05:07 28/05/2022

Những chuyên ngành ‘hot' của Công nghệ thông tin và cơ hội việc làm

Bạn đọc hỏi: Hiện nay có những chuyên ngành đào tạo nào liên quan đến Công nghệ thông tin và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là gì?

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp với nhiều câu hỏi về ngành học đặt ra cho các trường đại học. Ảnh: Lê Vân.

Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:

Theo PGS.TS Trần Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hiện nay, Công nghệ thông tin (CNTT) vẫn là một trong những ngành học được xem là ‘hot' của các ngành khoa học - kỹ thuật bởi cơ hội việc làm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền công nghệ 4.0. Tuy nhiên, CNTT sẽ có những chuyên ngành sâu mà thí sinh cần phải tìm hiểu rõ để cân nhắc về sở thích, năng lực cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.  

Theo thống kê của Trường Đại học Công nghệ Đông Á, có 7 chuyên ngành sâu thuộc ngành CNTT đang 'hot' và có cơ hội việc làm tốt như sau: 

Chuyên ngành kỹ thuật máy tính giúp sinh viên có kiến thức nền tảng về khoa học máy tính. Kỹ sư máy tính cần giải quyết các vấn đề liên hợp giữa phần cứng và phần mềm máy tính, biết thiết kế và xây dựng các bộ xử lý các bộ phận của máy tính để hỗ trợ hoạt động của phần mềm máy tính.  

Khi tốt nghiệp, cử nhân chuyên ngành này sẽ làm các công việc như: Lập trình viên mảng lập trình nhúng tức là lập trình các con chip trong hệ thống điều khiển xe ô tô, thiết bị di động, đồ gia dụng,… kỹ sư điện tử – mạch điện, nhân viên IT trong các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về hệ thống máy tính và phần mềm.  

Chuyên ngành khoa học máy tính giúp sinh viên học các nguyên tắc cơ bản của các ngôn ngữ lập trình khác nhau, đại số tuyến tính và rời rạc, thiết kế và phát triển phần mềm. Đây là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở nhất: Chuyên viên phân tích và thiết kế lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình viên Web Developer, App Developer...

Chuyên ngành Công nghệ phần mềm: Sinh viên được học về khả năng xây dựng, chỉnh sửa và phát triển phần mềm dựa trên các công cụ lập trình, có thể phân tích, đánh giá yêu cầu dự án, các giải pháp tiếp cận công nghệ mới…

Việc làm cho ngành này như: Lập trình viên thiết kế web (web developer), ứng dụng điện thoại (app developer) hoặc thiết kế game (game developer), nhân viên IT ở phòng sản phẩm của các công ty công nghệ và ở phòng kỹ thuật của tất cả các công ty, tổ chức…

Chuyên ngành kỹ thuật mạng giúp sinh viên có kiến thức sâu về quản trị mạng, dịch vụ mạng, thực hành an ninh mạng, thiết kế mạng, mạng không dây, có khả năng thiết kế hệ thống mạng, phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc quản trị mạng, an ninh mạng, đường kết nối, lưu trữ cơ sở dữ liệu và hệ thống backup thông tin.

Công việc của chuyên ngành này: Chuyên viên an ninh mạng, chuyên viên về quản trị mạng, chuyên viên đảm nhận pentest (kiểm thử xâm nhập) hệ thống mạng các tổ chức, chuyên viên chịu trách nhiệm tư vấn và thiết kế hệ thống mạng và an toàn thông tin.  

Chuyên ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu: Sinh viên ra trường có thể làm tại các vị trí như: Chuyên viên phát triển quản trị mạng tại các cơ quan, tổ chức ngân hàng, nhà cung cấp mạng, chuyên viên phụ trách thiết kế mạng cho các cơ quan, đơn vị: xây dựng hệ thống mạng theo yêu cầu, chuyên viên đảm nhiệm việc phát triển phần mềm mạng và ứng dụng trên mạng, nhân viên kỹ thuật lắp đặt phần cứng mạng…  

Chuyên ngành hệ thống quản lý thông tin: Sinh viên sẽ được học các kiến thức về thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ thông tin…

Sinh viên ra trường có thể làm công việc như: Lập trình viên mảng cơ sở dữ liệu, nhân viên tư vấn, thiết kế và lập trình cho các công ty phần mềm, nhân viên quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin cho các cơ quan, tổ chức, nhân viên đào tạo và kiểm định nghiệp vụ.

Chuyên ngành Big Data & Machine Learning: Các vị trí mà kỹ sư chuyên ngành này có thể làm sau khi ra trường như: Kỹ sư/chuyên viên phát triển các ứng dụng AI vào các phần mềm, kỹ sư phát triển hệ thống tự động hoá, kiến trúc sư về mảng dữ liệu, chuyên gia nghiên cứu AI chuyên sâu…

Một số chuyên ngành sâu của ngành Công nghệ thông tin có đào tạo ở nhiều trường đại học: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Đông Á và những trường đào tạo đa ngành khác.

LV/Báo Tin tức