mà người bắt thì ngày càng nhiều. Bởi phố xá Hội An giờ đã lên đời, các quán nhậu, đặc biệt là ốc hút mở ra rất nhiều. Các chủ quán này mua cũng được giá nên người ta rủ nhau xuống các đoạn sông cạn mà bắt ốc ngày càng đông. Trẻ thì nhanh nhẹn, bắt được nhiều. Già lụ khụ thì có được bao nhiêu. Cụ Năm còn bảo lắm lúc mình ra trễ, thấy đoạn sông hay bắt nước đã đục ngầu, biết ngay đã có người mò. Đành đi tìm đoạn sâu hơn, xa hơn để bắt...


Nguy hiểm rập rình...


Khi chúng tôi hỏi bắt dưới lòng sông tương đối sâu so với thân người như vậy, cụ không sợ sao, cụ Năm vừa móm mém nhai miếng trầu mới bỏ vào miệng, vừa bảo: "Ôi chao! Già chừng ni rồi mà sợ chết chi chú. Tui gần 80 rồi, chết cũng được. Sợ chết thì lấy cái chi mà ăn chừ... Với lại nói rứa thôi chứ đã 80 năm gắn đời mình với đoạn sông ni rồi, tui biết rõ từng chỗ sâu chỗ cạn, từng bụi bờ đổi thay theo ngày tháng. Đôi lúc cũng hụt chân, uống nước vài lần, nhưng may có các bà đi cùng kéo lên. Cũng bởi rứa nên đi, tụi tui thường rủ khoảng bốn, năm người, ít nhất là hai người đi cùng...".


Chưa nói hết câu thì một cụ ở dưới sông đã vẫy tay và gọi, cụ Năm lại xắn quần, buộc cái thau ốc vào lưng và lội xuống nước, sau khi đã bỏ thêm tiếp một miếng trầu nữa vào miệng. Có lẽ với các cụ ở tuổi này, miếng trầu vừa có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể, vừa là một cái thú trong khi lao động. Lần này, cụ lội ra xa hơn, nước đã lên gần đến cổ. Cố nhoài mình cho nước khỏi vào miệng, vào mắt, một tay các cụ giữ thau ốc, tay kia lần mò dưới lớp bùn để tìm từng con ốc. Bởi giờ, hiếm có con nào nằm ngay trên mặt đáy sông. Bản năng sinh tồn đã buộc chúng phải lẩn tránh, ngụy trang.


Lặng nhìn các cụ mưu sinh dưới lòng sông, tự dưng lòng tôi lại cảm thấy bất an. Mùa mưa lũ đang đi vào giai đoạn đỉnh điểm, vùng này lại là vùng hạ lưu của sông Thu Bồn. Sức người thì làm sao bì được với sức nước. Mà các cụ thì cũng đã già quá rồi, không còn bao nhiêu sức nữa. Trong làn nước lạnh, nhiều khi dễ bị chuột rút. Lúc ấy, sự cố xảy ra là điều tất nhiên. Ai sẽ cứu các cụ? Thường các cụ bà đi với nhau cũng tương đương tuổi. Lấy ai cứu ai và ai dìu các cụ vào bờ khi gặp sự cố đây?


Cả đời, lầm lũi đi trong gian khó, cơ cực. Giờ, già rồi, vẫn treo sự sống, sinh mạng của mình mong manh trong cuộc mưu sinh. Lòng ngùi ngùi, chỉ biết thương cho các cụ mà thôi. Dù cho đến bên giờ, theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn sông này chưa có cụ già nào gặp sự cố khi đi mò ốc, nhưng ai biết được ngày mai, ngày mốt và những ngày sắp tới sẽ ra sao!!!


Lòng dặn lòng, mong sao bình yên và sức khỏe đến với các cụ để vững vàng hơn trong cuộc mưu sinh ngày càng khó khăn khi giá cả leo thang, người đi bắt ốc về bán chuyên nghiệp ở Cẩm Thanh này thì ngày càng nhiều. Chính các cụ bà nơi đây là biểu trưng của tinh thần lao động không ngừng nghỉ. Họ xứng đáng là một trong những vẻ đẹp sáng ngời của con người và đất Hội An này...


Bài và ảnh: Thành Giang