12:08 02/12/2020

Những chiến sĩ trên tuyến đầu của tình đoàn kết Việt Nam – Cuba

“Một lần nữa, chúng tôi xin được khẳng định với Tổng tư lệnh, cũng như với toàn thể nhân dân Cuba chúng ta, quyết tâm không thể bẻ gẫy của hai thủy thủ đoàn chúng tôi trong việc bám trụ tại đây (cảng Hải Phòng), đối diện kẻ thù chung của các dân tộc – Đế quốc Mỹ, cho tới ngày chiến thắng của Cách mạng Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Cựu thuyền trưởng tàu “El Jigüe” Roberto Chang Puga trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Đó là một trích đoạn trong thông điệp ngày 6/9/1972 gửi Tổng tư lệnh Fidel Castro của 89 thành viên thủy thủ đoàn trên hai chiếc tàu thương mại Cuba mang tên “El Jigüe” và “Imías” – những người đã bám trụ tại cảng Hải Phòng, sẻ chia với nhân dân Việt Nam trong suốt gần 1 năm để hoàn thành lời cam kết đanh thép đó.

Dưới trời mưa tầm tã và trong một ngôi nhà giản dị, thanh lịch và ngăn nắp tại thủ đô La Habana, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông Roberto Chang Puga, vị thuyền trưởng trẻ trung và đầy nhiệt huyết của con tàu “El Jigüe” anh dũng ngày nào mà giờ đây đã gần bước vào tuổi 80. Qua những mẩu chuyện liên tục bị ngắt quãng để hồi tưởng và sắp xếp lại trong trí nhớ đã phần nào mờ đi theo thời gian của “con sói biển” thuở xưa, một sự kiện đáng nhớ và xúc động trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Cuba gần nửa thế kỷ trước dần hiện rõ trong tâm trí của chúng tôi.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Cựu thuyền trưởng tàu “El Jigüe” Roberto Chang Puga trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Là con trai của một thủy thủ viễn dương người Trung Quốc và một nữ kế toán người Cuba, có lẽ Roberto Chang mang sẵn trong dòng máu ham muốn phiêu lưu hải hồ. Chính vì thế, khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành Khoa học Chính trị tại Đại học La Habana, ông đã không phải cân nhắc nhiều để đi theo lời kêu gọi của lãnh tụ Fidel Castro và chuyển sang học tại Học viện Hàng hải mới được thành lập nhằm đào tạo nhân lực cho đội ngũ sĩ quan hàng hải thương mại khi đó đang rất thiếu hụt của Cuba.

Tốt nghiệp năm 1967, chàng trai Roberto Chang gần như ngay lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên các tuyến đường hải vận quốc tế và tới đầu năm 1972, khi mới 29 tuổi, ông đã được giao trọng trách chỉ huy “El Jigüe” – một trong 10 tàu biển vận tải cỡ lớn mà Cuba mua của Tây Ban Nha (Imías cũng nằm trong số này và tên riêng của mỗi tàu được đặt theo địa danh của nước xuất xứ) với trọng tải tối đa 13.000 tấn và chiều dài khoảng 140 m. “Lần đầu tiên được giao trọng trách lớn như vậy, tôi rất hồi hộp và chuẩn bị kỹ cho chuyến đi dài ngày. Nhưng chuyến đi đó đã dài hơn và với những quyết định quan trọng hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu của tôi”, ông Roberto Chang nhớ lại.

Chú thích ảnh
Cựu thuyền trưởng tàu “El Jigüe” Roberto Chang Puga trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Rời cảng La Habana ngày 22/2/1972, “El Jigüe” tới Việt Nam ngày 27/3/1972 với thủy thủ đoàn gồm 47 người và 10.000 tấn đường. Một tuần sau đó, ngày 4/4, “Imías” – với thủy thủ đoàn 42 người và cùng khối lượng hàng – cũng hoàn thành hải trình tương tự. Do điều kiện đặc thù khi đó, cả 2 con tàu thương mại Cuba đều được sắp xếp bốc dỡ một nửa lượng hàng của mỗi tàu tại Hạ Long và một nửa còn lại tại cảng Hải Phòng. Tới đầu tháng 5/1972, khi Mỹ tuyên bố sẽ phong tỏa bằng ngư lôi và bom hẹn giờ cảng Hải Phòng và cho thời hạn 3 ngày để các tàu thuyền nước ngoài trong cảng rời đi an toàn, “Imías” đã gần như hoàn thành việc bốc dỡ và chỉ còn phải làm vệ sinh với khoảng 300 tấn “hàng cặn” phải xử lý, nhưng “El Jigüe” vẫn còn 5.000 tấn đường dự kiến bốc dỡ tại cảng Hải Phòng.

