09:00 15/09/2020

Những ‘cánh quân’ Thông tấn tiến vào giải phóng Sài Gòn

Toàn ngành Thông tấn đã vào trận, chuẩn bị kỹ càng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa Xuân 1975 lịch sử. Những người "lính" Thông tấn đã sát cánh cùng các lực lượng tác chiến trên từng mũi tiến quân, tiến vào giải phóng Sài Gòn và tất cả các địa phương trong cuộc tiến công - nổi dậy thần tốc.

Tiến về Sài Gòn

Trong ký ức của mình, cựu phóng viên TTXVN Cao Tân Hòa vẫn nhớ mùa xuân 1973, khi hệ thống loa phóng thanh ở Ga Hàng Cỏ phát liên tục nội dung về Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, những chàng trai, cô gái trẻ tuổi đôi mươi của TTXVN lại lên đường tới T.105 - ngôi trường của Ban Thống nhất Trung ương nằm bí mật ở tỉnh Hòa Bình, để hoàn tất những khâu cuối cùng cho một cán bộ "đi B".

Đoàn hơn 100 phóng viên trẻ tốt nghiệp các trường Đại học Ngoại giao, Tổng hợp, Ngoại ngữ và được bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên tin, ảnh cùng các thiết bị, máy móc, trang bị kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất lúc bấy giờ, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch lớn. Theo phân công của Trung ương, đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã được cử vào tăng cường và làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ quan Thông tấn xã Giải phóng "tung" ra nhiều tổ, nhóm phóng viên viết, và ảnh, theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. 

Những ngày đầu tháng 4/1975, sau khi Huế và Đà Nẵng giải phóng, cục diện chiến trường thay đổi hẳn. Đoàn công tác của Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) Đào Tùng, trên đường vào B2 qua Huế đúng thời điểm ấy.

Ngày 2/4/1975, một đoàn gồm các phóng viên Văn Bảo, Lam Thanh, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, kỹ sư vô tuyến Phạm Lộc, điện báo viên Cao Xuân Tâm cùng ba lái xe Phí Văn Sửu, Phạm Văn Thu, Đào Trọng Vĩnh do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu, vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân ta. Ông Phí Văn Sửu, nguyên Đội trưởng Đội xe TTXVN, khi đó là người trực tiếp cầm lái trong "cánh quân" này, kể lai: Đoàn xuất phát từ Hà Nội qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Pleiku và dừng chân tại căn cứ R-Tây Ninh.

Đoàn có cuộc gặp rất ngắn với các phóng viên VNTTX - TTXGP đang có mặt tại Huế, những người đã hoàn thành nhiệm vụ thông tin về chiến dịch giải phóng cố đô Huế và Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai của miền Nam, vào thời điểm bước ngoặt của chiến tranh.

Nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) là một trong những phóng viên có mặt tại Huế khi đó. “Trong cuộc gặp với anh em, Tổng Biên tập VNTTX Đào Tùng đã biểu dương những cố gắng của tập thể cán bộ, phóng viên, khi biết chúng tôi đã đi bộ suốt đêm để vào Huế giải phóng, và liền sau đó, đi xe máy qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, kịp thời có tin bài, hình ảnh sống động về những khoảnh khắc đầu tiên ở hai thành phố này.

Bác Đào Tùng nói rằng thời cơ lớn đang đến, anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mới. Sáng hôm sau, anh Tư Phác, trưởng đoàn, đưa tôi xem bức điện mật từ Hà Nội do Phó TBT Đỗ Phượng ký, có dòng liên quan đến tôi: “Đưa các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành cùng phóng viên tin Mai Hưởng đi tiếp vào trong...”. Tổ phóng viên mũi nhọn ra đời trong hoàn cảnh như vậy”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã do nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, phóng viên Thông tấn Quân sự làm tổ trưởng, với các phóng viên: Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm (phóng viên Thông tấn Quân sự), Đinh Quang Thành và Trần Mai Hưởng. Ngoài các phóng viên còn có Ngô Bình (lái xe) và Thái (điện báo viên).

Chú thích ảnh
Các phóng viên Lâm Hồng Long và Trần Mai Hưởng trên đường qua miền Trung trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân 1975. Ảnh: TTXVN.

