04:22 06/04/2021

Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa Hải Dương góp sức chống dịch

Trong nhiều tháng qua, đội ngũ các văn nghệ sĩ ở Hải Dương bằng những cách riêng, đã lặng lẽ góp sức mình, tích cực đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu vì mục tiêu chiến thắng dịch COVID-19.

Tập luyện ngày đêm

Chú thích ảnh
Các nghệ sỹ nhà hát chèo ghi hình tác phẩm “Yêu thương ngày giãn cách”.

Với các văn nghệ sĩ Hải Dương, nghệ sĩ Nhà hát chèo Hải Dương và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh có lẽ 3 tháng đầu năm 2021 là một giai đoạn vô cùng đáng nhớ trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật. Đó là những ngày các nghệ sĩ đã dồn mọi tâm sức cho việc sáng tác, tập luyện và dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật với các nội dung tuyên truyền cổ vũ tinh thần các lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần nâng cao ý thức phòng chống dịch trong nhân dân.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát chèo Hải Dương, từ khi xảy ra dịch COVID-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và trực tiếp là lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Nhà hát chèo đã dựng được 7 tác phẩm gồm kịch truyền thanh, bài hát chèo và hoạt cảnh chèo chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng. Các tác phẩm sau khi hoàn thiện đã kịp thời phát thanh, phát sóng trên đài truyền hình để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch.

Để đáp ứng tính cấp bách của nhiệm vụ tuyên truyền, anh em văn nghệ sĩ đã làm việc với tinh thần và sự quyết tâm cao nhất để vừa rút ngắn thời gian tập vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Có những vở kịch nếu trong điều kiện bình thường phải dựng trong nửa tháng mới xong thì trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, thời gian tập rút ngắn chỉ còn 5 ngày và 2 ngày dành để thu thanh.

"Còn nhớ khi dựng vở "Yêu thương ngày giãn cách", hơn 30 nghệ sĩ miệt mài tập ngày tập đêm, đến đêm 17/3, lúc tổng duyệt xong, lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉnh sửa và bổ sung nội dung, chúng tôi đã làm việc tới 2 giờ sáng để kịp cho ngày ghi hình hôm sau và phát sóng đúng vào ngày 18/3", nghệ sĩ Bùi Quang Toàn cho biết.

Làm việc tăng cường độ, chạy đua với thời gian cũng là tinh thần của các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: "Chuyện làm việc tới 12 tiếng đồng hồ là điều bình thường với các nghệ sĩ để kịp đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền. Có tác phẩm kịch nói dung lượng 15 - 25 phút, bình thường phải tập 1 tuần thì nay rút lại trong 2 ngày. Nhiều khi để sáng hôm sau có tác phẩm tuyên truyền thì suốt đêm hôm trước, nghệ sĩ phải tập và hoàn thiện. Bộ phận hòa âm, phối khí, diễn viên làm việc bất kể giờ giấc".

Trong đợt dịch vừa qua, hoạt động biểu diễn tạm dừng nhưng Trung tâm vẫn tất bật với nhiều nhiệm vụ: thực hiện chỉ đạo kêu gọi các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm với chủ đề phòng, chống dịch COVID-19; huy động lực lượng để thu thanh, ghi hình; tuyên truyền trực quan qua hệ thống pano và các bảng điện tử ở những nơi công cộng; tuyên truyền lưu động về từng huyện, thị xã, thành phố…

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là giai đoạn tỉnh Hải Dương thực hiện quy định giãn cách xã hội, việc tập luyện của các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. "Trong 7 tác phẩm thì có tới 6 tác phẩm đều được các nghệ sĩ hầu như tự tập tại nhà và chỉ có 1 ngày tập trung để hoàn thiện sản phẩm. Việc tập luyện tại nhà cũng khiến nghệ sĩ khó có thể trau chuốt tác phẩm. Điều động viên rất lớn đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi là đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo tỉnh. Đây chính là động lực để các nghệ sĩ có thêm động lực, tinh thần hăng say, làm việc với quyết tâm cao nhất", Giám đốc Nhà hát chèo Hải Dương bộc bạch.

Đa dạng nhiều mặt trận

Chú thích ảnh
Xe tuyên truyền lưu động tại huyện Kim Thành.

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 3, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã tích cực quán triệt, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai thực hiện phòng, chống dịch. Đặc biệt, Sở đã phát động rộng rãi trong toàn ngành sáng tác tranh cổ động, tiểu phẩm, kịch ngắn với chủ đề phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng gấp rút triển khai biên soạn, thu thanh, ghi hình và phổ biến các tác phẩm tới toàn dân.

Chỉ tính trong khoảng 1 tháng (29/1 - 26/2), đợt vận động đã nhận được 2 tác phẩm kịch truyền hình, 5 kịch truyền thanh, 7 tác phẩm ca nhạc truyền hình, 3 tác phẩm hát chèo, 3 tác phẩm tranh cổ động về Hải Dương, 10 nội dung khẩu hiệu tuyên truyền, 3 bài truyền thanh, 8 mẫu tranh hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, trên 50 bài thơ do các tác giả thuộc các huyện, thị xã, thành phố và người Hải Dương sáng tác. 

Bên cạnh đó, ngành văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương cũng đã triển khai tuyên truyền phòng chống dịch trên bảng điện tử, treo pano, áp phích, băng rôn, tuyên truyền lưu động… Cụ thể, đã tuyên truyền trên 800 băng rôn khẩu hiệu phòng chống dịch trên toàn tỉnh, riêng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tuyên truyền 50 băng rôn tại thành phố Hải Dương. Các đơn vị cũng đã treo 350 tấm pano và 180 áp phích cổ động; bố trí xe ô tô lưu động có loa phóng thanh và xe máy gắn loa tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh nhiều lượt/ngày.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, song song với việc phát động sáng tác, dàn dựng và phổ biến tác phẩm để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đặt hàng các nghệ sĩ  sáng tác các tác phẩm sâu. Đợt vận động sáng tác đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của văn nghệ sĩ ngoài tỉnh. Các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật duyệt, chọn lọc kịp thời sau đó triển khai hoàn thiện và phát hành nhanh nhất.

Để đáp ứng tính khẩn trương của yêu cầu tuyên truyền phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", một nhóm Zalo riêng khối Trung tâm văn hóa của các huyện, thị xã, thành phố được Sở thành lập để triển khai các nhiệm vụ nhanh và hiệu quả nhất. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, triển khai phát sóng thường xuyên các tác phẩm qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

Có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở cuộc sống và bức tranh sinh động về phòng, chống dịch của Hải Dương đã tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, cổ vũ tinh thần cho các lực lượng chống dịch của tuyến đầu. Cùng các kênh thông tin truyền thống, mạng xã hội tiếp tục là kênh hiệu quả để những tác phẩm này được truyền tải sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp và quyết tâm của Hải Dương trong cuộc chiến chống COVID-19.

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)