02:17 12/02/2021

Những 'chiến binh áo trắng' truy vết ca bệnh xuyên đêm giao thừa

Đêm giao thừa, các chiến sĩ trên mặt trận “truy vết” vẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không bỏ sót ca bệnh COVID-19, để bảo vệ sức khỏe và sự bình yên cho người dân.

Chú thích ảnh
Cán bộ điều tra dịch tễ phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" không bỏ sót ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: BYT

Không có giao thừa

Ngày Tết, khi người người, nhà nhà tất bật để chuẩn bị Tết thì những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch COVID-19 vẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để điều tra dịch tễ, truy vết ca bệnh. Công tác lấy mẫu, xét nghiệm vẫn được thực hiện xuyên đêm; lực lượng điều trị, cách ly vẫn chưa từng ngơi nghỉ bởi cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa dừng lại.

Tại Hà Nội, trong kỳ nghỉ Tết, hơn 10.000 đội phòng chống dịch COVID-19 đã xuống tận từng cụm dân cư với quyết tâm cao độ thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt người có triệu chứng, rà soát người đi từ vùng dịch về nhưng không khai báo, phát hiện kịp thời những người nhập cảnh trái phép...

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổ phó Tổ thông tin phản ứng nhanh phòng chống COVID-19 chia sẻ: “Trong thời gian nghỉ Tết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội khi cần hỗ trợ, chỉ gọi điện hoặc báo lên nhóm sẽ được hỗ trợ và xử lý ngay lập tức”.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong dịp Tết, các nhân viên tuyến đầu chống dịch vẫn khẩn trương với công việc của mình. Các bản tin, thông báo truy vết liên tục được theo dõi và cập nhật. Nhân viên y tế, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh vẫn túc trực ngày đêm kể cả trong đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết.

Hơn 30 cán bộ thuộc 3 đội phản ứng nhanh của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh có nghiệp vụ và kinh nghiệm sẵn sàng chi viện 24/24, hỗ trợ chuyên môn, trực tiếp thực hiện công tác điều tra dịch tễ khi TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương trong khu vực có nhu cầu.

Các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch đã gác lại niềm vui riêng với gia đình để mang sự yên bình cho người dân trọn vẹn niềm tin, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Truy vết thần tốc, rà soát đến cùng

Quá trình truy vết ca bệnh được dựa trên việc khai thác thông tin lịch trình di chuyển, sinh hoạt tiếp xúc của ca nhiễm, nghi nhiễm (ca chỉ điểm), để từ đó với sự huy động của toàn bộ các nguồn lực từ truy xuất hệ thống camera, điều tra dịch tễ, các mối quan hệ gia đình, người thân, người quen… nhằm đảm bảo không bỏ sót các yếu tố dịch tễ. Từ đó phân loại các nhóm đối tượng và yếu tố liên quan để có thể phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm hiệu quả, nhanh chóng.

Việc truy vết bênh nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ngăn chặn quá trình lây lan của dịch bệnh, hạn chế sự phát tán ra cộng đồng bảo vệ sự an toàn cho nhân dân trước nguy cơ dịch bệnh.

Ths.Bs Lương Chấn Quang, Phụ trách Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thần tốc truy vết, không bỏ sót bất cứ đối tượng nguy cơ nào là những yêu cầu quan trọng của công tác chống dịch. Để làm được điều đó là sự nỗ lực, quyết tâm không nhỏ của các đơn vị, các tổ truy vết… để ghi nhận thông tin về ca nhiễm, nghi nhiễm”.

Vì vậy, các lực lượng truy vết luôn túc trực sẵn sàng với nhiều kịch bản và phương án khác nhau với sự phối hợp, phân công nguồn lực từ nhiều đơn vị, nhiều cấp… luôn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến trong thực tế.

"Chẳng hạn trường hợp tại Bình Dương, việc chia đội truy vết theo từng địa bàn nhỏ đã điều tra được các trường hợp F1. Tiếp đó các đội truy vết thực hiện truy vết đối với các trường hợp F2 để sẵn sàng có những phương án ứng phó với dịch bệnh. Một số trường hợp có lịch sử tiếp xúc phức tạp đã được truy vết trong đêm với sự phối hợp của nhiều đội truy vết nhiều địa phương", Ths.Bs Lương Chấn Quang chia sẻ.

Trong tình hình hiện nay, việc điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có quan hệ với ca bệnh được truy vết nhờ chỉ điểm. Tuy nhiên, việc điều tra dịch tễ không chỉ dừng lại ở đó mà còn được điều tra nguồn gốc, căn nguyên để ghép nên bức tranh tổng thể của ca bệnh.

“Trên thực tế, nhiều trường hợp khi thực hiện điều tra đã xác định ca chỉ điểm (F0 theo đánh giá ban đầu) là ca F1 của một ca nhiễm không triệu chứng, từ đó phải tiếp tục điều tra mở rộng với các trường hợp tiếp xúc gần, có quan hệ với ca nhiễm không triệu chứng giúp việc rà soát toàn bộ các trường hợp nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”, Ths.Bs Lương Chấn Quang chia sẻ thêm về các hoạt động điều tra dịch tễ.

Khôi Nguyễn (Bộ Y tế)