10:09 21/10/2021

Những 'bóng hồng' trên phòng tuyến chống dịch - Bài 1: 'Lá chắn' trên tuyến đầu

Sau nhiều tháng nỗ lực, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã dần kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Góp phần vào kết quả đó có vai trò của lực lượng chống dịch là phụ nữ ở các ngành và hội viên cơ sở. Lo với nỗi lo chung của cộng đồng, những người phụ nữ đã gác lại công việc riêng, sẵn sàng có mặt ở tuyến đầu hay nơi hậu phương để đóng góp cho công tác phòng, chống dịch. Bằng những hành động, việc làm thiết thực, những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã ghi dấu ấn trong lòng nhân dân, góp phần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Các bác sỹ, điều dưỡng Trung tâm Hồi sức COVID-19 Vĩnh Long chung vui với bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. 

Bài 1: Những “lá chắn” trên tuyến đầu chống dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 tại Vĩnh Long diễn biến phức tạp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, truy vết, phân luồng và cách ly… với sự tham gia của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ. Đặc biệt, đóng góp trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 ấy, có hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ là lực lượng nữ ngành y, công an, quân sự. Họ đã gác lại việc gia đình, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm, tích cực tham gia trên tuyến đầu chống dịch.

“Blouse trắng” vững vàng nơi tâm dịch

Phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt. Những chiến sỹ “áo trắng” vẫn thầm lặng “gánh trên vai” trách nhiệm chữa bệnh cứu người giữa nguy cơ dịch bệnh. Đã có những nữ nhân viên y tế xông pha vào các điểm nóng dịch bệnh, thâu đêm lấy mẫu xét nghiệm, cũng có những bác sỹ tạm gác lại hạnh phúc riêng, xa gia đình khi vừa mới kết hôn. Họ đã có những ngày dài đồng hành cùng người bệnh vượt qua những giây phút sinh tử, mỗi bác sỹ như một người thân ở bên để động viên, chia sẻ người bệnh COVID-19, tiếp thêm động lực giúp họ chiến thắng dịch bệnh.

Vừa kết hôn được 3 ngày, bác sĩ trẻ Trần Điều Ngọc Hân (Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long) đã tạm chia tay gia đình nhỏ để vào bệnh viện thay ca cho đồng nghiệp. Tại đây, hằng ngày bác sỹ trẻ này cùng các đồng nghiệp thay nhau chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Xác định yếu tố tâm lý là rất quan trọng nên trong lúc làm nhiệm vụ, các bác sỹ cũng luôn động viên để bệnh nhân giữ tâm trạng thoải mái, phối hợp điều trị bệnh.

Theo bác sỹ Trần Điều Ngọc Hân, hơn 2 tháng gắn bó với công việc này, đã chứng kiến nhiều bệnh nhân phải khó khăn đối mặt với bệnh tật. Niềm vui to lớn của mỗi bác sỹ nơi đây là được tiễn từng bệnh nhân lần lượt khỏi bệnh và trở về đoàn tụ với gia đình. Bác sỹ Trần Điều Ngọc Hân cho biết: “Là một bác sỹ thì mình cũng phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, phải góp một phần vào cuộc chiến chống COVID-19. Mọi người luôn nỗ lực điều trị tốt nhất cho bệnh nhân để cùng san sẻ một phần gánh nặng cho nhau và hơn hết là cùng đồng hành với người bệnh, giúp họ giành được sự sống trước sự nguy hiểm của dịch COVID-19”.

Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long là nơi tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của tỉnh. Đợt dịch thứ 4 bùng phát với số ca mắc COVID-19 tăng cao khiến số lượng bác sỹ, điều dưỡng được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Dù khó khăn về nhân lực, mọi người phải làm việc hết “công suất” nhưng ai cũng nỗ lực vì ý thức được những tác động to lớn của dịch bệnh đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Bác sỹ Huỳnh Thị Mỹ Tiên (Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Là một nữ chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch, mỗi người đều có cái lo chung và lo riêng, đôi lúc vẫn cần lắm những chỗ dựa về tinh thần. Đó là sự quan tâm và động viên nhau khi phải chứng kiến ánh mắt cầu cứu từ người bệnh, khi phải thực hiện công việc mà không ai muốn làm đó là xử lý khi bệnh nhân qua đời. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu và động viên nhau phải cố gắng hơn vì sức khỏe của cộng đồng, vì nhiều bệnh nhân COVID-19 đang cần sự giúp đỡ. Trách nhiệm của mỗi người chúng tôi là trả bệnh nhân ra khỏi viện khỏe mạnh, còn chúng tôi thì an toàn”.

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều sản phụ mắc COVID-19 khi đang ở tháng cuối của thai kỳ. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, đã có 9 trường hợp sản phụ mắc COVID-19 được “mẹ tròn con vuông”. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Hằng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) đã trực tiếp tham gia mổ và đỡ đẻ cho 7 sản phụ mắc COVID-19. Bác sĩ Trần Thị Hằng chia sẻ: “Mỗi khi ra khỏi phòng mổ đặc biệt, cả ê kíp phẫu thuật đều ướt sũng mồ hôi vì quần áo bảo hộ và những giây phút phải căng mình giành lấy sự an toàn của sản phụ và thai nhi. Sau mỗi lần như thế, chúng tôi lại cảm thấy có động lực hơn khi mình đã cấp cứu thành công cho sản phụ, đồng thời chào đón một thiên thần nhỏ được ra đời ”.

Đồng hành với lực lượng y tế Vĩnh Long trong suốt hơn hai tháng qua tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 tỉnh, nữ điều dưỡng trẻ Trần Thị Thu Hằng (thuộc đoàn cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương vào chi viện cho Vĩnh Long) đã có những kỷ niệm khó quên trong hành trình nghề nghiệp của mình. Tham gia ở tầng cao nhất trong tháp điều trị COVID-19, hằng ngày điều dưỡng Thu Hằng và các đồng nghiệp luôn phải căng mình trong sự thấp thỏm, lo âu và khát vọng giành lấy sự sống cho từng bệnh nhân. Tại đây, các bệnh nhân đều không có người thân chăm sóc, điều dưỡng vừa chăm từ việc ăn, uống đến vệ sinh cá nhân. Quan trọng hơn hết, chị dành nhiều thời gian chia sẻ, tâm sự động viên để bệnh nhân bớt lo lắng, phối hợp điều trị.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, điều dưỡng Trần Thị Thu Hằng cho hay, đây là chuyến đi xa và có thời gian lâu nhất trong hành trình của mình từ khi vào nghề. Sau thời gian làm nhiệm vụ, thi thoảng bác sỹ trẻ này mới có thời gian gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, báo bình an để gia đình yên tâm và ủng hộ công việc. Chị tâm sự: “Bản thân tôi chưa có gia đình riêng, có điều kiện để cống hiến và vững tâm hơn trong quá trình làm nhiệm vụ nên tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch”.

Những "chiến sỹ" áo xanh 

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, lực lượng nữ công an và quân sự tỉnh Vĩnh Long luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, xung kích nơi tuyến đầu, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những chiến sỹ áo xanh đảm nhận công việc bằng bản lĩnh và sự rắn rỏi về tinh thần, tác phong làm việc nghiêm túc và quyết liệt để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Với nhiệm vụ là Đội trưởng Đội Truy vết phụ trách điều tiết truy vết của lực lượng công an tại địa phương, Trung tá Huỳnh Ngọc Diễm (Công an huyện Vũng Liêm) đã trực tiếp chỉ đạo các thành viên đội truy vết thực hiện nhiệm vụ, góp phần khoanh vùng gọn, kịp thời cắt đứt nguồn lây, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trung tá Huỳnh Ngọc Diễm cho biết, trong đội có 3 đồng chí nữ, nhưng mọi người luôn cố gắng để làm việc đạt hiệu quả, không để ai phải gánh việc giúp. Để làm tốt nhiệm vụ, các chị tích cực nghiên cứu tài liệu, văn bản hướng dẫn và trao đổi chuyên môn với lực lượng y tế địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong quá trình công tác, các nữ chiến sỹ công an chủ động tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, nghi vấn F với phương châm “hạn chế đối đầu, tập trung đối thoại gián tiếp”.