"Khoảng 10/4, chúng tôi rời Huế, vào Đà Nẵng rồi đi về phía Nam. Mấy anh em ngồi ô tô còn cử một người thay nhau chạy xe máy bám theo, khi thì là anh Lâm Hồng Long, khi anh Đinh Quang Thành hoặc là tôi. Có khi là hai người đèo nhau cho đỡ buồn và cũng an toàn hơn trên những đoạn đường vắng. Tôi cảm nhận đựơc những thay đổi vô cùng lớn lao đang đến, nhưng dù có là người lãng mạn đến đâu cũng không ai dám nghĩ rằng chỉ vài tuần sau, chúng tôi đã có mặt ở Sài Gòn ngày chiến thắng”, nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Tổ phóng viên mũi nhọn qua Đà Nẵng,Tam Kỳ, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhắm về Quy Nhơn rồi Nha Trang rồi đoàn hướng về Xuân Lộc, tuyến phòng ngự cuối cùng quân Sài Gòn vừa bị thất thủ trước sức tiến công vũ bão của quân giải phóng.

Còn từ căn cứ R tại Tây Ninh, “cánh quân” lớn do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu, bao gồm các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, hình thành một bộ khung khá đầy đủ, theo đoàn lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. 

Cùng với nhóm phóng viên do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu, Thông tấn xã Giải phóng lập các tổ phóng viên tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Mỗi tổ có 5 người, gồm một phóng viên tin, một phóng viên ảnh, hai điện báo viên và một cơ công.  Các tổ được phân chia đi theo các cánh quân của bộ đội tiến vào Sài Gòn.

Ngày 6/4/1975, từ căn cứ miền Đông Nam Bộ, lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng điều động nhóm 5 người gồm phóng viên Nguyễn Thanh Bền làm trưởng nhóm, phóng viên ảnh Trần Thiêm, kỹ thuật viên vô tuyến điện Nguyễn Đăng Chức và hai điện báo viên Đỗ Sỹ Mến, Phan Trọng Tiệp.

Một nhóm khác nữa do Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến, học viên lớp GP10 dẫn đầu đi theo cánh quân của đồng chí Mười Hương, Đặc khu ủy, Trưởng ban An ninh T.4. Nhiệm vụ của nhóm là tiến vào giải phóng trụ sở các quận của Sài Gòn.

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến chia sẻ: “Chúng tôi ra trận trong tâm thế rất phấn khích, hồ hởi khi được tham gia một chiến dịch mang ý nghĩa vô cùng to lớn với lịch sử dân tộc - Chiến dịch Hồ Chí Minh”

Ngày 26/4, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mở màn. Khi ấy, nhóm của nhà báo Nguyễn Đăng Chiến đã áp sát Sài Gòn, cuộc chiến càng gần đến ngày kết thúc càng ác liệt. Theo phân công, nhóm ông theo cánh quân của quân đội có nhiệm vụ tổ chức nổi dậy giải phóng huyện Bình Chánh, các quận 10, và 11. 

“Chúng tôi thường hành quân vào ban đêm, ban ngày nghỉ trong các rừng dừa nước. Mà ở khu vực này, đêm là lúc con nước ròng, kênh nào cũng cạn chỉ toàn bùn. Để cho đoàn quân đi, người ta phải dùng máy bơm bơm nước vào kênh để xuống máy hành quân. Đúng là chuyện hi hữu vì theo những cán bộ lâu năm, chưa bao giờ có chuyện này. Nhiều người tin rằng cuộc hành quân này là lần cuối cùng chúng ta vào Sài Gòn ban đêm, vì ngày mai chúng ta sẽ làm chủ Sài Gòn”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại.

Ghi lại những khoảnh khắc lịch sử

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc của quân và dân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân; cùng có mặt tại các trận đánh, trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; có mặt ở tất cả các địa phương. 

Trận đánh Dinh Độc lập, các phóng viên Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn. Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc lập ngay trưa 30/4/1975 và có những tư liệu đầu tiên và chân thực, mang tính lịch sử về sự kiện này.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN.

Nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn rưng rưng khi kể lại khoảnh khắc lịch sử ấy: “Rạng sáng ngày 30/4, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm. Những ổ kháng cự nhỏ hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc Lập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường.

Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn, xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân Sài Gòn đang rút chạy. Xe chúng tôi lao về phía Dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung. Vừa vào trong Dinh, tôi và phóng viên nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh.

Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đấy chính là bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/75” mà sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân cho đến ngày nay. Xe tăng trong ảnh mang số hiệu 846, là xe thứ tư trong đội hình thọc sâu gồm 7 chiếc xe tiến vào Dinh Độc Lập buổi trưa lịch sử ấy.

Ở ngay cửa Dinh, chúng tôi gặp Ngọc Đản và Hoàng Thiểm, hai phóng viên thông tấn quân sự đi theo xe thiết giáp, đó có mặt trước chúng tôi ít phút. Các anh Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành cùng Ngọc Đản, Hoàng Thiểm nhanh chúng ghi lại những hình ảnh quan trọng nhất, trong đó có cảnh các mũi xung kích cùng xe tăng tiến vào dinh, chân dung các chiến sĩ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, nội các Dương Văn Minh đầu hàng…”.

Sau đó, theo ý kiến của nhà báo Vũ Tạo anh em trong tổ chia làm hai hướng. Các nhà báo Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành dùng xe của tổ đi ra hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Từ Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe con của Phó tư lệnh Quân đoàn 2, tuớng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong trung thành phố để ghi lại những hình ảnh và thu thập thông tin cho bài viết của mình.

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến chia sẻ kỷ niệm về ngày 30/4/1975:

Còn nhóm của nhà báo Nguyễn Đăng Chiến đã áp sát xã Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh. Vào lúc 7 giờ sáng 30/4, mũi tiến công của nhóm nhà báo Nguyễn Đăng Chiến bị chặn lại ngay trước đồn Tân Tạo, quân địch chống trả quyết liệt, phía ta bắn trả liên tục bằng súng AK, một số đồng chí bị thương. Đến hơn 8 giờ, quân địch tháo chạy hết. 9 giờ, mũi tiến công của nhà báo Nguyễn Đăng Chiến vào đến trụ sở quận 11 mà không gặp thêm bất cứ sự chống cự nào. 

Tôi đã phản ánh tình hình chiến trường về tổng xã của Thông tấn xã Giải phóng. Phóng viên ảnh Đình Na trong nhóm chụp được nhiều bức ảnh có giá trị. Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là một vinh dự của cả cuộc đời, giúp chúng tôi “lớn hơn”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến chia sẻ.

Tại Hà Nội, trưa 30/4/1975, Tổng xã nhận được tin điện báo của Tổ mũi nhọn theo Sư đoàn 304 và thông tin nghe được từ Đài Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh và kêu gọi các lực lượng quân sự còn lại của Chính quyền Sài Gòn đầu hàng, cùng với tin của các hãng Reuters (Anh), UPI (Hãng thông tấn quốc tế)… mô tả xe tăng Quân Giải phóng đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; các chiến sĩ Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh; toàn bộ Nội các của Chính quyền Dương Văn Minh đã bị bắt sống; Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn; người dân Sài Gòn đổ ra đường phố đón chào các chiến sĩ Giải phóng quân từ các mũi tiến vào thành phố.

Ngay lập tức, Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã cho làm tin về chiến thắng lịch sử này và đưa lên cấp trên duyệt. Tuy nhiên, chưa đợi tin được duyệt, tràng pháo dài từ tầng trên cùng tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt đã nổ giòn giã (trước đó, Ban Bí thư đã quyết định Việt Nam Thông tấn xã nổ pháo là báo tin vui toàn thắng cho nhân dân). Cả tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt như rung chuyển bởi tiếng hò reo mừng chiến thắng. Trước vườn hoa Tao Đàn (nay là Vườn hoa Jose Marti), trên các đường phố Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, cả Nhà hát Lớn đông kín người từ các ngả đổ về trụ sở Việt Nam Thông tấn xã để xem và nghe tin quân ta đánh chiếm Sài Gòn.

Việt Nam Thông tấn xã là cơ quan đầu tiên mang tin vui chiến thắng mà quân dân ta chờ đợi và phải chiến đấu trong suốt 30 năm. Thời khắc đó, tại Hà Nội, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các phố phường, công sở, nhà dân. Những thông tin, hình ảnh, các bài tường thuật đầu tiên của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được phát trong nước và phát ra thế giới, đã kịp thời phản ánh những khoảnh khắc lịch sử Ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn; sự phá sản Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

Trung Hiếu/Báo Tin tức