12:21 31/12/2021

Những con số 'biết nói' trên thị trường tài chính toàn cầu năm 2021

Ngay từ đầu, năm 2021 đã được dự báo sẽ là một năm khác biệt đối với các thị trường. Sau sự hỗn loạn của năm 2020, các nhà đầu tư đã cảm thấy phấn khích, với việc đặt cược rằng sự sẵn có của vaccine ngừa COVID-19 sẽ mở ra một sự phục hồi kinh tế lớn khiến giá cổ phiếu tăng vọt.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dưới đây là bốn con số “biết nói”, đại diện cho những xu hướng quan trọng nhất của thị trường trong năm qua và cung cấp manh mối về triển vọng của thị trường trong năm tới:

1982: Năm 2021 là năm mà Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - chứng kiến mức giá tiêu dùng tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Bất ngờ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm qua chính là lạm phát, điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách “đau đầu” và có thể tạo tiền đề cho sự hỗn loạn hơn vào năm 2022.

Nhu cầu hàng hóa tăng vọt và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh nhất trong gần bốn thập kỷ. Điều này gây ra những bất mãn chính trị và buộc các ngân hàng trung ương phải rút lại các biện pháp kích thích kinh tế trong thời khủng hoảng nhanh hơn dự kiến.

Cho đến nay, các thị trường phần lớn đã giảm bớt mối lo ngại về lạm phát. Nhưng tốt hơn hết là mọi người nên thận trọng và nhớ rằng đã từng có bao nhiêu dự báo sai về vấn đề này. Vào tháng 6/2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự đoán rằng lạm phát của nước này sẽ ở mức 3,4% vào năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 2%. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất trong tháng 11 vừa qua cho thấy, lạm phát của Mỹ ở mức 5,7%.

70: 70 là số lần chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Ngày 29/12 vừa qua, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại. Nếu bạn cảm thấy quen thuộc với câu nói đó, thực ra là bởi vì điều này đã diễn ra 69 lần khác trong năm 2021, một dấu hiệu cho thấy khả năng nhất quán của thị trường chứng khoán để tiếp tục đi lên bất chấp diễn biến khó đoán định của đại dịch COVID-19 và tình trạng giá cả hàng hóa tăng đột biến.

Theo chuyên gia phân tích Ryan Detrick của LPL Financial, năm 2021 là năm thị trường chứng khoán Mỹ tạo lập được mức cao thứ hai từ trước đến nay. Đây cũng là một trong những năm diễn biến tốt nhất của các cổ phiếu, với chỉ số S&P 500 đang trên đà tăng 27,6% trong cả năm.

100 triệu: 100 triệu là số lượng cổ phiếu GameStop được giao dịch hàng ngày vào cuối tháng 1/2021. Một trong những điều đáng nhớ nhất của thị trường chứng khoán trong 12 tháng qua chắc chắn là câu chuyện GameStop (GME).

Khi giá cổ phiếu của nhà bán lẻ trò chơi điện tử vốn đang gặp khó khăn bỗng tăng vọt khoảng 2.700% vào tháng 1/2021. Điều này đã “đánh thức” Phố Wall trước sức mạnh của các “nhà đầu tư ghế bành”, được định nghĩa là các nhà đầu tư có thể tham gia mạng đầu tư trực tuyến, thông qua nền tảng kỹ thuật số được xây dựng có mục đích. Họ hoạt động mạnh mẽ trên các mạng xã hội như Reddit và Discord và sử dụng các ứng dụng như Robinhood để tăng giá cổ phiếu một cách đáng kể.

Một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho thấy, từ ngày 13/1 đến ngày 29/1, trung bình 100 triệu cổ phiếu GameStop được giao dịch mỗi ngày, tăng 1.400% so với mức trung bình của năm 2020. Đáng chú ý là giá cổ phiếu của GameStop vẫn tăng 717% tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù khoản lỗ của công ty này đang tăng lên.

2.200 tỷ: Đây là giá trị của thị trường tiền điện tử toàn cầu tính bằng đồng USD.

Chú thích ảnh
Đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến nay, mọi người đều biết tiền điện tử là một loại tài sản cực kỳ dễ “bốc hơi”. Tuy nhiên, năm nay đã mang đến những thăng trầm thực sự cho thị trường này. Bitcoin, đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới, đã tăng lên mức hơn 60.000 USD/BTC lần đầu tiên vào tháng 3/2021, trước khi sụt giảm vào tháng 5, gây thất vọng cho một số nhà đầu tư mới. Nhưng những người giữ chặt đồng tiền này đã nhận được “phần thưởng”. Bitcoin đã phục hồi lên mức đỉnh mới 68.789,63 USD/BTC vào tháng 11, cho dù nó đã giảm sâu một lần nữa vào tháng 12.

Đằng sau những biến động này là một câu chuyện lớn hơn. Lần đầu tiên, nhiều tổ chức bắt đầu coi trọng tiền điện tử. Những “gã khổng lồ” trong dịch vụ thanh toán như Mastercard cho biết họ sẽ bắt đầu chấp nhận hoạt động mua tiền điện tử trên nền tảng của mình. Ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ cũng đã hình thành một công ty về "tài sản kỹ thuật số". Và tại sao không? Giá trị thị trường 2.200 tỷ USD không phải là quá lớn khi so với quy mô của thị trường chứng khoán toàn cầu, trị giá 120.000 tỷ USD trong quý II/2021, nhưng không nên xem thường thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

Minh Trang/TTXVN (Theo CNN)