Chú thích ảnh
 Quả bom chưa nổ tại cảng Hải Phòng mà các thủy thủ tàu “El Jigüe” từng đưa lên tàu của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp

"Khi đó, chúng tôi tổ chức một hội nghị gồm toàn thể thủy thủ đoàn của hai tàu và tất cả 89 người – kể cả những thủy thủ của tàu Imías có điều kiện để ra khơi kịp thời hạn 3 ngày – đều quyết định ở lại và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ai đó trong hội nghị đã đưa ra một câu nói mà sau này trở thành khẩu hiệu của chúng rồi, rằng “chúng ta đã đến trên những con tàu của mình, và chúng ta sẽ chỉ rời đi trên những con tàu của mình”. Khi chúng tôi thông báo với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam và qua kênh thông tin liên lạc trực tiếp với Chính phủ, thật trùng hợp là chúng tôi cũng nhận được chỉ đạo định hướng tương tự từ La Habana. Và như thế, chúng tôi chờ đợi ngày rải thảm phong tỏa của Mỹ (ngày 11/5/1972) với tâm lý hoàn toàn bình thản”. 

Các thủy thủ của cả hai tàu đã tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác bốc dỡ để đẩy nhanh tiến độ và khoảng 20 ngày sau khi Mỹ phong tỏa Hải Phòng, “El Jigüe” và “Imías” đã hoàn thành nhiệm vụ vận tải của mình, nhưng vẫn tiếp tục với “nhiệm vụ” bám trụ, chia sẻ và trở thành những nhân chứng sống của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hào hùng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời tại miền Bắc, bắt đầu từ thời điểm Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 rải thảm Hải Phòng vào ngày 16/4/1972 (Chiến dịch Linebacker) cho tới trận “Điện Biên Phủ trên không” (Chiến dịch Linebacker II).

Theo nhật báo Granma ra ngày 19/10/1972, từ các boong tàu, các thủy thủ Cuba đã tận mắt chứng kiến Mỹ rải thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, các trận pháo kích từ Hạm đội VII, các đợt ném bom của không quân Mỹ tàn phá phường Hạ Lý, nhà máy xi măng Hải Phòng, chợ Sắt, bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp và nhiều trường học của “thành phố hoa phượng đỏ”; đồng thời cũng được thấy sự chống trả kiên cường và quyết liệt của quân dân ta, với những “thần sấm” (F-105), “con ma” (Phantom) và thậm chí cả một “pháo đài bay” B-52 bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam.

Chú thích ảnh
Trang bìa nhật báo Granma (phiên bản quốc tế) của Cuba số ra ngày 19/10/1972 với câu chuyện về 89 thủy thủ của “El Jigüe” và “Imías” chiếm toàn bộ trang bìa. Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

“Chúng tôi luôn kinh ngạc và thán phục trước sự mưu trí, lòng dũng cảm và sự hi sinh to lớn của nhân dân Việt Nam. Những trận ném bom điên cuồng của không quân Mỹ không thể bẻ gẫy ý chí của các bạn, và ai ai cũng là chiến sĩ, thậm chí một người phụ nữ bán hàng tạp hóa khi có hiệu lệnh cũng khoác súng lên trận địa chiến đấu”, ông Roberto Chang hồi tưởng.

