Trong dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), những "bông hồng thép" của Khối nữ sĩ quan thông tin và Khối dàn quân nhạc đang ngày đêm miệt mài luyện tập cho lễ diễu binh, diễu hành dịp lễ 30/4. Mặc dù có gian nan, vất vả nhưng họ cảm thấy tự hào, vinh quang vì được làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Thượng úy Trần Thị Hà, Khối nữ sĩ quan thông tin sau buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai vào ngày 11/4.
Giữa cái nắng bỏng rát của thao trường, từng bước chân dứt khoát, đều tăm tắp của Khối nữ sĩ quan thông tin như dệt nên bản hùng ca của ý chí và lòng tự hào. Họ là những "bông hồng thép" giữa nắng gió thao trường A50, là đại diện cho hình ảnh người nữ quân nhân Việt Nam kiên cường, bản lĩnh.
“Mồ hôi đổi lấy vinh quang”
Khi ánh mặt trời vừa nhô lên sau dãy nhà cao tầng, sân luyện tập của Khối nữ sĩ quan thông tin lại rộn ràng bước chân đều tăm tắp, tiếng hô vang xen lẫn tiếng giày đập đất nhịp nhàng. Giữa hàng ngũ chỉnh tề ấy, Thượng úy Trần Thị Hà nổi bật với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng ánh mắt rắn rỏi, kiên định.
Với Thượng úy Trần Thị Hà, người đã từng tham gia Lễ diễu binh, diễu hành đợt kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì lần trở lại này, trong đội hình chuẩn bị cho Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là một vinh dự lớn lao không gì sánh được.
Mười năm trước, Hà từng tham gia đội hình diễu binh trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm nay, Hà lại tiếp tục được lựa chọn, là một trong những “bông hồng thép” góp mặt trong lễ diễu binh quan trọng kỷ niệm 50 năm - một dấu mốc lịch sử không chỉ với đất nước, mà còn là cột mốc đầy tự hào trong hành trình quân ngũ của người nữ sĩ quan này.
“Được tham gia hai kỳ diễu binh lớn là niềm vinh dự không phải ai cũng có. Chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm và kỳ vọng mà cấp trên đặt vào, nên từng bước chân, từng động tác phải thể hiện sự chính xác, khí thế, kỷ luật của người lính”, Thượng úy Hà chia sẻ sau buổi tập.
Những bước chân kiên định của Khối nữ sĩ quan thông tin trong buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai vào ngày 11/4.
Thế nhưng, phía sau những bước đi đều tăm tắp là những tháng ngày gian khổ. Dưới cái nắng chang chang của tháng Tư, những nữ quân nhân vẫn nghiêm túc tập luyện hàng giờ liền. Bàn chân phồng rộp, đôi vai đau mỏi nhưng không một lời than vãn. Thượng úy Hà và các đồng đội luôn nhắc nhau: “Chúng ta đang là đại diện cho hình ảnh người lính thời bình - kiên cường, bản lĩnh và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.
Không chỉ là người lính trên thao trường, Thượng úy Hà còn là người vợ trong một gia đình quân nhân. Chồng chị là Thượng úy Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1990, cũng là đồng đội trong quân ngũ, người đã luôn kề vai sát cánh cùng chị từ những ngày đầu bước chân vào lính. Thượng úy Trần Thị Hà nhớ lại: "Chính vào hôm chuẩn bị vào miền Nam tham gia đợt diễu binh, chính anh Linh là người thu xếp hành lý, chuẩn bị đầy đủ từng bộ quân phục, từng vật dụng nhỏ để chị yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Mỗi khi mệt mỏi, chính anh lại là điểm tựa vững vàng nhất. Sau những buổi tập xong mệt rã rời, tôi gọi về, chỉ cần nghe anh nói vài câu động viên là như có thêm sức mạnh để tiếp tục cố gắng”, Thượng úy Hà xúc động chia sẻ.
Hoa vẫn nở giữa thao trường
Giữa đội hình thẳng tắp và kỷ luật của khối nữ sĩ quan Thông tin, những bông hoa thép vẫn lặng lẽ tỏa hương. Không ồn ào, không phô trương, các nữ quân nhân mang đến một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của sự kiên cường, mềm mại nhưng không yếu mềm, của sự hy sinh thầm lặng vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc giao phó.
