12:11 07/12/2010

Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc (kỳ cuối)

Năm 2006, Trương Ngọc, một nữ họa sĩ ở thành phố Trường Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc), bất ngờ tuyên bố rằng Xuyên Đảo Phương Tử chính là người phụ nữ mà bà thường gọi là “bà ngoại Phương” đã cư ngụ tại Trường Xuân từ năm 1949 và mất vào năm 1978.

Được mệnh danh là “Mata Hari của Viễn Đông”, Xuyên Đảo Phương Tử có một kết cục bi thảm không kém so với Mata Hari của phương Tây. Tuy nhiên, cái chết của nữ điệp viên tuyệt sắc của thế kỷ XX này đến nay vẫn gây tranh cãi bởi những câu hỏi khó có thể đưa ra được vế trả lời vẹn toàn.

Kỳ cuối: Chuyện xưa lại nóng

Năm 2006, Trương Ngọc, một nữ họa sĩ ở thành phố Trường Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc), bất ngờ tuyên bố rằng Xuyên Đảo Phương Tử chính là người phụ nữ mà bà thường gọi là “bà ngoại Phương” đã cư ngụ tại Trường Xuân từ năm 1949 và mất vào năm 1978.

“Bà ngoại Phương” (trái) và Xuyên Đảo Phương Tử (ảnh chụp khi bị giam trong tù).


Trương Ngọc kể rằng mẹ của bà là một đứa bé mồ côi người Nhật Bản được một người đàn ông tên là Đoạn Liên Tường ở thành phố Trường Xuân nuôi dưỡng. Người đàn ông này được Trương Ngọc gọi là ông ngoại. Vào một tối cuối năm 2004, ông ngoại gọi bà đến bên giường bảo tắt đèn chính và ti vi, chỉ bật đèn ngủ. Ông viết lên tờ giấy: “Bà ngoại Phương chính là Xuyên Đảo Phương Tử”. Ông nói vào thời Ngụy Mãn, ông làm phiên dịch cho một quan chức cảnh sát cấp cao, thường xuyên tới vườn ăn Đông Hưng Lầu ở Thiên Tân (thực chất là một trạm tình báo của Nhật Bản) gặp Xuyên Đảo Phương Tử. Sau này, trên pháp trường đã có người chết thay cho Xuyên Đảo Phương Tử, còn Xuyên Đảo Phương Tử trước khi chọn thị trấn Tân Lập thuộc thành phố Trường Xuân làm nơi cư ngụ đã ẩn náu qua nhiều địa điểm tại khu vực Đông Bắc. Chính ông và hai người bạn nữa đã đưa Xuyên Đảo Phương Tử về thị trấn Tân Lập và bố trí nơi ăn nghỉ. Để hàng xóm khỏi nghi ngờ, ông nói đây là người bà con xa tên là Phương.

Bà Trương Ngọc đang mở hộp di vật được cho là của Xuyên Đảo Phương Tử.


Trương Ngọc cho biết khi bí mật trên được tiết lộ chỉ có mình bà ở bên ông ngoại và vài ngày sau thì ông ngoại bà qua đời ở tuổi 86. Trương Ngọc nhớ là “bà ngoại Phương” là một người đa tài đa nghệ, biết hát những bài hát Nhật Bản, biết nói tiếng Nhật Bản và nhảy những vũ điệu của người Nhật Bản. “Bà ngoại Phương” rất quý Trương Ngọc, khi rảnh rỗi hay dạy Trương Ngọc vẽ tranh và thường lấy những cuốn tạp chí Nhật Bản làm “giáo án” để dạy cho Trương Ngọc những câu tiếng Nhật đơn giản cũng như những bài hát của Nhật Bản.

