06:09 12/06/2018

Những bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên

Nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra sáng 12/6 tại Singapore, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn Giáo sư Yoshiki Mine, Chủ tịch Viện Nghiên cứu ngoại giao hòa bình Nhật Bản, chuyên gia khu vực Đông Á, về sự kiện lịch sử này.

Giáo sư Yoshiki Mine, Chủ tịch Viện Nghiên cứu ngoại giao hòa bình Nhật Bản, chuyên gia khu vực Đông Á. Ảnh: Cẩm Tuyến/Pv TTXVN tại Nhật Bản

Ông nhận định cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trều Tiên Kim Jong-un là những bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia này cũng dự đoán về những cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo này.

Theo Giáo sư Mine, mục tiêu lớn nhất là hai nhà lãnh đạo đạt được nhất trí về phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, trong đó nội dung quan trọng nhất là thời hạn của tiến trình này. Chuyên gia Nhật Bản đánh giá trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khó có thể ngay lập tức đưa ra được quyết định về thời hạn chót vì tiêu hủy vũ khí hạt nhân đòi hỏi nhiều thời gian và đây còn là vấn đề của chính phủ. Vì vậy, sau quá trình chuẩn bị, các bên cần đưa ra được thời hạn chót và có các hành động cụ thể.

Đánh giá về vai trò của Nhật Bản, Giáo sư Mine nhận định trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Trump đã không dùng từ "áp lực" khi đề cập tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Điều này cho thấy dường như đang có những điều chỉnh từng bước trong lập trường của Tokyo. Tuy nhiên, Giáo sư Mine cũng cho rằng việc liệu chính phủ Nhật Bản đã thực sự chuyển hướng chiến lược ngoại giao hay chưa vẫn là câu hỏi. Theo ông, nếu Thủ tướng Abe không thay đổi quan điểm về vấn đề này thì việc ngừng dùng từ “áp lực”  sẽ không đủ bởi chiến lược ngoại giao, thông qua đối thoại để đạt được giải pháp là điều cần thiết. Quan điểm của Nhật Bản về cơ bản là quan sát diễn biến hội đàm Mỹ - Triều sẽ diễn ra như thế nào.

Giáo sư tin rằng vấn đề thời hạn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục được thương lượng sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, đồng thời dự đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên sẽ có thể còn gặp nhau thêm vài lần nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề còn nan giải này. Ông cũng không loại trừ khả năng hội nghị tại Singapore đầu tiên này chưa ấn định được thời hạn chót cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, song nếu như có thể đưa ra quyết định về vấn đề này thì sau hội nghị ngày 12/6, hai bên lại gặp nhau để đưa ra khung thời gian rõ ràng cho việc phi hạt nhân hóa.

Từ quan điểm của giáo sư Mine, Triều Tiên đã bắt đầu một chiến lược ngoại giao mới, nhờ đó làm thay đổi bầu không khí căng thẳng tại Đông Á. Vì vậy, thêm một vấn đề quan trọng tại cuộc gặp thượng đỉnh Singapore là tuyên bố kết thúc chiến tranh - điều đang được dự đoán là hai bên sẽ đạt được nhất trí. Tuy nhiên, ông Mine cho rằng đó sẽ chưa phải là hiệp định hòa bình cuối cùng  mà sẽ chỉ mới là tuyên bố mang tính chính trị, quan điểm chính trị. Tuy nhiên, nếu đạt được tuyên bố trên thì điều này cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc giảm bầu không khí căng thẳng, tạo đà cho các động thái tiếp theo, đó là hiệp ước hòa bình và hiệu quả thực sự cho việc tạo bầu không khí hòa dịu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi bước vào đàm phán tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore. Ảnh: TTXVN phát

Cuối cùng dù chưa thực sự tin rằng vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như vấn đề Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc chưa thể quyết định được tại hội nghị ở Singapore nhưng giáo sư Mine đánh giá cuộc gặp lịch sử cho thấy mọi việc đang tiến triển theo chiều hướng tích cực này. Một con đường đã được mở ra một cách rõ ràng. Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường mà Giáo sư Mine tin là sẽ hướng đến đích cuối cùng, tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình.

TTXVN/Báo Tin tức