05:19 19/05/2020

Những bệnh nhân COVID-19 'thầm lặng' vẫn có khả năng phát tán virus

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên bề mặt một số đồ vật trong các căn phòng khách sạn nơi hai bệnh nhân không triệu chức từng lưu trú.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra các mẫu vaccine bất hoạt phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhà máy của Sinopharm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nghiên cứu được công bố ngày 18/5 trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm mới nổi của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, các nhà khoa học tại Trung Quốc đã kiểm tra hai căn phòng khách sạn nơi hai du học sinh nước này lưu trú sau khi về nước vào ngày 19 và 20/3. Vào thời điểm đó, cả hai đều không có dấu hiệu mắc bệnh và được đưa đến khách sạn để cách ly 14 ngày. Đến buổi sáng ngày thứ hai, cả hai vẫn không xuất hiện triệu chứng song lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được nhập viện sau đó. 

Ba tiếng sau khi xét nghiệm, các nhà nghiên cứu bắt đầu lấy mẫu nhiều bề mặt khác nhau trong hai căn phòng, gồm tay nắm cửa, công tắc điện, tay cầm vòi sen, nhiệt kế, điều khiển TV, vỏ gối, vỏ chăn, khăn tắm, ga trải giường, bệ và nút xả toilet. Trong số 22 mẫu thử có 8 mẫu dương tính, trong đó 6 mẫu được lấy từ căn phòng của bệnh nhân thứ nhất khi virus hiện diện trên công tắc điện, tay nắm cửa phòng tắm, ga trải giường, vỏ chăn, vỏ gối và khăn tắm. Trong khi đó, trong căn phòng của bệnh nhân thứ hai, các mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên vòi sen và vỏ gối.

Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này cho thấy người bệnh COVID-19 không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus rộng rãi ra môi trường chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Đáng chú ý là thời gian tiếp xúc càng lâu thì lượng virus lưu lại càng lớn, chẳng hạn trường hợp vỏ gối và ga trải giường.

Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo phải có một quy trình xử lý thích hợp khi thay giặt chăn gối của bệnh nhân mắc COVID-19.

Nghiên cứu trên được các nhà khoa học Trung Quốc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc thành phố Thanh Đảo và tỉnh Sơn Đông, Trung tâm Nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke Côn Sơn và Viện Vi trùng và dịch tễ Bắc Kinh thực hiện. 

Trong rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá xoay quanh chủng virus Corona mới này, các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn đang tìm hiểu xem virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại trong khoảng 3 giờ đồng hồ đến 7 ngày, tùy vào từng vật liệu.

Hồng Hạnh (TTXVN)