11:08 21/11/2013

Những câu hỏi

Người ta nói: Hỏi là trả lời. Và còn nói: Câu hỏi và đáp án có giá trị như nhau! Thật chí lý. Xa các thầy cô, phải tự đặt tiếp câu hỏi cho mình. Và lắng nghe chọn lựa trong bề bộn những câu hỏi mỗi ngày cuộc sống nêu ra. Những câu hỏi đích thực. Và những đáp án? Những câu trả lời?

Cháu đi học về thỏ thẻ với ông: “Ông ơi, cô giáo cháu toàn phải hỏi chúng cháu!”. Ông âu yếm mỉm cười: “Thế cháu có trả lời được không?”. Cháu đáp rất hồn nhiên và tự hào: “ Các bạn cháu thi nhau trả lời. Cháu cũng xung phong trả lời!”. Ông ôm cháu vào lòng: “Khá lắm! Rồi học lên, các thầy cô còn phải hỏi cháu nhiều hơn nữa. Những câu hỏi sẽ giúp các cháu lớn lên!”. Cháu bé tròn xoe mắt. Những câu hỏi sẽ gúp cháu lớn lên ư?


Suốt những năm đi học, mỗi người đón nhận muôn ngàn câu hỏi của các thầy cô. Học mẫu giáo, cô hỏi về chiếc lá, bông hoa, hỏi về bác gấu tốt bụng, hỏi về chú dê con dũng cảm, hỏi khi Dê Trắng Dê Đen qua cầu…Lên lớp Một, cô hỏi về chữ O chữ A, hỏi về cộng trừ một hai. Càng học lên, các thầy cô càng hỏi nhiều hơn và hỏi khó hơn. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi năm biết bao nhiêu là câu hỏi. Những câu hỏi về công việc.


Những câu hỏi trong mỗi bài. Mỗi tiết học mở đầu bằng những câu hỏi. Mỗi bài mới những câu hỏi nối nhau. Vầng trán tuổi thơ bao lần chau lại trước câu hỏi của bài toán khó, của vấn đề hóc búa, như đang trên đường bỗng sững lại trước con sông chảy xiết chắn ngang, phải tìm cách sang bờ bên kia; như bỗng nhiên gặp lối cụt phải suy nghĩ mở đường. Những câu hỏi trước tình huống đặt ra trong cuộc sống, dẫu chỉ là những tình huống sơ giản ban đầu của tuổi thơ. Và có cả những câu hỏi về ý tưởng, về ước mơ trong cuộc sống mai sau. Lớn lên em sẽ làm gì? Giản đơn vậy thôi mà biết bao nhiêu là khơi gợi. Những câu hỏi nho nhỏ nhẹ nhàng.


Những câu hỏi rắn chắc thách thức. Những câu hỏi tiếp nối. Trả lời xong câu hỏi của bài toán khó, tưởng đã xong xuôi, lại gặp câu hỏi tiếp: Còn cách giải nào nữa không em? Các em thử tìm cách ngắn hơn, nhanh hơn? Những câu hỏi gõ vào trí não để luôn luôn lấp lánh vận động, không chấp nhận đông cứng tĩnh lặng ảo mờ. Những câu hỏi kích thích bứt phá tìm tòi, mở bung ra hướng tới cái mới. Và cả những câu hỏi tĩnh tâm nhìn lại để tự kiểm định đúng sai. Những câu hỏi từ hồi bé thơ, những câu hỏi thủa chập chững rướn lên làm người lớn, và những câu hỏi trên bước trưởng thành tiến tới cái mốc được đánh dấu bằng hai chữ THÀNH NIÊN. Và những câu hỏi tiếp nối trong đời. Cũng có không ít những câu hỏi tẻ nhạt, hỏi chiếu lệ, thì đâu phải là câu hỏi?


Nhớ hôm đến thăm trường Trung Chải lưng chừng dốc lên Sa Pa. Trò chuyện với các em trong không khí cởi mở thân tình, câu hỏi nêu ra: Lớn lên em sẽ làm gì? Rụt rè và bạo dạn, lưu loát và ngập ngừng, mỗi em lần lượt nói. Lớn lên em sẽ làm bác sỹ. Em sẽ làm kỹ sư. Em sẽ đi bộ đội. Em thích làm chú công an. Em muốn làm cô giáo. Em chỉ thích lái xe… Một em bé ngồi cuối lớp chưa thấy nói gì, vẻ mặt trầm buồn. Nào! Lớn lên em sẽ làm gì? Mình đến bên em khích lệ. Chú bé nói nhỏ nhẹ: “Lớn lên em sẽ làm nông dân. Bố em không còn, mình mẹ em làm nương rất khổ. Em muốn làm nông dân giúp mẹ em làm nương!”. Câu trả lời giọng buồn buồn nhưng rành rọt, bất ngờ mà chân thật và cảm động, gợi nhiều nghĩ suy.


Người ta nói: Hỏi là trả lời. Và còn nói: Câu hỏi và đáp án có giá trị như nhau! Thật chí lý. Xa các thầy cô, phải tự đặt tiếp câu hỏi cho mình. Và lắng nghe chọn lựa trong bề bộn những câu hỏi mỗi ngày cuộc sống vẫn nêu ra. Những câu hỏi đích thực. Và những đáp án? Những câu trả lời?


Cao Văn Tư