09:08 13/09/2016

Những chân dung, những phận người trong "Đã gặp, khó quên"

Cuốn sách "Đã gặp, khó quên" gồm 40 bài viết chân dung và đối thoại. 40 bài viết, 40 phận người với những dữ liệu thông tin ngồn ngộn và những chi tiết dung dị, đằm thắm.

Có lẽ, cũng bởi chất riêng có như vậy, nên trong cuốn sách thứ 2 của mình vừa phát hành, nhà báo Nguyễn Tri Thức vẫn nặng lòng với tên gọi "Đã gặp, khó quên".

Bìa cuốn sách "Đã gặp, khó quên".

Cuốn sách gồm 217 trang của Nguyễn Tri Thức gồm nhiều chân dung làm trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Nói cách khác, cuốn sách như một xã hội thu nhỏ. Ở đó, ta có thể bắt gặp một nhà báo lão thành với câu châm ngôn "làm báo phải biết thương cái tên của mình"; một danh hài đau đáu với buồn vui trái bóng, một giáo sư- viện sĩ đau đấu công nghệ y học Nano hay người cựu chiến binh thầm lặng "thắp sáng đường quê"...


Nhiều nhân vật trong cuốn sách là nhân vật tầm cỡ, được xã hội ghi nhận. Nhiều nhân vật khác "nhỏ bé" hơn về "thương hiệu" song lại thầm lặng làm nhiều việc tử tế cho đời. Và, trên trang sách, họ bình đẳng. 40 thân phận, 40 nỗi niềm, 40 câu chuyện được kể bằng cái nhìn từ tâm và trung hậu.


Nhà báo Tri Thức cho hay: "Mỗi nhân vật có một cuộc đời, số phận, hoàn cảnh, công việc riêng. Sung sướng, vất vả, thác ghềnh, trăn trở, đớn đau... khác nhau. Gặp được họ đã là mừng. Viết về họ, là những phác thảo khó quên".


Một điều lạ nữa, những nhân vật trong "Đã gặp, khó quên" được thể hiện khá linh hoạt. Đôi khi, họ được dựng lên bằng hằng hà sa số những chi tiết li ti. Lúc khác, nhân vật lại được phác bằng những câu hỏi phỏng vấn sắc lạnh, ít tính từ và ít thưa gửi.


Lý giải về điều này, nhà báo Tri Thức chia sẻ: Thi thoảng, đứng lớp, trả lời phỏng vấn sâu của sinh viên, học viên quanh chuyện viết bài chân dung, tôi cũng nói được những kinh nghiệm ít ỏi của mình. Rằng, viết về nhân vật không khó nhưng dễ theo lối mòn, nhàm chán.


Anh chia sẻ thêm về việc chú trọng "tiểu tiết": Tôi vẫn nhớ như in lý do, căn nguyên, bối cảnh những cuộc gặp gỡ với nhân vật của tôi trong các bài báo độc lập hoặc đứng chung với những người giống họ, về công việc, nhiệm vụ, nỗi đớn đau hay con đường làm giàu.... Có thể là từ 1- 2 thập niên trước, hoặc gần đây nhất. Tất cả đều ăm ắp những miền nhớ, những hoài niệm, những chi tiết, những ánh nhìn, những nét mặt, sự biểu cảm tâm trạng...

Nhà báo Nguyễn Tri Thức - tác giả cuốn sách. 

Tri Thức sống khá sôi nổi, bộc trực. Nên, cũng lạ, title các bài viết của anh trong "Đã gặp khó quên" lại khá tiết chế và điềm đạm. Anh gặp nhiều nhân vật "hot", song title vẫn không có "từ khóa". Trong thời buổi báo mạng nở rộ, nếu nhìn lại tổng thể một cây bút, điều này là sự hiếm, khi từ khóa là vấn đề thành bại của lượng "view".


Title của Tri Thức rất nhiều ngoặc kép, nhiều hình ảnh. Hay đúng hơn, trong "Đã gặp, khó quên", người đọc bắt gặp những cái title theo phong cách phóng sự xưa. Những title chơi chữ, văn học, và kén độc giả.


Đọc sách, người đọc hiểu thêm về người. Sau khi rời báo Lao Động, Tri Thức đã công tác ở nhiều đơn vị, vị trí khác nhau. Song, trong lối viết, cách đặt vấn đề, chọn những cái title giàu hình tượng, ít sốc; dễ thấy, suốt chặng đường công tác sau này, chất "Lao Động" vẫn hiện diện khá rõ, trong ngòi bút của anh.


Một điều nữa, trong thời khắc chuyển giao khắc nghiệt khi báo mạng đang thắng thế ở mọi ngả, rất nhiều điều đang mất cân bằng. Những câu chuyện ồn ào "lãng xẹt" chóng nóng chóng nguội được khai thác nháo nhào tới cùng kiệt. Những buồn vui người viết khi sức ép thời gian khiến họ chỉ có thể "gặp" nhân vật qua điện thoại hoặc trên Facebook...


Mọi thứ đang trong guồng quay thông tin khổng lồ làm những chân giá trị bị khuất lấp bởi những điều bọt bèo, bề mặt. Và, giữa dòng "thác lũ" thông tin ấy, nếu cầm trên tay một cuốn sách ghi lại các chân dung đặc biệt sau 20 năm làm báo của một tay viết gạo cội, có lẽ, độc giả sẽ tìm ra những điều đẹp đẽ mà chúng ta vô tình để lỡ từ những con người tưởng chừng "ít view".


Mỹ Mỹ