02:08 14/02/2021

Những ‘chiến binh Thông tấn’ quên mình trong bão lũ, dịch bệnh

Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra và khi miền Trung hứng chịu thiên tai nặng nề, cũng là những ngày tháng các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam lăn xả vào hiện trường, đối mặt với hiểm nguy, thậm chí có những giây phút cận kề sinh tử.

Chú thích ảnh
Phóng viên Thanh Thuỷ tác nghiệp tại vùng rốn lũ huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: NVCC.

Kiên cường đối mặt hiểm nguy

Suốt những ngày mưa lũ liên tiếp trong tháng 10 và 11 năm 2020 của Quảng Trị là những ngày căng sức không nghỉ, trực làm tin 24/24 giờ của phóng viên Thanh Thuỷ (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN tại Quảng Trị). Từ đầu mùa mưa bão, phóng viên Thanh Thuỷ đã luôn có mặt tại hiện trường để thông tin về vụ cứu hộ cứu nạn 13 thuyền viên tàu Vietship 01 được cả nước quan tâm, có mặt đưa tin tại các vùng rốn lũ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), các cơn bão số 9, 13…

Nhớ lại những ngày lao vào rốn lũ làm thông tin bất kể ngày đêm, phóng viên Thanh Thuỷ vẫn còn “toát mồ hôi”. Dù đã 9 năm được phân công theo dõi, làm tuyến thông tin mưa lũ nhưng với phóng viên Thanh Thuỷ, năm 2020 thực sự là năm vất vả nhất khi có lúc phóng viên gần như kiệt sức.

“Từ đầu tháng 10/2020, ngay khi vừa bắt đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ thai sản, tôi đã phải lao ngay vào công việc vì vừa đúng lúc thiên tai ập đến với miền Trung. Không tự cho mình có sự ưu tiên nào vì đây là công việc và không thể làm ngơ khi chính quê hương mình đang phải gánh chịu những thiệt hại, mất mát quá lớn, chồng công tác xa nên tôi phải nhờ bà ngoại từ quê lên trông con để tập trung cho công việc. Những ngày đi vào rốn lũ, tâm bão để làm thông tin cũng là những ngày phải xa con, đi sớm về khuya, trong lòng tôi lúc ấy như lửa đốt”, phóng viên Thanh Thuỷ chia sẻ.

Đến giờ, phóng viên Thanh Thuỷ vẫn còn nhớ như in từng chi tiết diễn ra trong những ngày mưa lũ lịch sử ấy để có được những dòng tin, những đoạn phóng sự hình sinh động nhất, nhanh nhất.

“Đêm 18 rạng sáng ngày 19/10, khi nước lũ dâng nhanh, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, những dòng kêu cứu ngập tràn mạng xã hội khiến không chỉ riêng tôi mà mọi người đều xót xa, quặn thắt. Sau cuộc họp khẩn lúc 2 giờ sáng ngày 19/10 của UBND tỉnh, 5 giờ sáng, chúng tôi theo đoàn công tác vào xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 hy sinh. Chuyến đi “bão táp” ấy chúng tôi thực sự đã trải qua những giây phút sinh tử cận kề khi chính đoàn của mình cũng gặp nạn”, phóng viên Thanh Thuỷ kể.

Khi ấy, phóng viên Thanh Thủy theo chân một số cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng trong nhóm tiếp ứng đầu tiên để đi bộ vào điểm sạt lở. Đi trong đất đá, bùn non, cây cối ngã đổ ngổn ngang, cả đoàn phải men theo rìa núi để đi.

“Đi qua điểm sạt lở đầu tiên, nhận thấy địa điểm này có nguy cơ sẽ bị lũ quét cả đoàn quyết định quay lại. Tuy nhiên, khi vừa thoát khỏi điểm sạt lở trên thì chúng tôi gặp một đoàn khoảng 50 người gồm: các cán bộ công binh, người nhà nạn nhân, một số đồng nghiệp… vào hiện trường nên tôi quyết định tiếp tục đi theo đoàn. Phải mang nhiều đồ đạc như: máy quay, chân máy, máy tính… quá đuối sức nên tôi đi cuối cùng đoàn. Lúc này, bỗng nhiên có một người địa phương vỗ vai tôi, chỉ lên núi và nói : “Lũ xuống”. Quá hoảng sợ, tôi đã dùng hết sức hét lớn để gọi cả đoàn ở phía trước quay lại. Chỉ khoảng 15 giây sau, nước và đất đá ở trên núi đổ xuống như bom dội ầm ầm ngay trước mặt chúng tôi. Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ tôi cảm giác được sự sống mong manh như lúc đó”, phóng viên Thanh Thuỷ vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại.

