07:12 12/07/2014

Những chuyện tình bi kịch (Tiếp theo và hết)

Denise Labbe sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì Jacques Algarron. Đó là vào năm 1954, Labbe đang làm thư ký ở Viện Thống kê quốc gia ở Renne và cô đã gặp Algarron, một người lính trẻ và là một con quái vật ẩn mình.

Nhân tình ác độc


Denise Labbe sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì Jacques Algarron. Đó là vào năm 1954, Labbe đang làm thư ký ở Viện Thống kê quốc gia ở Renne và cô đã gặp Algarron, một người lính trẻ và là một con quái vật ẩn mình. Ám ảnh vì khái niệm siêu nhân, Algarron tin rằng mình có quyền hành hạ phụ nữ. Anh ta ra lệnh cho Lebbe phải ngủ với người đàn ông khác để cô phải quay về và hối lỗi. Sau đó, Algarron quyết định đưa trò chơi của mình đi xa hơn.

 

Denise Lebbe.


Một tối trong bữa ăn, Algarron nói với Labbe rằng cách duy nhất để cô chứng minh tình yêu của mình là sát hại Cathy, con gái 2 tuổi của cô. Ban đầu Labbe từ chối nhưng Algarron đã thuyết phục được cô. Labbe không có bản năng giết người nên ba lần ra tay đầu tiên của cô đều thất bại. Đã hai lần cô cố dìm chết Cathy và một lần cô ném con ra ngoài cửa sổ nhưng lần nào cũng đều có ai đó cứu đứa trẻ. Tuy nhiên vào ngày 8/11/1954, Labbe đã thực hiện được kế hoạch của mình, giữ đầu cô bé trong một chiếc chậu giặt cho đến khi Cathy tắt thở.


Khi cảnh sát điều tra, Labbe nhanh chóng không chịu được sức ép. Cô thú nhận mình là một con quái vật nhưng cũng thừa nhận Algarron là hiện thân của ác quỷ. Năm 1955, cả hai ra trước tòa án ở Blois và cáo buộc lẫn nhau. Labbe buộc tội Algarron là chủ mưu, còn “siêu nhân” Algarron nói là Labbe bị điên. Tuy vậy, tòa án không tin Algarron và anh này bị buộc phải lao động khổ sai 20 năm. Còn Labbe phải dành phần đời còn lại sau song sắt nhà tù.


Vụ án chiếc dù


Els Clottemans và Els Van Doren không chỉ có cùng tên. Hai phụ nữ người Bỉ này còn có chung một người yêu, đó là hướng dẫn viên nhảy dù Marcel Somers.

 

Els Clottemans.


Mối quan hệ đó khá rắc rối. Clottemans dành thứ sáu với Somers, còn thứ bảy thuộc về Van Doren. Có rất nhiều bất đồng giữa hai người phụ nữ này. Một lần Clottemans đã viết “Tôi biết mình luôn là số 2 đối với Marcel” và cuộc tình tay ba của họ xảy ra hậu quả nghiêm trọng vì lòng tự trọng của cô.
Clottemans không phải là người khỏe mạnh. Không chỉ đã từng tìm cách tự sát, cô còn bị bác sĩ chẩn đoán là tâm thần không ổn định và mắc chứng tự yêu bản thân thái quá. Mọi chuyện cuối cùng đã bùng nổ vào tháng 11/2006, khi Van Doren xuất hiện vào ngày thứ sáu. Thay vì theo lịch ban đầu, Somers đưa Van Doren vào phòng ngủ, còn Clottemans phải ở phòng khách. Đêm đó, khi lắng nghe cặp đôi “hành động” ở tầng trên, Clottemans quyết định phải hành động.


Ngày 18/11, Somers, Van Doren và Clottemans lên máy bay ở một phi trường phía đông nước Bỉ cho một chuyến nhảy dù thú vị. Kế hoạch là họ sẽ nhảy cùng lúc và nắm tay nhau khi rơi xuống. Chỉ có điều Clottemans không nhảy đúng lúc. Cô lưỡng lự, như thể muốn ngắm cảnh nhảy dù. Và khi cách mặt đất 1.000 m, Van Doren mở dù, chỉ để thấy nó không bung ra. Hoảng loạn, cô mở chiếc dù khẩn cấp, nhưng kết quả vẫn vậy. Lao thẳng với tốc độ 200 km/giờ, Van Doren rơi xuống một khu vườn và chỉ còn là một đống xương gãy vụn.


Các nhà điều tra nghi ngờ có âm mưu phá hoại khi họ phát hiện ai đó đã cắt dây buộc dù của Van Doren. Khi họ thẩm tra Clottemans, cô tìm cách tự sát. Tin rằng cô là thủ phạm, cảnh sát buộc cô tội giết người dù thiếu bằng chứng xác thực. Không có dấu vân tay hay nhân chứng nào, nhưng Clottemans có động cơ. Cô đã gửi cho Van Doren những bức thư nặc danh và quấy rầy đối thủ bằng những cuộc gọi bí ẩn.


Cuối cùng, Clottemans bị tuyên có tội và ngồi tù 30 năm. Không ngạc nhiên khi cô cho rằng mình vô tội.


Borgia của nước Mỹ


Lucrezia Borgia nổi tiếng thời Phục hưng với truyền thuyết nói rằng bà ta thường bỏ thạch tín vào nước uống của các đối thủ. Với tai tiếng đó, chẳng ai muốn được gọi với cái tên “Borgia của nước Mỹ”, nhưng Martha Wise không nằm trong số này.

 

Martha Wise.


Góa phụ 40 tuổi này sống ở Hardscrabble, bang Ohio, Mỹ. Không có nhiều việc để làm ở đây, vì thế Wise dành nhiều thời gian tham dự các lễ tang. Bà ta là một người đặc biệt và cô đơn. Người chồng đầu tiên đối xử với bà ta như một nô lệ, và sau khi ông ta chết năm 1923, Wise quyết định tái hôn. Wise để ý đến Walter Jones, nhưng gia đình bà ta phản đối cuộc hôn nhân này đến mức mẹ của Wise thậm chí đã dọa sẽ từ con nếu mối quan hệ này không kết thúc.


Dường như đã chịu thua, Wise chấm dứt tình yêu. Và đó là khi án mạng xảy ra. Vào Ngày lễ Tạ ơn năm 1924, mẹ của Wise uống một ly nước và nhanh chóng qua đời. Vài tuần sau, cô chú của Wise và 6 người con của họ cũng gặp nạn vì lý do tương tự. Dù lũ trẻ may mắn sống sót nhưng cha mẹ của chúng đã chết. Vị cảnh sát trưởng khu vực tỏ ra nghi ngờ. Ông còn lo ngại hơn nữa khi có ai đó đã đốt cháy nhà thờ địa phương - nơi đã từ chối cho Wise kết hôn. Khi cảnh sát trưởng khám phá ra rằng Wise đã mua một lượng lớn thạch tín ở hàng thuốc, ông ra lệnh khám nghiệm tử thi cô của Wise và phát hiện ra chất độc.


Khi Wise bị bắt, bà ta dùng lời lẽ bào chữa cổ điển nhất: “Con ác quỷ đã bảo tôi làm điều đó”. Wise bị buộc tội giết người và phải ngồi tù. Ngạc nhiên là bà ta lại thích thú cuộc sống trong tù cho đến khi được thả vào năm 1962. Nhưng do không thể hòa nhập với cuộc sống mới, Wise quay lại nhà tù chỉ sau 3 ngày và chết ở đó năm 1971.


Trần Anh