10:07 22/10/2015

Những chương trình cải thiện đời sống người nghèo xã biên giới

Chính phủ đã có những chương trình hành động gì để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo ở các xã biên giới, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc?


Trả lời: Ngày 19/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến năm 2020. Theo đó, giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020) nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Cụ thể, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung gồm: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin. Ngoài ra, còn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù cho hộ nghèo, người nghèo DTTS; hộ nghèo, người nghèo sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu tiên. Trong đó, hộ nghèo, người nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới và các thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và hộ nghèo ở các thôn, bản giáp biên giới không thuộc huyện nghèo trong thời gian chưa tự túc được lương thực được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/ 2008 của Chính phủ.

Để thực hiện, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Quốc phòng sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quân dân y kết hợp. Mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo ở xã biên giới. Tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, hải đảo. Vận động thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại xã biên giới, khu kinh tế quốc phòng. Giúp dân xây dựng nếp sống mới, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
N.L