Ngay khi an toàn, kịp định thần lại, phóng viên Thanh Thuỷ đã khẩn trương lấy máy móc, trang thiết bị để tác nghiệp nhằm đưa nhanh thông tin kịp thời diễn biến vụ việc. Với những nỗ lực của mình, cô phóng viên trẻ của đoàn đã kịp thời nắm bắt thông tin truyền về đơn vị để cơ quan nhanh chóng đăng tải về quá trình triển khai lực lượng tìm kiếm thi thể của 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337. Bên cạnh việc đưa tin, Thanh Thuỷ cũng như các phóng viên khác trong cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng để kêu gọi, vận động nhằm hỗ trợ các suất quà tới tay người dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Phóng viên Võ Dung theo chân đoàn cứu hộ, cứu nạn vào vùng lũ tại xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

Cũng trong những ngày miền Trung bị thiên tai đổ bộ, phóng viên trẻ Võ Dung (Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Bình) cũng phải vượt bao khó khăn, hiểm nguy để đảm bảo thông tin được thông suốt.

Vất vả hơn các phóng viên nữ khác khi con còn nhỏ, chồng là bộ đội biên phòng, cũng phải xông pha đi giúp dân trong mưa lũ, phóng viên Võ Dung đã phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

Trận lũ xảy ra giữa tháng 10 tại Quảng Bình với ba đợt liên tục khiến người dân nơi đây không kịp chống đỡ trước cơn đại hồng thuỷ đạt đỉnh kỷ lục. Mọi thứ bị tê liệt và đảo lộn hoàn toàn. Nhưng những khó khăn ấy không làm cắt đứt mạch thông tin từ hiện trường khi phóng viên Võ Dung cùng các anh em phóng viên tại địa phương vẫn băng mình vào những nơi “nóng” nhất để có được những dòng tin, những góc quay nóng hổi, chân thực nhất từ hiện trường.

Có những khi sóng điện thoại lúc được, lúc mất, phóng viên Võ Dung chỉ chớp nhoáng liên lạc được với chồng qua điện thoại, vợ chồng chỉ kịp dặn dò nhau giữ an toàn khi làm nhiệm vụ, động viên nhau cố gắng vượt qua. Trong lúc đó, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã ngập cục bộ mọi ngả đường, mất điện, mọi sinh hoạt và các thông tin liên lạc rất khó khăn. Trong nhà phóng viên Võ Dung, nước cũng ngập lưng chừng nhà.

“Nhiều năm liền tác nghiệp trong bão lũ, thấm cảnh khổ cực của nhân dân nơi rốn lũ, chúng tôi luôn cố gắng để truyền tải thông tin đến độc giả kịp thời nhất, để san sẻ bớt những nhọc nhằn, khó khăn của bà con. Tất cả thôi thúc chúng tôi nhanh chóng lên đường mà không đắn đo, suy nghĩ nhiều về sự an toàn cho bản thân dù đã tự phòng hộ tốt nhất có thể”, phóng viên Võ Dung chia sẻ.

Chú thích ảnh
Phóng viên Dương Giang làm nhiệm vụ đưa tin ảnh đón công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về nước tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NVCC.

Xông pha vào tâm dịch

Tròn 1 năm qua, dịch COVID-19 thực sự làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây ra những hậu quả rất lớn. Các phóng viên cũng là những người vất vả đồng hành cùng cán bộ y tế và các lực lượng chức năng trong phản ánh thông tin, phòng chống dịch bệnh.

Phóng viên Dương Giang (Ban Biên tập Ảnh, TTXVN) không thể nào quên được lần đầu tiên đối mặt với dịch COVID-19 khi tham gia cùng nhóm công tác của TTXVN làm nhiệm vụ đưa tin đón công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về nước tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 10/2/2020.

