12:08 02/12/2018

Những 'chiêu độc' thu phí phương tiện vào nội đô của các thành phố lớn thế giới - Bài 2

Ngoài Singapore, một mô hình thu phí chống tắc nghẽn nội đô thành công nữa là ở thủ đô London, được nước Anh áp dụng từ năm 2003 tới nay.

Bài 2: Bài học thu phí chống tắc nghẽn từ London

Chương trình bắt đầu từ tháng 2/2003 trên một diện tích hơn 20km2. Đây là khu vực kinh doanh trung tâm lúc nào cũng bị tắc xe nặng nề. Khu vực thu phí chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng diện tích Greater London (Đại London, có 7 triệu dân sinh sống). Sau đó, khu vực thu phí được mở rộng ra phía Tây, bao gồm thêm 20km2 nữa gồm Westminster, Kensington và Chelsea. Khi áp dụng thu phí, chính quyền thành phố thực hiện luôn cả việc tăng 40% công suất chuyên chở khách của xe buýt và tàu hỏa.

Chú thích ảnh
Biển báo màu trắng trên phố báo hiệu các tài xế sắp đi vào khu vực tính phí ở Tower Hill. Ảnh: Wikipedia

Theo chương trình, mức phí ngày thường ban đầu là 5 bảng Anh, sau được nâng lên 8 bảng Anh năm 2005 đối với các phương tiện đi vào, rời hoặc di chuyển trong khu vực thu phí. Thời gian thu phí từ 7 giờ sáng tới 18 giờ 30 phút. Năm 2007, thời gian được điều chỉnh thành 7 giờ sáng tới 18 giờ.

Những phương tiện được miễn phí hoặc giảm phí gồm xe của cư dân sống trong khu vực thu phí (giảm 90%). Xe buýt, taxi, xe cấp cứu, xe lai và xe máy được miễn.

Mục đích ban đầu của chương trình là giảm tình trạng tắc nghẽn ngày thường ở trung tâm thành phố, về sau khu vực thu phí được mở rộng về phía Tây năm 2007, tạo ra một khu vực tính phí chống tắc nghẽn thống nhất.

Hơn 650 camera giám sát đã được lắp đặt ở vòng ngoài và trong khu vực ghi lại hình ảnh biển số xe của mọi loại phương tiện. Xe lưu thông trên đường công cộng trong khu vực thu phí sẽ phải trả phí ngày vào thời điểm thu phí. 

Lái xe có thể trả qua trang web, bằng tin nhắn SMS, tại các cửa hàng có đặt máy PayPoint hoặc qua điện thoại. Phí có thể được trả vào ngày hôm sau nhưng sẽ tăng lên 10 bảng Anh. 

Mức phạt với hành vi không nộp phí vào ngày hôm sau là 40 bảng Anh nếu trả sau ngày thông báo trên thư, nhưng sẽ tăng lên 120 bảng nếu không trả trong vòng bốn tuần.

Tác động của hệ thống thu phí chống ùn tắc

Người tham gia giao thông London nhanh chóng điều chỉnh hành vi sau khi có hệ thống thu phí. Sau năm đầu thực hiện, lưu lượng giao thông trong khu vực tính phí giảm 15% vào giờ tính phí. Số phương viện vào khu vực này giảm 18%. Tình trạng tắc nghẽn giảm 30%. Chất lượng không khí được cải thiện. Số vụ tai nạn ô tô giảm.

Chú thích ảnh
Biển báo khu vực thu phí trên phố Old Street. Ảnh: Wikipedia

Mặc dù tăng lưu lượng giao thông trong cung đường vòng trong (vốn là một tuyến đường chuyển hướng quanh khu vực tính phí), nhưng mức độ tăng vẫn thấp hơn dự báo và không xuất hiện vấn đề gì về hoạt động giao thông.

Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy lưu lượng giao thông tăng mạnh ngoài giờ thu phí hay trong khu vực xung quanh khu vực thu phí. Số phương tiện tiến tới khu vực tính phí giảm và không có thay đổi nào đáng kể trong lưu lượng giao thông ở các con đường gần đó.

Theo Sở Giao thông London, cơ quan chính quyền phụ trách chương trình thu phí giảm tắc nghẽn, có bằng chứng cho thấy lưu lượng giao thông trong nội đô và trung tâm London giảm nói chung.