Trong bức điện của thủy thủ đoàn “El Jigüe” và “Imías” gửi Tổng tư lệnh Fidel Castro được dẫn ở phần đầu bài, một đoạn khác viết: “Chúng tôi không tìm đủ tính từ để mô tả cuộc kháng chiến phi thường, tinh thần quật cường và lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam; chúng tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi được tận mắt cảm nhận ý nghĩa câu tuyên bố của Tổng tư lệnh rằng cả nhân loại cần phải biết ơn Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Bức điện của hai thủy thủ đoàn “El Jigüe” và “Imías” báo cáo Tổng tư lệnh Fidel Castro gửi ngày 9/2/1973 sau khi ra khơi từ cảng Hải Phòng.  Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Ông Chang kể lại: “Trong suốt thời gian ở Việt Nam, chúng tôi cũng cảm động vì sự quan tâm chăm sóc của các bạn Việt Nam dành cho chúng tôi, dù các bạn luôn phải đương đầu với những thiếu thốn và khó khăn gấp nhiều lần. Mỗi ngày, luôn có một thông tin viên trực tiếp cập nhật tình hình chi tiết cho các sĩ quan của hai đội tàu và chúng tôi và chúng tôi luôn được chu cấp đầy đủ mọi nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng không chỉ là những chủ trương chính thức, mà tình cảm của người dân Việt Nam còn thể hiện qua những hành động cụ thể của từng người dân. Tôi nhớ trong một lần lên Hà Nội công tác, khi tôi đang đạp xe trên đường thì có còi báo động vang lên, đúng lúc tôi đang loay hoay chưa biết phải làm gì thì một người đi đường chạy tới hỏi to tôi gì đó bằng tiếng Việt (do ông Chang có bố là người Trung Quốc nên khuôn mặt có nét Á châu), tôi chỉ có thể giải thích bằng cách chỉ vào mình và nói “Cuba”, anh ý lập tức hiểu ra và kéo tôi vào một hầm trú ẩn bên đường rồi tự mình đứng chắn ở ngoài, phía gần cửa hầm. Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm đó”.  

Khi được hỏi về những khó khăn, hiểm nguy trong những ngày tháng đó, ông Chang cho biết: “Về điều kiện vật chất, chúng tôi chẳng có gì phải phàn nàn, nhất là khi nhìn sang tình cảnh của các bạn. Còn về nguy hiểm, thật sự thì chúng tôi cũng không phải đối diện rủi ro gì quá lớn vì chính người Mỹ cũng hạn chế ném bom hay không kích vào khu vực neo đậu của tàu thuyền thương mại nước ngoài và trong suốt thời gian đó, chỉ có một tàu nước ngoài, chiếc “Konrad” của Ba Lan, là bị trúng bom. Tất nhiên, ban đầu chúng tôi cũng ngỡ ngàng với khung cảnh chiến sự, và cũng luôn ẩn náu theo đúng quy định để tránh bom rơi, đạn lạc. Có lần, khi chúng tôi ngồi họp dưới khoang tàu, thì một mảnh máy bay Mỹ bị bắn cháy rơi ngay sát “El Jigüe” làm rung chuyển cả con tàu, chưa bao giờ trong đời tôi cảm nhận một rung chấn mãnh liệt như vậy. Hay một lần khác, mà sau này chúng tôi vẫn gọi đùa là “sự dốt nát của người Cuba”, một số thủy thủ của “El Jigüe” đã kéo lên tàu cả một quả bom chưa nổ để định cắt xẻ, chế tác thành nhiều kỷ vật như họ vẫn thường làm với vỏ bom, khiến bộ đội công binh Việt Nam khi dò tìm quả bom mà họ đã đánh dấu trước đó phải phát hoảng và ra lệnh sơ tán toàn bộ “El Jigüe” và các tầu lân cận để di dời quả bom”.

Theo người cựu thuyền trưởng này, khó khăn thực sự với các thủy thủ Cuba khi đó là sự thiếu thốn liên lạc với người thân trong gia đình, nhất là khi thời gian xa cách vượt xa dự kiến ban đầu. Bản thân ông cũng đã phải thấp thỏm, mong ngóng thông tin về cô con gái đầu lòng – vẫn còn đỏ hỏn khi ông rời cảng La Habana trên chiếc “El Jigüe”: “Khi chúng tôi lần đầu tiên nhận được hình ảnh do Viện Điện ảnh Cuba chuyển qua đường Đại sứ quán (vào tháng 9/1972), tôi gần như không nhận ra con gái mình, con bé lớn hơn nhiều so với hình ảnh mà tôi vẫn nhớ và thậm chí đã mọc răng rồi”.