“Lần đầu tiếp xúc gần với nguy cơ dịch bệnh trong khi chưa biết nhiều về loại virus này, chúng tôi không khỏi căng thẳng. Anh em phóng viên lúc đó tuy sẵn sàng nhận nhiệm vụ và đều đã hình dung được những gì sẽ xảy ra. Các phương án đưa đoàn công dân Việt Nam, phi hành đoàn cũng như các nhân viên y tế từ máy bay xuống, các biện pháp tiêu tẩy, khử trùng, cách ly đảm bảo an toàn đều đã được dự liệu trước. Đêm ấy, khi nhận được thông báo 3 giờ sáng máy bay mới hạ cánh, anh em phóng viên và đoàn công tác tranh thủ nghỉ ngơi, giữ sức nhưng không ai chợp mắt nổi, những câu chuyện về công tác phòng dịch, phương án của đoàn công tác đã cuốn chúng tôi thức trắng đêm”, phóng viên Dương Giang nhớ lại.

Để đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về phòng chống dịch, đoàn công tác đã cấp cho các phóng viên bộ bảo hộ chuyên dụng, với khẩu trang, găng tay cao su, ủng, kính… Nhân viên y tế tại hiện trường cũng hướng dẫn rất cẩn thận, liên tục nhắc nhở các biện pháp phòng dịch giúp phóng viên yên tâm tác nghiệp. Lần đầu tác nghiệp trong bộ bảo hộ kín mít với phóng viên Dương Giang cảm giác không hề dễ chịu nhưng vẫn phải cố gắng hết mình để di chuyển nhanh, thao tác chuẩn. Anh kể: “Sau thời gian chờ đợi trong thấp thỏm, hơn 5 giờ sáng 10/2/2020, máy bay mang số hiệu HVN 68 của Vietnam Airlines chở 48 người gồm 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán và 15 người trong phi hành đoàn cùng ba nhân viên y tế đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Từ xa, qua ống kính, chúng tôi thấy được sự chu đáo và cẩn thận của những người làm nhiệm vụ và cũng thấy được niềm vui, sự phấn khởi của các công dân qua ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ khi về đến Việt Nam mà ấm lòng. Chiếc xe buýt của cảng vụ đưa đoàn người tiến về khu vực kiểm tra và khử trùng. Mọi hoạt động từ khi máy bay hạ cánh đến lúc tất cả cùng rời đi, những khoảnh khắc ấy đều được phóng viên bám sát, ghi lại để phát kịp thời”.

Phóng viên Dương Giang cùng đoàn phóng viên gần như là những người cuối cùng rời khỏi hiện trường. Chỉ ít phút sau khi đến khu vực an toàn, cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ anh vội lao ngay vào việc, xử lý gửi những hình ảnh, thước phim vừa tác nghiệp về cơ quan để kịp thời phát. Xong xuôi, anh em trong đoàn phóng viên Thông tấn lại lo tẩy trùng, diệt khuẩn cho nhau từ trên xe đến khi về phòng nghỉ. Mọi lo lắng dần tan biến sau khi tất cả hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó, trong những đợt dịch COVID-19 bùng phát, phóng viên Dương Giang lại tiếp tục dấn thân vào các điểm nóng đưa tin dịch bệnh tại các ổ dịch ở phường Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, theo chân đoàn Binh chủng Hoá học phun khử khuẩn và vào khu cách ly tại Trung đoàn 58… Mỗi lần vào nơi nguy cơ và trở về an toàn với phóng viên Dương Giang là một lần có thêm kinh nghiệm tác nghiệp trong dịch bệnh. Khó khăn, nguy cơ lây nhiễm cận kề nhưng với tinh thần sẵn sàng xả thân, mọi nhiệm vụ đều hoàn thành.

Chú thích ảnh
Phóng viên Võ Văn Dũng tác nghiệp về phun khử trùng tại nơi cư trú của bệnh nhân COVID-19 số 418 tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Trong muôn ngàn lo lắng, sợ hãi ở nơi ổ dịch lớn nhất cả nước, với phóng viên trẻ của TTXVN Võ Văn Dũng, khi dịch COVID-19 bùng phát, Đà Nẵng đã sống những ngày khủng khiếp nhất khi liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca bệnh, nhiều ca tử vong nhất cả nước.

Suốt trong hai tháng trời Đà Đẵng chiến đấu với dịch COVID-19 cũng là những ngày phóng viên Võ Văn Dũng cùng các phóng viên quên ăn, quên ngủ, lăn lộn, trực chiến làm thông tin ở những điểm nóng nhất của dịch, bất kể ngày đêm. Cũng trong khoảng thời gian hai tháng cao điểm của dịch COVID-19, phóng viên Võ Văn Dũng đã thực hiện cả trăm tin, bài, nhóm ảnh phản ánh mọi mặt cuộc chiến cam go ấy.

