06:23 06/06/2012

“Những công dân tập thể” và góc nhìn đa chiều về hiện thực đô thị

Một bức tranh đa sắc màu với những câu chuyện xoay quanh đời sống thường ngày, những đổi thay trong nếp sống, cách nghĩ và những xung đột nảy sinh trước sự phát triển chóng mặt của đô thị tại khu tập thể cũ kỹ ở Hà Nội... là chủ đề xuyên suốt trong 36 tập của bộ phim...

Một bức tranh đa sắc màu với những câu chuyện xoay quanh đời sống thường ngày, những đổi thay trong nếp sống, cách nghĩ và những xung đột nảy sinh trước sự phát triển chóng mặt của đô thị tại khu tập thể cũ kỹ ở Hà Nội... là chủ đề xuyên suốt trong 36 tập của bộ phim truyền hình “Những công dân tập thể”. Phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, sẽ ra mắt khán giả vào ngày 22/6 tới đây.

Một cảnh trong phim.


Truyện phim bắt đầu từ khu tập thể Kim Trung, khu tập thể xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước đang trong tình trạng xuống cấp và giải tỏa. Dương (Kiều Anh đóng), nhân vật chính trong phim, là một phụ nữ khá xinh đẹp, có trình độ, có địa vị, sống mẫu mực. Kỉnh (Công Dũng đóng) chồng của Dương cũng từng là một cán bộ tổ chức của một trường đại học danh tiếng. Cô có một cậu con trai kháu khỉnh thông minh… Nhưng ít ai biết rằng, bên trong cuộc sống được mọi người ngưỡng mộ ấy, Dương có một cuộc sống hoàn toàn khác: Cô sống trầm lặng và mệt mỏi trước một người chồng bản tính khô khan, thô vụng, luôn mặc cảm, thiếu tự tin với suy nghĩ sống nhờ nhà vợ. Cuộc hôn nhân của họ có nguy cơ tan vỡ khi chồng cô cặp bồ. Cho đến một ngày, khi bắt gặp chồng và cô bồ trong khách sạn, Dương quyết định ly hôn. Nhưng trớ trêu thay, mẹ cô - bà giáo Mai (NSND Như Quỳnh đóng) lại đột ngột qua đời vì tai nạn xe máy. Trước khi nhắm mắt, bà muốn Dương tha thứ cho Kỉnh. Vì mẹ, Dương đã xé đơn ly hôn…


Song song với câu chuyện của Dương, phim còn có những câu chuyện thú vị của nhiều tuyến nhân vật khác với những số phận, hoàn cảnh rất đặc biệt, được các nhà làm phim khắc họa một cách chân thực. Đó là câu chuyện của ông Cân (NSƯT Quốc Trị), bà Lạng (NSƯT Minh Hằng); người bán cháo lòng, người bán chân gà nướng, những người sẵn sàng “khẩu chiến” để đòi quyền lợi, sẵn sàng đổ cho vợ có “phi công trẻ” và ly hôn giả hòng được chia căn hộ nữa, và họ thuê con gái làm việc và được trả công sòng phẳng… Đó là câu chuyện tình cảm ở tuổi xế chiều của bà bác sỹ Nha (NSND Lan Hương) và ông nhà văn Ngô (NSƯT Trung Anh). Cho dù, con gái của bà Nha phản đối, rồi con trai của ông Ngô hư hỏng nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Chính tình cảm của họ đã khiến Hằng (con gái bà Nha) dẹp bỏ được sự ích kỷ và Khôi (con trai ông Ngô) trở thành một người hữu ích…


Không chỉ phản ánh đời sống của tầng lớp trung niên, cao niên, “Những công dân tập thể” còn đi sâu khai thác tâm lý của những thanh niên thế hệ 8X, 9X như Hoàng, Uyên. Họ đại diện cho lớp trẻ năng động dám nghĩ, dám làm. Tình yêu và tiếng cười trong trẻo của họ là điểm sáng của bộ phim.


Theo đạo diễn Nguyễn Trường Khoa, “Những công dân tập thể” tập trung vào khai thác cuộc sống đời thường với những chi tiết rất nhỏ, những chi tiết làm nên những nét đặc trưng, điển hình của mỗi nhân vật. Là dòng phim chính luận nhưng những nhân vật của “Những công dân tập thể” đều được xây dựng mang tính hài hước và giải trí cao, giúp cho người xem có một cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về đời sống của những con người trong khu tập thể ở Hà thành.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình cho biết, trong bộ phim này, các đạo diễn đã có những cách tìm tòi mới, khai thác những câu chuyện mới nhưng hết sức gần gũi trong cuộc sống của những người dân. Đôi khi đó chỉ là một góc phố, một quán nước chè, hay một quán cháo lòng... hay những căn hộ cơi nới ô văng cho thêm rộng, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống thường ngày ở đô thị... Tất cả những chi tiết nhỏ ấy cũng làm nên sự đặc sắc của phim, và khán giả sẽ theo dõi một xã hội thu nhỏ với nhiều người, và mỗi người lại có một tính cách khác nhau.


Đánh giá về bộ phim, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài THVN cho rằng, với những câu chuyện đời thường, thể hiện qua lăng kính chân thực của những người làm phim, với đội ngũ diễn viên hùng hậu thì “Những công dân tập thể” là một bộ phim đáng xem, đáng để suy ngẫm với rất nhiều những tình tiết hấp dẫn và rất đời thường. Phim lại quy tụ nhiều diễn viên gạo cội như NSND Như Quỳnh, NSƯT Trung Anh, Lan Hương, Minh Hằng, Quốc Trọng... và diễn viên trẻ Kiều Anh, Công Dũng, nên hy vọng sẽ mang đến cho khán giả những suy ngẫm cần thiết về cuộc sống đương đại.


Với số lượng nhân vật đông đảo nhưng được kết nối nhuần nhuyễn, đề tài đô thị hiện đại, tập trung thể hiện những góc khuất của cư dân tập thể, diễn tả uyển chuyển sự đan xen của những cung bậc hạnh phúc, tình nghĩa xóm giềng và xung đột nảy sinh trước sự phát triển chóng mặt của đô thị... phim hướng khán giả đến với một góc nhìn đô thị bằng phản ánh nhiều chiều về hiện thực, để từ đó ngẫm ra những bài học về tình yêu, tình người.


Phương Lan