Có một chi tiết đáng chú ý rằng “El Jigüe” và “Imías” là 2 tàu hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, trong số các tàu nước ngoài nằm lại cảng Hải Phòng bị phong tỏa đã không cắt giảm hay thay đổi nhân sự. Phải qua vài lần gặng hỏi, chúng tôi mới được ông Chang xác nhận thông tin này: “Đúng vậy, đa phần các tàu bạn đều gửi bớt thủy thủ của mình về nước qua đường hàng không, thậm chí có tầu còn thay toàn bộ thủy thủ đoàn. Nhưng cho dù vẫn có những mệt mỏi, hay thấp thỏm, lo âu không biết phải ở lại bao lâu, tất cả các thành viên trong 2 thủy thủ đoàn chúng tôi đều cho rằng bám trụ với tàu tại Hải Phòng là nhiệm vụ nghiễm nhiên, không ai từng đặt vấn đề về nước theo con đường khác cả”.

Trưa ngày 9/2/1973, sau khi các chiến sĩ công binh Việt Nam đã hoàn thành sơ bộ công tác tháo gỡ và phá hủy thủy lôi và bom mìn của Mỹ chắn lạch vào cảng Hải Phòng, “El Jigüe”, cùng “Imías” và một nhóm tàu nước ngoài khác, đã ra khơi sau chuỗi 318 ngày đầy ắp cảm xúc tại Việt Nam. Đạo diễn người Cuba José Massip, người có mặt trên boong của “El Jigüe” để quay phim tư liệu về sự kiện này, (rất tiếc tới nay những thước phim này đã bị hư hại, chưa thể phục hồi) đã mô tả lại cảnh tượng này trong nhật ký của mình như sau: “Jigüe ra khơi, bắt đầu rời Hải Phòng. Chiếc cầu cảng nhỏ dần trong những lời chúc phúc và những tiếng hô vang “Cuba muôn năm, Việt Nam muôn năm, Fidel muôn năm” của những người Cuba. Những người bạn Việt Nam, luôn ít ồn ào và hướng nội hơn, khuấy động không khí bằng những chiếc khăn tay và những cánh tay vẫy chào.

Chú thích ảnh
Trang nhật ký của cố đạo diễn José Massip, người có mặt trên “El Jigüe” khi tàu này ra khơi từ cảng Hải Phòng, ghi lại cảm xúc trước sự kiện này.  Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Trên sóng nước của dòng sông Bạch Đằng, nơi quân xâm lược Mông Cổ từng vùi xác vào thế kỷ XIII, những con tàu Cuba lướt đi và rúc còi chào nhanh những tầu bạn. Những cảnh vật bi tráng của Hải Phòng cứ trôi qua, và kia là chiếc Konrad vẫn đang phơi mình với những vết cháy và thương tích bom đạn, còn phía đuôi tàu, những cột bọt nước trắng xóa đều đặn tuôn ra từ 2 chiếc chân vịt…

Các tàu chiến cao tốc của Việt Nam, với ăng-ten giương cao thẳng đứng, đi ốp sát vào mạn tầu chúng tôi như muốn ôm trọn, chở che bằng thân tàu, bằng những bọt sóng và bằng những cánh tay của những người anh hùng gỡ bom mìn vô danh. Imías nối đuôi Jigüe và chúng tôi hướng ra Vịnh Bắc Bộ. Phía mũi tàu là những mỏm chóp xám bạc của những đảo đá giăng đầy như ma trận của Vịnh Hạ Long. Một chiếc trực thăng của Mỹ quần thảo trên không và những tàu chiến của địch nằm ở phía chân trời. Chúng tôi là những chiếc tàu đầu tiên băng qua kênh nước mới được gỡ bỏ bom mìn và ngư lôi, nơi mà có thể vẫn còn bom mìn sót lại”. 

Hành động tiên phong bất chấp rủi ro ngư lôi và bom mìn có thể còn sót lại của “El Jigüe” và “Imías” cũng được báo cáo một cách tự hào trong thông điệp thứ ba và cuối cùng của hai thủy thủ đoàn gửi Tổng tư lệnh Fidel Castro. Nhưng không chỉ có họ là những người Cuba tiên phong trong ngày 9/2/1973 lịch sử đó: những phóng viên của hãng thông tấn Prensa Latina là những phóng viên hiện trường nước ngoài đầu tiên tường thuật công tác rà phá ngư lôi, bom mìn tại cảng Hải Phòng, và con tàu thương mại “Guisa” của Cuba (cùng loại với “El Jigüe” và “Imías”) cũng là con tàu nước ngoài đầu tiền cập cảng Hải Phòng mới được thông luồng.