“Lúc đó, với chúng tôi, những đêm thức trắng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, tại sân bay chờ đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về đã trở nên quá quen thuộc. Trong lần thực hiện phóng sự ảnh “Xuyên đêm làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19”, tôi đã làm loạt ảnh tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố Đà Nẵng vào ban ngày, nhưng vẫn cảm thấy chưa đầy đủ nên quyết định ở lại xuyên đêm vì ban đêm chính là quãng thời gian lực lượng chức năng căng thẳng nhất, do phải kiểm soát hàng ngàn chuyến xe khách, xe tải Bắc - Nam đi qua thành phố. Từ ý nghĩ đó, tôi liên hệ với Cảnh sát giao thông để tham gia tác nghiệp tại chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Hòa Vang, nơi có nhiều xe khách qua lại. Công việc lúc này rất căng thẳng và dồn dập, hết xe này đến xe khác, không có lúc nghỉ tay. Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ, cán bộ y tế đo thân nhiệt và hỏi thăm từng hành khách, dân phòng gìn giữ trật tự, phóng viên cũng phải tác nghiệp thật nhanh, thật chuẩn để không làm ảnh hưởng đến công việc của lực lượng chức năng và đảm bảo an toàn cho bản thân. Mải miết đến rạng sáng, các phóng viên được lực lượng trực tại chốt mời ăn mì tôm sống để lót dạ vì không có nước sôi”.

Phóng sự ảnh đó của phóng viên Võ Văn Dũng với những khoảnh khắc chân thực, đầy cảm xúc về công việc của lực lượng chức năng Đà Nẵng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân sau đó có sức lan toả rộng, được nhiều báo sử dụng. Ghi nhận những nỗ lực đó, các phóng viên phải xả thân trong mưa lũ, dịch bệnh như Thanh Thuỷ, Võ Dung, Dương Giang, Võ Văn Dũng đã vinh dự được Tổng giám đốc TTXVN tặng Bằng khen. Với họ đây là niềm vui bất ngờ, là sự ghi nhận những cố gắng, tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Khi được hỏi có sợ nguy hiểm, dịch bệnh không, các phóng viên đều công nhận là có, nhưng với họ nỗi lo sợ không lớn bằng trách nhiệm, đam mê công việc, và những ngày làm thông tin bão lũ, dịch bệnh vừa qua cũng là đợt tác nghiệp hiếm hoi trong đời phóng viên của họ. Dịp Tết cũng là thời gian nguy cơ bùng phát dịch cao khi nhu cầu giao lưu buôn bán, đi lại giữa lại giữa các địa phương lớn, nhất là khó khăn quản lý người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Trong bối cảnh đó, với những kinh nghiệm tác nghiệp đã có sẵn, các phóng viên cũng đã sẵn sàng “lên dây cót”, chuẩn bị “lao ra trận” ngay khi cần.

Với các phóng viên báo Tin tức, những ngày làm thông tin về dịch bệnh COVID-19 chính là những ngày tinh thần làm việc lên cao nhất. Trong các đợt dịch bùng phát, các phóng viên làm việc hết công suất, thậm chí quên cả ăn, ngủ chỉ mong có được những dòng tin nhanh nhất để cảnh báo tới người dân, đưa được những hình ảnh nóng nhất từ nơi tâm dịch. Các phóng viên được phân công theo dõi mảng thông tin y tế như Tạ Nguyên, Đan Phương…, ngoài trực những cuộc họp đột xuất, những thông tin nóng từ ngành y tế bất kể ngày, đêm, còn luôn phải có mặt tại các điểm “nóng” như các bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Biết là khó khăn, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng khi đã vào nhiệm vụ thì họ luôn trong tâm thế sẵn sàng “chiến đấu” để có được những hình ảnh, bài viết lay động, hữu ích. Hai phóng viên ảnh Trung Nguyên, Lê Phú cũng trực tiếp vào ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội, ổ dịch ở phường Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội)... Để ghi nhận từ khoảnh khắc phong toả khu vực có dịch đến những ngày lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, đưa được những chùm ảnh, phóng sự, clip chân thực về các ổ dịch của hà nội trong những ngày bị phong toả. Trong những ngày “lịch sử” ấy, các phóng viên đã như sống cùng người dân nơi tâm dịch.
Tạ Nguyên/báo Tin tức