Thượng úy Nguyễn Thị Duyên (bìa phải) chỉnh mũ cho Thượng úy Trần Thị Hà trên thao trường tập luyện chuẩn bị cho dịp lễ 30/4. Ảnh: NVCC
Thượng úy Trần Thị Hà chia sẻ: “Chúng tôi là phụ nữ nhưng đã khoác lên mình bộ quân phục thì nghĩa vụ và tinh thần cũng như bao đồng đội nam giới. Chúng tôi sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ và nhân dân, Tổ quốc giao phó. Vì vậy, khi được chọn tham gia luyện tập để tham gia đội hình diễu binh trong lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi không từ chối mà sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bởi với tôi và các đồng đội trong Khối nữ sĩ quan thông tin, đó là một vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là lời khẳng định bản lĩnh của những nữ quân nhân không ngại gian khó trong thời đại mới".
Vì vậy, theo Thượng úy Hà, những ngày qua, dù cường độ tập luyện ngày càng được đẩy cao khi thời khắc lịch sử 30/4 đang đến gần, tất cả đều cố gắng. Từ việc chỉnh tư thế tay cho dứt khoát đến bước chân tiến, lùi đồng bộ, tất cả đều phải chính xác tuyệt đối. Thậm chí, có những buổi tập kéo dài hàng tiếng đồng hồ, dưới cái nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng Thượng úy Hà và đồng đội không ai than vãn. Bởi với họ khi càng mệt, càng phải gắng và càng khó thì càng phải vượt lên.
Sau mỗi bước chân đều tăm tắp là vô vàn câu chuyện thầm lặng phía sau. Không chỉ riêng Thượng úy Trần Thị Hà, nhiều đồng đội của chị cũng đang tạm gác lại việc riêng, chấp nhận xa gia đình, các con và người thân để tập trung toàn lực cho nhiệm vụ chung. Còn riêng đối với Khối nữ sĩ quan thông tin, khi nhận nhiệm vụ họ đều có chung một suy nghĩ: "Đây là niềm tự hào cả đời mới có một lần".
Thượng úy Trần Thị Hà (bìa phải) và Thượng úy Nguyễn Thị Duyên khi đến ga Biên Hòa, Đồng Nai được người dân đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình.
Khi được hỏi về ấn tượng đặc biệt nhất đối với Thượng úy Trần Thị Hà và các đồng đội trong đợt hành quân vào Nam chuẩn bị cho đợt diễu binh, diễu hành dịp lễ 30/4, Thượng úy Hà cho biết: "Đó chính là tình cảm nồng hậu mà người dân miền Nam dành cho đoàn quân nhân miền Bắc. Ngay từ khi đặt chân đến sân ga, bà con đã ra tận nơi chào đón, tặng hoa, nắm tay động viên chúng tôi. Có người chỉ gặp vài phút cũng kịp dúi vào tay chiếc khăn lạnh, chai nước... Những hình ảnh đó khiến chúng tôi nghẹn ngào, thấy mình như được trở về chính ngôi nhà của mình".
Tình quân - dân được thể hiện thắm thiết tại ga Biên Hòa, Đồng Nai những ngày cuối tháng 3.
Theo Thượng úy Trần Thị Hà, chính sự tiếp đón nồng hậu ấy đã tiếp thêm lửa cho các chiến sĩ, sĩ quan miền Bắc, để mỗi bước chân tập luyện trên thao trường không chỉ là bước đi của kỷ luật mà còn là bước chân mang theo tình cảm Bắc – Nam một nhà. “Tình cảm ấy khiến chúng tôi càng phải quyết tâm luyện tập tốt hơn, đều hơn, đẹp hơn. Vì chúng tôi hiểu, mình đang là một phần trong hình ảnh thiêng liêng của đất nước trong ngày hội lớn của dân tộc", Thượng úy Hà chia sẻ thêm.
Khép lại câu chuyện, Thượng úy Trần Thị Hà chỉ cười nhẹ, ánh mắt ánh lên niềm tự hào: “Chúng tôi là những bông hồng thép - có thể không nổi bật, không lộng lẫy nhưng luôn bền bỉ, vững vàng. Được góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong ngày trọng đại của đất nước, đó là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi”.
Bài cuối: Hậu phương vững chắc của người lính