04:09 17/04/2015

Những bộ trưởng 'ngoại' được kỳ vọng thúc đẩy cải cách ở Ukraine

Những bộ trưởng "ngoại" đang được kỳ vọng thúc đẩy cải cách ở Ukraine, biến đổi Ukraine theo hướng tốt hơn.

Cuối năm ngoái, bà Natalie Jaresko đang ở trong văn phòng Kiev thuộc công ty đầu tư mà bà thành lập từ năm 2006 thì các nhà "săn lãnh đạo" tìm đến. Ít ngày sau đó bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính của Ukraine.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ukraine tại Chicago (Mỹ), bà Jaresko là một trong nửa tá người nước ngoài hoặc người mang hộ chiếu nước ngoài được bổ nhiệm vào những vị trí cấp cao và chính thức trong chính phủ Ukraine sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 năm ngoái. Một con số tương tự đang giữ những vị trí thấp cấp hơn hoặc đóng vai trò cố vấn. Họ được kỳ vọng có thể giúp chính phủ đương đầu với suy thoái kinh tế và thúc đẩy tiến trình cải cách, đặc biệt là chiến đấu với nạn tham nhũng vốn đã làm tê liệt hệ thống chính quyền và ngăn cản sự phát triển của đất nước.

Bà Natalie Jaresko, Bộ trưởng Tài chính Ukraine. Ảnh: kyivpost.com


Bà Jaresko, cựu quan chức ngoại giao từng được bổ nhiệm là Đại sứ Ukraine tại Mỹ năm 1992, là nhân vật cao cấp nhất trong số này. Bà dẫn đầu các cuộc thương lượng gói cứu trợ trị giá 17,5 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cộng thêm 7,5 tỉ USD nữa từ các nhà tài trợ, được thỏa thuận tháng trước, và đang đàm phán tái cơ cấu khoản nợ trị giá 15 tỉ USD của Ukraine. Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), bà Jaresko nói: "Tôi đảm nhận công việc này vì lòng yêu nước thuần túy. Tôi đã có một công việc và cuộc sống tuyệt vời. Tôi nhận việc này bởi tôi nghĩ rằng đó là lĩnh vực mà tôi có thể góp thêm giá trị".

Các vị trí bổ nhiệm mới còn có Bộ trưởng Kinh tế Aivaras Abromavicius, một nhà cựu quản lý quỹ đầu tư. Sinh ở Lithuania, ông Abromavicius từng sống ở Estonia, Mỹ rồi Nga trước khi quyết định "an cư" tại Kiev với một người vợ Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế Aivaras Abromavicius. Ảnh: RT


Nhưng chiếm đông nhất trong đội ngũ "ngoại" này là những người Georgia từng nằm trong nhóm các nhà cải cách dưới thời cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili sau cuộc Cách mạng Hoa Hồng năm 2003. Đây được coi là nhóm tinh hoa từng biến đổi George từ một đất nước trì trệ lọt vào tốp 10 quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất nhất theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Ông Alexander Kvitashvili, Bộ trưởng Y tế mới của Ukraine và ông David Sakvarelidze, Phó Tổng Công tố, đều đã giữ những chức vụ tương tự tại Tbilisi. Hai thứ trưởng sinh ở Georgia cũng vậy, trong đó nữ Thứ trưởng Nội vụ Eka Zguladze từng đứng đầu chương trình cải cách ngành cảnh sát của Georgia. Bản thân cựu Tổng thống Georgia Saakashvili cũng đóng vai trò "nhà cố vấn bên ngoài" cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, và đứng đầu một Hội đồng tư vấn cải cách.

Theo giới quan sát, quyết định "phi chính thống" bổ nhiệm nhiều nhà kỹ trị sinh ở nước ngoài vào chính phủ không chỉ mang đến những luồng gió cải cách ở một đất nước đang trầy trật chống chọi chiến tranh và khủng hoảng kinh tế như Ukraine, mà còn giúp nước này dần dà đoạn tuyệt với một hệ thống quản trị từ lâu bị thâu tóm bởi các nhà tài phiệt thương mại. Ông Adrian Karatnycky, thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá đội ngũ "ngoại" mới được bổ nhiệm đã làm việc khá tốt. Trong khi đó, "kiến trúc sư" của liệu pháp cải cách sốc của Ba Lan thập niên 1990 Leszek Balcerowicz cho rằng sự kết hợp này đã mang lại một chính phủ Ukraine tốt nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng những thách thức trước mắt Chính phủ Ukraine là vô cùng lớn. Bộ trưởng Tài chính Jaresko đã phải thúc đẩy các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của IMF, bao gồm cả những cắt giảm không được lòng dân và tăng giá nhiên liệu hộ gia đình vốn đang được trợ giá lên gần bằng giá thị trường. Nữ Bộ trưởng từng tốt nghiệp Đại học Havard danh tiếng này khẳng định "nhiều việc đã thay đổi" và những thành công bước đầu có thể kể đến là việc cắt giảm mạnh hao hụt năng lượng và trấn áp tham nhũng. Bà cho biết việc cắt giảm thuế và các biện pháp cấm chuyển nhượng lợi nhuận ra các cơ sở ngoài nước có thể giúp tăng nguồn thu mà lại còn giảm được tình trạng kinh tế ngầm và trốn thuế. Bà cũng bày tỏ tin tường rằng "những thay đổi thiết chế thực thụ" đang đến và sẽ làm biến đổi Ukraine theo hướng tốt hơn.

Bộ trưởng Kinh tế Abromavicius đang đi đầu các nỗ lực đơn giản hóa thủ tục và tái điều chỉnh nền kinh tế vốn đã bị "chết ngạt" bởi nạn tham nhũng thâm căn cố đế. Các văn bản luật có hiệu lực từ tháng này đã giảm đi nhiều thủ tục trong việc đăng ký kinh doanh, đồng thời ngăn chặn cơ hội tham nhũng của những người có quyền lực. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Kvitashvili đã sa thải tất cả các giám đốc sở trong nỗ lực làm trong sạch bộ máy lãnh đạo ngành y tế vốn có tiếng là chỉ biết ăn tiền đút lót của bác sĩ để gia hạn giấy phép hành nghề cho họ thay vì cải thiện chất lượng y tế. Thứ trưởng Nội vụ Zguladze đang khởi động một kế hoạch cải tổ quyết liệt với mục tiêu xóa sổ tệ nạn nhận hối lộ tràn lan trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Đối với bà Jaresko hay ông Abromavicius, những người có thu nhập hàng năm tính theo USD lên đến 7 con số - thì việc bỏ công sức và thời gian gánh vác cương vị bộ trưởng với mức lương chỉ vài trăm USD rõ ràng là một sự hy sinh vì đất nước thứ hai của mình. Nhưng đối với một số người, đặc biệt là những người Georgia, nhận lời làm việc cho Chính phủ Ukraine còn có ý nghĩa khác nữa. Theo lời một quan chức Ukraine, những người Georgia muốn một ngày nào đó sẽ trở về nước họ nhưng không phải với một vị trí chính trị yếu kém. Bởi thế, họ đang nỗ lực thể hiện mình thành công như thế nào ở môi trường quốc tế và Ukraine thật may mắn khi có được sự phục vụ của họ lúc này.


 Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)