12:10 06/12/2010

Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc(kỳ 1)

Sáu giờ sáng 25/3/1948, cánh cửa xà lim bật mở. Dù đã biết mình sẽ không thoát khỏi cái chết sau khi đơn kháng án bị bác, nhưng Xuyên Đảo Phương Tử vẫn cảm thấy toàn thân ớn lạnh vì không nghĩ tử thần lại tới nhanh đến vậy.

Được mệnh danh là “Mata Hari của Viễn Đông”, Xuyên Đảo Phương Tử có một kết cục bi thảm không kém so với Mata Hari của phương Tây. Tuy nhiên, cái chết của nữ điệp viên tuyệt sắc của thế kỷ XX này đến nay vẫn gây tranh cãi bởi những câu hỏi khó có thể đưa ra được vế trả lời vẹn toàn.


Kỳ 1: Nghi ngờ từ gương mặt tử thi không rõ

Xuyên Đảo Phương Tử (phải) chụp ảnh lưu niệm với anh trai ở Thiên Tân.

Sáu giờ sáng 25/3/1948, cánh cửa xà lim bật mở. Dù đã biết mình sẽ không thoát khỏi cái chết sau khi đơn kháng án bị bác, nhưng Xuyên Đảo Phương Tử vẫn cảm thấy toàn thân ớn lạnh vì không nghĩ tử thần lại tới nhanh đến vậy. Xuyên Đảo Phương Tử run rẩy bước theo những nhân viên hiến binh được cử đến để áp giải cô ra pháp trường cùng ánh mắt vô hồn. Tới góc phía tây nam của nhà tù, hai nhân viên hiến binh ấn vai buộc Xuyên Đảo Phương Tử quỳ xuống, quay mặt vào tường. Một tiếng nổ trầm đục vang lên. Xuyên Đảo Phương Tử ngã nhào xuống đất, kết thúc một đời điệp viên làm mưa làm gió trong thời gian Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Sinh thời, Xuyên Đảo Phương Tử vẫn cắt tóc ngắn để giả trai...


.. nhưng khi chết tóc lại dài ngang vai!

Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, hơn 30 phóng viên thuộc các báo ở Bắc Bình (Trung Quốc) đã bất chấp cái rét cắt da cắt thịt đứng chờ đợi ở cổng nhà tù số 1. Họ đến theo lời mời của Chính phủ Quốc dân đưa tin về việc thực hiện án tử hình đối với tên Hán gian Xuyên Đảo Phương Tử. Nhưng cho dù họ có thuyết phục hay nói khó để có thể vào trong chứng kiến việc tử hình Xuyên Đảo Phương Tử, cái nhận được vẫn là sự từ chối khéo từ phía các nhà chức trách. Liệu bên trong có bí ẩn gì, nhất là khi các phóng viên liên tưởng tình cảnh hiện nay với tính chất công khai, rộng mở của phiên tòa xét xử Xuyên Đảo Phương Tử.

Tháng 10/1947, Chính phủ Quốc dân Trung Quốc ra thông báo về việc xét xử Xuyên Đảo Phương Tử. Chính quyền mời phóng viên các báo lớn ở Bắc Bình tới đưa tin, thậm chí còn liên hệ với cả một hãng phim quay lại toàn bộ quá trình tòa án xét xử Xuyên Đảo Phương Tử. Ngày tuyên án, nhân dân nườm nượp đổ về Tòa án tỉnh Hà Bắc đặt tại Bắc Bình để tận mắt chứng kiến gương mặt thật của nữ điệp viên Nhật Bản. Vì không thể kiểm soát chặt chẽ tình hình, quan tòa buộc phải hoãn việc phán quyết Xuyên Đảo Phương Tử, quyết định làm một tòa án ngoài trời để thực hiện việc này. Ngày phán quyết Xuyên Đảo Phương Tử, lượng người tham gia có thể nói là đông vô kể.

Xuyên Đảo Phương Tử (Yoshiko Kawashima) hay còn gọi là Kim Bích Huy, Kim Thành Tam, Kim Mộng Chi, tự Đông Trân, hiệu Thành Chi, sinh năm 1906, là con thứ 14 của Túc thân vương dưới thời Mãn Thanh. Tên thật của nữ điệp viên tuyệt sắc này là Ái Tân Giác La Hiển Dư, nhưng do từ nhỏ đã nhận Xuyên Đảo Lãng Tốc, cố vấn người Nhật Bản của triều đình Mãn Thanh làm cha nuôi, nên đổi thành Xuyên Đảo Phương Tử.

Tại sao quá trình xét xử Xuyên Đảo Phương Tử có thể được tiến hành một cách công khai và minh bạch như vậy mà quá trình thi hành án Xuyên Đảo Phương Tử lại phải giấu giếm? Chất chứa nghi ngờ, các phóng viên bực tức dùng giày đá vào cánh cổng nhà tù. Những người dân hiếu kỳ đến xem cũng hùa vào giúp cánh phóng viên xô đẩy cánh cổng nhà tù. Lúc này ở bên trong, Xuyên Đảo Phương Tử đã bị áp giải ra pháp trường. Qua rất nhiều lần thương lượng, rốt cuộc giám thị vẫn không đồng ý để hơn 30 phóng viên Trung Quốc vào trong, nhưng lại cho hai ký giả người Mỹ một ngoại lệ. Hơn một giờ sau, xác của Xuyên Đảo Phương Tử được khiêng từ trong ra. Mọi người đổ xô vào xem. Nghi ngờ lại nổi lên khi họ nhìn thấy mặt của tử thi nữ đầy máu và bùn đất, không thể nhận ra có phải là Xuyên Đảo Phương Tử hay không. Xác của Xuyên Đảo Phương Tử sau đó được đem đi hỏa táng.

Ngày 26/3/1948, cùng với việc đưa tin về cái chết của Xuyên Đảo Phương Tử, các báo lớn ở Bắc Bình như “Đại Công báo”, “Bắc Bình nhật báo” cùng phối hợp gửi Chính phủ Quốc dân một bản kháng nghị thư phản đối hành vi “sính ngoại” của giám thị, chỉ cho phóng viên Mỹ vào trong nhà tù khi xử tử Xuyên Đảo Phương Tử. Bản kháng nghị thư cũng nêu nghi ngờ: “Tại sao lại làm cho khuôn mặt người chết biến dạng đầy máu và bùn đất, khiến người khác không thể nhận ra như vậy?” Một phóng viên hay để ý còn phát hiện: “Sinh thời, Xuyên Đảo Phương Tử vẫn cắt tóc ngắn để giả trai. Lúc đưa ra phán quyết, ai cũng thấy điều đó. Nhưng tóc của người chết lại dài xõa cả xuống vai”.

Một loạt câu hỏi đặt ra khiến cái chết của Xuyên Đảo Phương Tử trở thành câu chuyện lúc bàn trà khi tiệc rượu của người dân Bắc Bình khi đó. Ngày 1/4/1948, sự nghi ngờ tăng lên khi tờ “Kinh Thế nhật báo” đăng tin nói rằng Xuyên Đảo Phương Tử vẫn chưa chết, phóng viên đã gặp được Xuyên Đảo Phương Tử. Để minh chứng, tờ “Kinh Thế nhật báo” còn cho đăng cả nội dung phỏng vấn Xuyên Đảo Phương Tử.

Ngọc Hà (Theo báo “Văn hối”)