07:07 24/07/2021

Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài 2: Giành giật sự sống cho bệnh nhân

Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kể: "Nhiều lúc bệnh nhân trên lầu đột ngột ngưng thở, cần đặt nội khí quản, anh em liền leo thang bộ chạy đi, mình nhìn theo thôi cũng thấy xót xa. Ngoài ra, chỉ cần bác sĩ rảnh tay thì làm cả công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý… tất cả chỉ để giành lại sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 nặng".

Dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh khác các tỉnh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và sự phân công của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chiều 14/7, đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường, tọa lạc tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, thành phố Thủ Đức. Theo đó, đội chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy có 53 thành viên gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng, do bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy làm đội trưởng.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức). Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết, đây là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Hồ Chí Minh nên hầu hết trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch đều được chuyển đến đây điều trị. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện Hồi sức COVID-19 tiếp nhận liên tục từ 50 - 60 ca bệnh nặng, đó là con số vô cùng lớn. 

“Có thể nói, cuộc chiến tại TP Hồ Chí Minh đang khó khăn hơn trước rất nhiều. So với các đợt dịch trước, tỉ lệ bệnh nặng tại TP Hồ Chí Minh lớn hơn các tâm dịch khác trên cả nước do chủng Delta có tốc độ lây lan và diễn tiến bệnh nhanh, ngay cả với người trẻ. Hiện tại, chưa có thống kê nhưng lượng bệnh nhân tại bệnh viện đang điều trị có độ tuổi từ 28 tuổi đến hơn 50 tuổi, trong đó trẻ nhất là 28 tuổi. Số ca bệnh nặng trên 60 tuổi thì chiếm hơn 1/2 số lượng bệnh nhân. Vì vậy, so với con số bệnh nhân tại Bắc Giang trước đây thì số ca bệnh nặng tại TP Hồ Chí Minh lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa biết hiện có phải là đỉnh điểm của dịch bệnh hay không? Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 ở Bắc Giang chỉ xảy ra trong khu vực các khu công nghiệp nên khoanh vùng nhanh chóng, không để lan ra cộng đồng. Đặc biệt, ở Bắc Giang số ca bệnh nặng, số người trẻ nhiễm không lớn, người lớn tuổi có bệnh nền cũng không nhiều như TP Hồ Chí Minh", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Trần Thanh Linh lúc nào cũng mang theo điện thoại bên mình để chỉ đạo điều phối công việc trong Bệnh viện hồi sức COVID-19.  Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Linh, trước khi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19, đội ngũ bác sỹ đã tiên lượng được khối lượng cộng việc rất khổng lồ và bận rộn liên tục hàng ngày. Vì vậy, muốn hoàn thành nhiệm vụ đội ngũ bác sỹ phải chia nhân viên ra nhiều nhóm, vừa tiếp nhận thông tin chuyên môn vừa nghe điện thoại hướng dẫn cho các bệnh viện tuyến dưới vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện này ra sao cho an toàn.

Chính trong những lúc gian khổ như hiện nay, đội ngũ y, bác sĩ  cũng đã "trưởng thành" hơn bởi công việc chữa trị cho các bệnh nhân nặng tuy vất vả, khổ cực nhưng cũng đã học hỏi được nhiều hơn, không chỉ chuyên môn mà còn nhiều vấn đề khác như: sự đoàn kết trong làm việc tập thể, văn hóa ứng xử với bệnh nhân, sự hy sinh, phối hợp nhịp nhàng cùng đồng nghiệp khi chung tay cứu các bệnh nhân nặng, từ đó cùng cộng đồng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Chạy đua với thời gian

Mặc dù đã được sắp xếp cho ở khách sạn sau mỗi ca trực ở Bệnh viện hồi sức COVID-19, nhưng đã hơn một tuần qua kể từ khi bệnh viện này đi vào hoạt động, bác sĩ Chuyên khoa 1 Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn luôn “cắm chốt” tại bệnh viện và cuối cùng, bác sĩ Huỳnh Quang Đại cũng không biết tên khách sạn mà mình được bố trí nghỉ ngơi là gì.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ làm việc không kể ngày đêm để cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19.  Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết, hiện nay khối lượng công việc tại bệnh viện rất nhiều, có những ngày các bác sỹ phải làm cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ cho các khoa khác nên bác sỹ Đại không muốn ra ngoài khách sạn ở vì để tiết kiệm thời gian di chuyển. Bởi theo bác sỹ Đại, với thời gian di chuyển đến khách sạn có khi mình lại cứu được thêm một bệnh nhân hoặc có thể hỗ trợ thêm cho các đồng nghiệp đang căng mình giành giật sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch bên trong bệnh viện này.

Công việc của đội ngũ y tế ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 không phải ít, từ việc bố trí an toàn phòng chống nhiễm khuẩn, thiết lập những phòng đệm để thay đồ, trang thiết bị cho từng khoa phòng, tính toán nhân lực điều động ra sao… Đặc biệt mỗi ngày, đội ngũ y, bác sỹ trong bệnh viện còn nhận hàng trăm cuộc gọi từ các nơi khác gọi đến để liên hệ chuyển bệnh nhân từ các bệnh viện khác đến, khi chuyển viện đến đây thì đa số là bệnh nhân nặng, nguy kịch. Vì vậy, nhiều khi nghe tiếng điện thoại cũng đã cảm thấy áp lực và điện thoại các bác sỹ cũng không bao giờ ngừng đổ chuông.

Chú thích ảnh
Lượng bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh.  Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Ngoài ra, việc lựa chọn nhân lực cũng rất khó khăn vì bác sĩ hồi sức ở đâu cũng thiếu. Nhưng để đáp ứng được công việc, các bác sĩ hồi sức phải phối hợp nhịp nhàng với các chuyên khoa khác. Nhân lực trong Bệnh viện hồi sức COVID-19 cũng được chia thành 3 nhóm, nhóm thứ nhất do bác sĩ hồi sức làm trưởng nhóm; nhóm 2 bác sĩ liên quan đến hồi sức như cấp cứu, gây mê, bệnh nặng từng được đào tạo qua hồi sức; nhóm 3 là bác sĩ khoa nội ngoại chưa từng làm hồi sức nhưng cũng tham gia để hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi người mỗi việc theo chuyên môn của mình.

“Ai tham gia công tác này đều rất quyết tâm và nỗ lực hết sức mình để làm tất cả những gì có thể và tốt nhất cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào, các anh em cũng làm việc từ sáng đến 11 - 12 giờ đêm, thậm chí 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Có những đêm các anh em đi đặt ECMO ở bệnh viện bên ngoài đến 4 giờ sáng mới về đến bệnh viện. Sau khi rời khỏi ca trực, nhiều người gần như kiệt sức và uống liền lúc cả một lít nước để bù lại lượng nước đã mất, nghỉ ngơi xong lại tiếp tục lao vào công việc hàng ngày như một cái máy”, bác sĩ Huỳnh Quanh Đại chia sẻ.

Bài cuối: Bền gan quyết chí

Chú thích ảnh
Hoàng Tuyết - Đan Phương/Báo Tin tức