Vài ngày trước khi ra khơi, toàn bộ 89 thủy thủ đoàn của Cuba đã được trao tặng Huy chương Hữu nghị do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký theo đề xuất của Bộ Giao thông – Vận tải. Sau này, khi về tới Cuba, Đại biện nước ta trên đất bạn khi đó Hoàng Đình Cầu đã thay mặt Chính phủ Việt Nam trao tặng thêm Huân chương Kháng chiến hạng nhất (tập thể) và Huy chương Đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ (từng cá nhân) cho những “chiến sĩ trên tuyến đầu của tình đoàn kết Việt Nam – Cuba” này, theo như cách gọi của báo chí nước bạn khi đó. Trong khoảng thời gian “El Jigüe” và “Imías” lưu lại tại Hải Phòng, 2 nhật báo quan trọng nhất của Cuba, Granma và Juventud Rebelde, đều cử phóng viên biệt phái sang tường thuật cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và đều gặp gỡ, phỏng vấn các thành viên của “một góc Cuba tại Hải Phòng”.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Huy chương Hữu nghị và Huy chương Đoàn kết đánh thắng giặc Mỹ của một cựu thủy thủ tàu “El Jigüe”, tất cả 89 thành viên của “El Jigüe” và “Imías” đều được tặng thưởng 2 danh hiệu này. Ảnh: Lê Hà - Lê Hiền

Tấm lòng của nhân dân Cuba đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta thậm chí còn đi vào thi ca, điển hình như trong bài hát “Lòng mẹ” mà nhạc sĩ huyền thoại Silvio Rodríguez viết tặng những người mẹ Việt Nam đã mất con dưới làn bom Mỹ năm 1972, với điệp khúc: “Mẹ ơi, trong ngày của mẹ; của Mẹ Tổ quốc và Mẹ Cách mạng; Mẹ ơi, trong ngày của mẹ; các con của mẹ đang quét bom mìn tại Hải Phòng” (nhạc sĩ Silvio Rodríguez sáng tác bài hát này vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5/1972, theo truyền thống là “Ngày bà Mẹ” tại Cuba).

Chú thích ảnh
Tàu “El Jigüe” trong cảng Hải Phòng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong quá trình phỏng vấn thuyền trưởng Roberto Chang, một trong những “khó khăn” đối với các nhà báo chúng tôi chính là tính khiêm tốn của ông: ông không muốn kể về những hành động can trường của thủy thủ đoàn Cuba - một trong những yếu tố mà chúng tôi muốn khai thác nhất. Đơn cử như ông không hề kể về quyết định can đảm của 2 thủy thủ đoàn Cuba khi chấp nhận rủi ro và ra khơi tiên phong trong đoàn tàu nước ngoài rời cảng Hải Phòng, và chúng tôi chỉ có thể biết được cử chỉ đó sau khi tra cứu các nguồn tư liệu cũ.

Trong cuộc phỏng vấn thứ hai, khi câu chuyện giữa chúng tôi đã gần gũi hơn, chúng tôi có hỏi ông vì sao không nhắc tới hành động can đảm đó trong cuộc gặp đầu tiên, ông nhẹ nhàng nói: “Những hiểm nguy mà chúng tôi đương đầu có là gì so với những gì các bạn đã trải qua, tôi biết có những chiến sĩ công binh Việt Nam đã phải hi sinh để chúng tôi được ra khơi an toàn”. Đó cũng chính là câu trả lời của ông vào gần nửa thế kỷ trước với các nhà báo Cuba. Điều đó càng làm tăng sự cảm phục của chúng tôi đối với nhân vật biểu tượng của tình đoàn kết Việt Nam - Cuba ấy, vì khi tinh thần anh dũng khoác lên mình chiếc áo của sự đồng cảm và khiêm nhường, nó chỉ càng trở nên cao thượng và đẹp đẽ hơn.

Một số hình ảnh kỷ niệm của thủy thủ đoàn “El Jigüe” trong thời gian lưu lại tại cảng Hải Phòng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

  

Lê Hà - Lê Hiền (P/v TTXVN tại Cuba)