Chú thích ảnh
Các nữ nhân viên y tế tư vấn cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Hành trang chống dịch là chiếc điện thoại Smartphone với đầy đủ pin, dung lượng, giấy, bút để khi có thông tin về dịch tễ, mỗi người một việc, chia nhau truy vết nhanh chóng và chính xác. “Khi nói đến lực lượng truy vết ai cũng e ngại vì nghĩ chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên, dù thực hiện nhiệm vụ nhưng chúng tôi luôn chủ động để đảm bảo an toàn nhất cho bản thân, bởi lẽ có an toàn mới lo được cho dân, mới thực hiện được nhiệm vụ truy vết. Quan trọng hơn hết là kỹ năng ứng xử và xử lý thông tin, phải tạo tâm lý thoải mái cho người dân thì họ mới có thể thông tin đầy đủ và chính xác lịch trình di chuyển, để việc truy vết đạt hiệu quả”- Trung tá Huỳnh Ngọc Diễm nói.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ, Trung tá Huỳnh Ngọc Diễm cho biết, đôi lúc cũng gặp khó khăn do phải vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vừa làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, bởi lẽ hầu hết các chị đều đang có con ở lứa tuổi tiểu học, mầm non… Trong những thời điểm này, sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình chính là nguồn động lực để giúp họ vượt qua khó khăn, hoàn thành cả hai nhiệm vụ.

Cùng chung sức chống dịch COVID-19, phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long cũng đã nỗ lực tham gia nhiều hoạt động truy vết, xét nghiệm, tiêm vaccine. Đại úy Phan Thị Tuyết Hồng, bác sỹ Bệnh xá Quân y tỉnh Vĩnh Long cho biết, chị được phân công hỗ trợ công tác tiêm ngừa, truy vết, còn chồng thì trực chốt kiểm soát dịch. Do tính chất công việc cả hai không thể ở nhà thường, đành để hai con tự chăm sóc cho nhau. Đại úy Phan Thị Tuyết Hồng tâm sự: "Các cháu ở nhà không tự đi chợ được, nên thỉnh thoảng lúc đi công tác mình ghé ngang nhà gửi chút thức ăn. Những lúc đó, đứng từ xa nhìn con chứ không dám lại gần, chỉ động viên các con cố gắng, hết dịch cha mẹ về”.

Đại úy Phan Thị Tuyết Hồng chia sẻ thêm, trên “mặt trận” chống dịch không thể tránh khỏi những trường hợp bị nhiễm bệnh. Vừa qua, có vài đồng nghiệp không may mắc bệnh trong lúc làm nhiệm vụ, ban đầu cũng có chút e ngại, nhưng các chị động viên nhau giữ vững tinh thần, lạc quan vượt qua dịch bệnh để tiếp tục nhiệm vụ cùng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao, cường độ và áp lực rất lớn, nhưng những nữ “chiến sỹ” trên tuyến đầu chống dịch vẫn luôn giữ vững tâm thế sẵn sàng để đóng góp cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đồng hành với tuyến đầu, ở hậu phương lực lượng nữ cũng luôn có mặt, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để thực hiện nhiệm vụ chung là đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người ở mỗi vị trí đã có những đóng góp, hy sinh cho hoạt động phòng, chống dịch, góp phần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Bài cuối: Hậu phương thầm lặng

Lê Thúy Hằng (TTXVN)