06:05 16/06/2014

Những "bệnh viện" giữa trùng khơi

Giữa trùng khơi đầy sóng gió, những chiến sĩ quân y trên hệ thống nhà giàn DK1 luôn ngày đêm tận tụy chăm lo sức khỏe cho những người lính và ngư dân trên biển.

Giữa trùng khơi đầy sóng gió, những chiến sĩ quân y trên hệ thống nhà giàn DK1 luôn ngày đêm tận tụy chăm lo sức khỏe cho những người lính và ngư dân trên biển.

 

Khám, kiểm tra sức khỏe cho chiến sĩ tại nhà giàn DK1/10, Tiểu đoàn DK1.

DK1 (viết tắt của cụm từ “Cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật) là hệ thống nhà giàn đóng trên thềm lục địa phía Nam, là cột mốc chủ quyền trên biển, khẳng định chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Nhà giàn chênh vênh giữa biển, quanh năm chỉ có mây trời và sóng vỗ, nhưng những người lính nhà giàn vẫn luôn yêu đời, chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Không những thế, họ còn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi hoạt động đánh bắt thủy sản trên vùng biển đất nước.


Thiếu tá Trần Đăng Hùng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/18 cho biết: "Mỗi khi gặp tai nạn hay ốm đau, ngư dân thường tìm đến nhà giàn chúng tôi để nhờ giúp đỡ, do đó, các chiến sĩ quân y ngoài nhiệm vụ chăm sóc anh em trên nhà giàn, còn kiêm luôn nhiệm vụ bác sĩ của ngư dân".


Đồng chí Phạm Văn Bảy, đại úy quân y tại nhà giàn DK1/14 cũng chia sẻ: "Ngoài việc đối mặt với những khó khăn như nắng, gió, bão bùng, nhiều khi xuống hỗ trợ, chữa trị cho ngư dân trên tàu đánh cá cũng khá khó khăn. Dù tôi đã ở nhà giàn 10 năm nay, nhưng những khi sóng to gió lớn, say sóng là điều khó tránh khỏi. Tàu cá trên biển chòng chành, để lấy được ven cắm kim tiêm hay chai truyền hoặc khâu vết thương cũng mất thời gian và khó hơn nhiều so với trên đất liền".


Trong hơn 10 năm công tác tại nhà giàn, đồng chí Phạm Văn Bảy đã có không ít kỷ niệm đáng nhớ khi chữa trị cho ngư dân ở đây. “Có hôm đêm tối, thuyền đánh cá ngư dân cập chân nhà giàn gọi nhờ các chiến sĩ giúp đỡ. Trên tàu của họ có người đi đánh cá bị thương nặng, trong quá trình đánh cá bị rách tay và bị chấn thương nặng, họ tự lấy chỉ khâu quần áo để khâu vết thương hàng chục mũi nhưng không cầm được máu. Tôi cùng các anh em thả dây cho họ đu lên nhà giàn, rồi sát trùng và khâu lại vết thương cho bệnh nhân. Cũng có khi, ngư dân bị thương nặng thì nằm lại điều trị ở nhà giàn vài hôm đợi bình phục rồi mới xuống tàu", đồng chí Phạm Văn Bảy kể.


Cùng với nhà giàn, những chiếc tàu trực hải quân dọc thềm lục địa cũng là những "bệnh viện" để ngư dân tìm đến mỗi khi bị tai nạn hay ốm đau.


Đến bây giờ, quân y vùng 2 hải quân Vũ Văn Công vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây 1 năm. “Trong 1 chuyến đi tuần tiêu ở DK1/10 bãi cạn Cà Mau trên tàu HQ935, lúc đó là 3 giờ 45 phút sáng, cả tàu đang ngủ bỗng nhiên có người gọi tôi dậy cấp cứu cho ngư dân. Tôi theo ghe đánh cá của họ để đến cấp cứu. Trong đêm tối, sóng to, ghe nhỏ lắc lư nên mặc dù đã được rèn luyện rất nhiều, tôi cũng lử lả vì sóng. Đến nơi thấy một ngư dân nằm đó, bị liệt nửa người, huyết áp rất thấp, nếu không sơ cứu kịp thời thì sẽ bị tử vong hoặc liệt toàn thân. Đây là một ca khá khó trong điều kiện thiếu thốn giữa biển. Sau khi được uống thuốc và châm cứu một số huyệt thì bệnh nhân bắt đầu cử động được. Cấp cứu cho bệnh nhân xong thì cũng là lúc trời sáng rõ”, đồng chí Vũ Văn Công kể.


Không chỉ là "bệnh viện" chữa trị cho ngư dân, các chiến sĩ nhà giàn, tàu trực còn chia sẻ, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt. "Có những khi ngư dân đi dài ngày hết lương thực, nước ngọt, chúng tôi cũng chia sẻ với họ. Tùy vào điều kiện của nhà giàn khi đó mà chia sẻ cho họ từ dầu ăn, bột ngọt, gạo ăn và đặc biệt là nước ngọt", đồng chí Trần Đăng Hùng chia sẻ.


Hơn 20 năm đi vào hoạt động, cụm nhà giàn DK1 ngày càng được xây dựng hiện đại hơn, là những cột mốc sừng sững, vững chãi để trấn giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Và mỗi bác sĩ quân y, mỗi nhà giàn hay tàu trực hải quân giữa vùng trời này, luôn là những “bệnh viện”, là bạn đồng hành, giúp đỡ ngư dân bất cứ khi nào.


Thu Trang