Ông ngoại cũng dặn Trương Ngọc mang hộp di vật của Xuyên Đảo Phương Tử, đựng trong chiếc hộp khóa bằng khóa số, trao cho Tiểu Phương Bát Lãng (Ogata Hachiro). Người này là trợ lý của Xuyên Đảo Phương Tử, đã chứng kiến toàn bộ quá trình Xuyên Đảo Phương Tử bị bắt, định lao ra cứu nhưng bị nhân viên hiến binh chặn lại. Nhờ thân phận Nhật Bản, sau đó, Tiểu Phương Bát Lãng đã được thả về nước. Tại Nhật Bản, Tiểu Phương Bát Lãng đảm nhiệm trọng trách giải cứu Xuyên Đảo Phương Tử. Ở trong tù, Xuyên Đảo Phương Tử cũng không ngừng viết thư gửi Tiểu Phương Bát Lãng.

Qua các nguồn thông tin của bạn bè ở Nhật Bản, Trương Ngọc biết rằng Tiểu Phương Bát Lãng đã mất năm 2000, nên đã giữ lại hộp di vật của “bà ngoại Phương”. Trương Ngọc kể chuyện này với hai nhà nghiên cứu là Lý Cương, Hà Cảnh Phương và nhận được sự quan tâm chú ý của họ. Qua điều tra, Lý Cương, Hà Cảnh Phương cho rằng với quá khứ làm việc cho Quốc Dân Đảng, chuyện ông Đoạn Liên Tường gặp Xuyên Đảo Phương Tử là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, khi mở hộp di vật của “bà ngoại Phương”, người ta thấy có một kính viễn vọng nhỏ bên trên có khắc hai chữ cái “K” và “H”. Nhiều người cho rằng đó là hai chữ viết tắt tên tiếng Hán của Xuyên Đảo Phương Tử (Kim Bích Huy) theo phiên âm tiếng Anh.

Các nhà nghiên cứu phân tích di vật được cho là của Xuyên Đảo Phương Tử.


Điều đáng chú ý là khi nhắc tới sự kiện “bà ngoại Phương”, Đức Sùng, một người cùng chung gia tộc Ái Tân Giác La với Xuyên Đảo Phương Tử cho rằng việc này đối với gia tộc Ái Tân Giác La từ lâu đã không còn là bí mật nữa. Đức Sùng cho biết năm 1955, ông đã nhìn thấy Xuyên Đảo Phương Tử. Khi đó, Xuyên Đảo Phương Tử đến nhà ông chơi và bố ông đã nói “Bích Huy đến đấy à”. Sở dĩ bố của Đức Sùng không gọi người phụ nữ kia là Xuyên Đảo Phương Tử bởi vì trong gia tộc Ái Tân Giác La, người phụ nữ kia có tên là Kim Bích Huy.

Để xác định xem “bà ngoại Phương” có đúng là Xuyên Đảo Phương Tử hay không, tối 12/3/2009, Trương Ngọc đến thăm Lý Phương Lan, một ca sĩ và diễn viên nổi tiếng Trung Quốc vào những năm 1930 và 1940. Trước đây, Lý Phương Lan và Xuyên Đảo Phương Tử rất thân với nhau và thường gọi nhau là “anh em”. Khi Trương Ngọc kể về thói quen sinh hoạt và đưa ra bức tranh mình vẽ “bà ngoại Phương”, Lý Phương Lan đã nói như đinh đóng cột: “Đây là ca ca (anh trai) của tôi, là ca ca của tôi”...

Và tới nay, những tranh cãi rằng Xuyên Đảo Phương Tử thực sự có bị tử hình hay không vẫn tiếp tục. Có người khẳng định rằng Xuyên Đảo Phương Tử không bị chết vào cái ngày đáng phải đưa ra pháp trường đó, nhưng họ vẫn không thể trả lời được câu hỏi là Xuyên Đảo Phương Tử đã thoát chết nhờ mối quan hệ nào. Nhưng dẫu cho thế nào thì có một thực tế không thể phủ nhận được là Xuyên Đảo Phương Tử không thể bao giờ gột rửa được tội lỗi của một kẻ bán nước cầu vinh. Sau phát súng vào sáng 25/3/1948 (ngày Xuyên Đảo Phương Tử bị đưa ra tử hình), Xuyên Đảo Phương Tử vĩnh viễn không còn trên vũ đài lịch sử nữa.

Ngọc Hà (Theo báo “Văn hối”)