Ngoài việc giảm các phương tiện lưu thông trong và ngoài khu vực, tình trạng giao thông bị cản trở cũng giảm 25%. Tốc độ di chuyển tăng 30% trong khu vực. Thời gian di chuyển và độ tin cậy của xe buýt tăng đáng kể. Sử dụng xe buýt tăng tới 40%. Khi áp dụng thu phí, số người chuyển từ đi ô tô riêng sang xe buýt tăng nhiều hơn so với người lái ô tô đi trên đường vành đai.

Chú thích ảnh
Khu vực thu phí chống tắc nghẽn ở trung tâm London (màu vàng). Ảnh: Sở Giao thông London

Năm 2003, Sở Giao thông London báo cáo rằng số ô tô con và phương tiện giao hàng trung bình vào khu vực trung tâm London giảm mạnh so với năm trước đó. Khoảng 50-60% trong số đó là do người dân chuyển sang đi hệ thống giao thông công cộng, 20-30% điều chỉnh hành trình tránh khu vực thu phí, 15-25% chuyển sang đi xe chung, số còn lại thì giảm hành trình, đi nhiều hơn ngoài giờ thu phí, tăng cường dùng xe đạp và xe máy. Thời gian di chuyển giảm 14%.

Lưu lượng giao thông năm 2003 cũng được duy trì trong 2 năm sau. 4 năm sau áp dụng hệ thống thu phí, lưu lượng giao thông vào khu vực trung tâm London vào giờ tính phí giảm 21% so với trước khi tính phí.  

Sau khi thu phí vào nội đô, thành phố London còn được lợi về một mặt là tài chính. Nhờ thu phí mà thành phố không cần thay đổi gì đáng kể cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nguồn phí này còn được tái đầu tư và mạng lưới giao thông công cộng.

Như vậy, mục tiêu chính là giảm tắc nghẽn dù có thể chưa hoàn toàn thành công, nhưng kết quả thu phí trong trung tâm London rất đáng khích lệ. Đánh giá chung với hệ thống là tích cực. Người dân giảm thời gian bị tắc đường tới 1/3.

Chi phí ban đầu cho hệ thống thu phí ở London là 161,7 triệu bảng Anh. Doanh thu từ phí là 250 triệu bảng Anh trong một tài khóa, chiếm 8,5% doanh thu hàng năm của Sở Giao thông London. Hơn một nửa được chi để vận hành hệ thống thu phí. Khi tăng 60% mức phí vào tháng 6/2005, doanh thu chỉ tăng chút ít vì khoản thu từ tiền phạt ít hơn. 

Phản ứng của dân London

Từ khi lần đầu được đề xuất cách đây gần 4 thập kỷ cho tới khi chính thức áp dụng năm 2003, hệ thống thu phí chống tắc đường ở London đã trải qua nhiều tranh cãi ở London.

Theo báo cáo năm 2007, mức độ chấp nhận thu phí người sử dụng đường bộ trước khi áp dụng là ổn định ở mức 40%. Sau khi áp dụng, mức độ chấp nhận tăng lên hơn 50%. Dù không có số liệu cho thấy mức độ chấp nhận sau tháng 10/2003 nhưng việc Thị trưởng London tái đắc cử tháng 6/2004 cho thấy người dân London chấp nhận thay đổi này.

Có hai lý do chính khiến tỷ lệ người dân London chấp nhận hệ thống thu phí tương đối cao cả trước vào sau khi áp dụng. Thứ nhất, tình trạng giao thông ở London đã tới mức không thể chấp nhận nổi và người London cảm thấy cần phải có biện pháp triệt để. Nhiều người cho rằng thu phí chống tắc nghẽn là cách tốt nhất để có tiền nâng cao chất lượng giao thông công cộng ở London. 

Thứ hai, ở London, nguồn lực có thể được tập trung vào một số dự án trọng điểm như thu phí đường bộ. Để làm được điều đó, Thị trưởng đã thành công trong xây dựng niềm tin cho người dân thông qua đối thoại mở, trình bày vấn đề và đề xuất rõ ràng, công khai. London có nhiều công cụ truyền thông hữu hiệu, ví dụ như trang web để hỗ trợ quá trình tham vấn và quảng bá cho chương trình cũng như lợi ích. 

Bài 3: New York ấp ủ kế hoạch trả tiền để lái xe

Thùy Dương/Báo Tin tức