11:14 01/11/2014

Những chiến đấu cơ tốt nhất mọi thời đại của Mỹ-Kỳ cuối

Điều gì xảy ra với máy bay tàng hình mới nhất của Mỹ: F-22 và F-35? Lịch sử chiến đấu của F-22 chỉ được giới hạn trong một nhiệm vụ tấn công ngắn gần đây nhằm vào IS ở Syria, trong khi F-35 được đưa vào danh sách những chiến đấu cơ tốt nhất mọi thời đại của Mỹ thì phép lạ phải xuất hiện.

Những phẩm chất nào biến một chiến đấu cơ trở thành vĩ đại: Tốc độ hay khả năng cơ động? Trang bị vũ khí hay khả năng chịu đựng? Bắn hạ được bao nhiêu máy bay chiến đấu của đối phương hay có khả năng tránh được bị đối phương bắn hạ?

F-86 Sabre

Chiến tranh Triều Tiên sẽ diễn ra thế nào nếu Liên Hiệp Quốc mất quyền kiểm soát trên không? Thật khó để có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. Lực lượng bộ binh của Liên Hợp Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với các binh sĩ của Triều Tiên và Trung Quốc, cho dù họ có sự hỗ trợ từ trên không.

F-86 Sabre.


Sự ra đời của máy bay MiG-15 do Liên Xô chế tạo là một cú sốc đối với các phi công Liên Hợp Quốc lái bay phản lực F-84, hoặc máy bay cánh quạt trong Chiến tranh thế giới thứ II như P-51 Mustang. Những máy bay ném bom Mighty B-29 Superfortress, thậm chí được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu hạng nặng, cũng dễ dàng bị MiG-15 bắn hạ và buộc nó phải chuyển sang hoạt động ném bom vào ban đêm để tồn tại. 

May mắn thay, Mỹ có F-86 Sabre. Cuộc đối đầu trên không giữa MiG-15 và F-86 Sabre đã chính thức đưa thế giới bước vào kỷ nguyên của chiến tranh bằng máy bay phản lực. Đó là cuộc đấu đầy hấp dẫn của hai loại máy bay khác nhau nhưng có khả năng đặc biệt. MiG-15 có trọng lượng nhẹ hơn nên có thể bay vượt lên trên Sabre; khả năng tăng tốc và bay cao hơn, cũng như được trang bị pháo có ở lực mạnh hơn. Trong khi đó, Sabre có thể bổ nhào nhanh hơn, ổn định hơn khi cơ động trong không chiến và có ống ngắm của súng bằng radar. 

Sau cuộc chiến, cả hai bên đều tuyên bố là đã bắn hạ nhiều máy bay của đối phương; Mỹ tuyên bố rằng tỉ lệ là 10:1 với lợi thế nghiêng về F-86, nhưng một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một sự thật là tỉ lệ gần như là 1:1. Dù vậy, những chiếc Sabre đã góp phần tạo thế cân bằng cục diện trên không và có lẽ là đã góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh Triều Tiên leo thang thành Chiến tranh Thế giới thứ 3. 

F-4 Phantom 

Chiến đấu cơ F-4 đã không có một sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Nó bắt đầu “cuộc sống” như một nỗ lực sai lầm của Lầu Năm Góc nhằm biến một máy bay đánh chặn trên tàu sân bay của Hải quân thành một máy bay chiến đấu phục vụ được trong tất cả các quân, binh chủng. Hiện Lầu Năm Góc vẫn chưa rút ra được bài học cho mình, đang biến chiến đấu cơ đa năng F-35 ban đầu là một máy bay tấn công của Thủy quân lục chiến, trở thành một máy bay chiến đấu đa quân, binh chủng và đa quốc gia. 

F-4 Phantom.


F-4 cũng được thiết kế với một triết lý mù quáng. Cũng giống như F-22 và F-35, được thiết kế trên nền tảng rằng tàng hình là tất cả, Phantom được thiết kế với dự đoán: các cuộc không chiến trong những năm 1960 sẽ là cuộc đấu tay đôi giữa các tên lửa tầm xa, nơi mà các đối thủ không bao giờ nhìn thấy nhau. Vậy tại sao một máy bay chiến đấu vẫn cần một khẩu pháo không đối không và khả năng không chiến? Thật không may, những quy định hạn chế của chiến tranh, cũng như những hạn chế kỹ thuật của tên lửa dẫn đường bằng radar Sparrow, Phantom đã phải tham chiến ở cự ly gần đối với các đối thủ khác. 

Tưởng rằng, F-4 sẽ là một thảm họa, nhưng điều đáng ngạc nhiên là nó đã hoạt động hiệu quả. Mặc dù kiểu dáng của nó không đẹp bằng các máy bay chiến đấu tốt nhất trước đó, nhưng F-4 có hỏa lực mạnh, chắc chắn và linh hoạt. F-4 Phantom đã phục vụ trong quân đội Mỹ trong rất nhiều cuộc xung đột trên thế giới, với vai trò ném bom, chiến đấu và trinh sát. Đối với phương Tây và các đồng minh của Mỹ, Phantom là máy bay chiến đấu chủ lực đối với rất nhiều nước thời Chiến tranh Lạnh. 

F-15 Eagle 

F-15 là một hình mẫu lý tưởng về thiết kế máy bay chiến đấu của Mỹ giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh và là một minh chứng về những gì mà Mỹ có thể đạt được khi đặt hết tâm trí của mình để phát triển một máy bay chiến đấu thực thụ. Đây là một kiểu máy bay tiêm kích chiến thuật 2 động cơ phản lực hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không trong chiến đấu.  

Máy bay tiêm kích này cũng vượt qua được những giới hạn tầm gần của Phantom trong khi vẫn duy trì được ưu thế trên không tầm xa. Tỷ lệ đẩy trên trọng lượng lớn cho phép nó quay vòng hẹp mà không mất tốc độ. F-15 có thể bay lên tới độ cao10km trong khoảng 60 giây. Các hệ thống vũ khí và điều khiển bay được thiết kế để chỉ cần một người có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu trên không.

F-15 Eagle.


Eagle được trang bị tổng hợp 4 loại tên lửa không đối không khác nhau: tên lửa AIM-7F/M Sparrow hay AIM-120 AMRAAM các tên lửa không đối không tầm trung hiện đại ở góc thấp dưới thân, tên lửa AIM-9L/M Sidewinder hay tên lửa AIM-120 trên hai mấu cứng dưới cánh, một pháo Gatling 20 mm cạnh gốc cánh. Tới năm 2005, F-15 thuộc mọi lực lượng không quân đã có thành tích tiêu diệt 104 máy bay trong các trận không chiến (được tuyên bố bởi các bên sử dụng nó). F-15 Eagle dự kiến sẽ phục vụ quân đội Mỹ cho đến hết năm 2025. 

Vậy điều gì sẽ xảy ra với những chiếc máy bay tàng hình mới nhất của Mỹ: F-22 và F-35? Lịch sử chiến đấu của F-22 chỉ được giới hạn trong một nhiệm vụ tấn công chớp nhoáng gần đây nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, trong khi một số người cho rằng nếu F-35 được đưa vào danh sách những máy bay chiến đấu tốt nhất mọi thời đại của Mỹ thì phép lạ phải xuất hiện. Sự thật là chúng ta sẽ không thể biết liệu thế hệ chiến đấu cơ mới nhất của Mỹ trở nên “vĩ đại” hay không cho đến khi chúng thực sự đã được thử nghiệm trong chiến đấu.


Công Thuận (Theo N.I)