12:17 31/12/2011

Những áp lực của người thu thuế

“Luôn chịu áp lực về rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cộng thêm ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân nộp thuế không phải lúc nào cũng tốt khiến những người làm công tác thu ngân sách nhà nước phải chịu nhiều áp lực”.

“Luôn chịu áp lực về rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cộng thêm ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân nộp thuế không phải lúc nào cũng tốt khiến những người làm công tác thu ngân sách nhà nước phải chịu nhiều áp lực”. Đây là trăn trở, tâm sự của khá nhiều người làm trong ngành thuế khi nói về công việc của mình.

Từ áp lực công việc

Là người khá vui tính và cởi mở, anh Ngô Xuân Huấn - Đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 1 của Chi cục Thuế quận Long Biên (Hà Nội), Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, anh công tác ở bộ phận này từ đầu năm 2011 - thời điểm toàn ngành thuế Hà Nội quyết liệt triển khai, thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. “Quận Long Biên có 3.600 doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa cùng với hơn 6.000 hộ kinh doanh. Bình thường, quản lý một số lượng lớn đối tượng nộp thuế như vậy đã là một nhiệm vụ nặng nề cho hai đội kiểm tra thuế của chi cục với biên chế là 20 người cùng hai đội thuế liên phường. Nhưng năm nay, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, toàn ngành thuế vừa phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, vừa triển khai, thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ thì nhiệm vụ này càng thêm khó khăn”, anh Huấn nói.

Người dân nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Theo tâm sự của người đội trưởng này, sự vất vả, áp lực công việc của công chức thuế đến từ những đặc thù, tính chất và cả sự... éo le khó chia sẻ. Ví dụ cụ thể, tháng 3 năm nào cũng là thời gian cao điểm nhất trong năm của ngành thuế với việc phải tiếp nhận cùng lúc nhiều loại hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp theo quy định. Những ngày này, tình trạng doanh nghiệp xếp hàng dài chờ nộp quyết toán thuế lại đến hẹn là diễn ra. Tất cả bởi tâm lý chung của đại đa số doanh nghiệp là cố gắng chờ đến hạn cuối cùng mới nộp báo cáo thuế nhằm tận dụng tối đa số tiền lẽ ra sẽ phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Điều này đã vô tình gây áp lực cho cả hai phía: cơ quan thuế và doanh nghiệp. “Hiện nay, người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Quy định này nhằm giảm tải công việc cho công chức thuế. Cơ quan thuế chỉ cần hậu kiểm khi có đầy đủ thẩm quyền truy thu, xử phạt nếu người nộp thuế gian dối. Nhưng quy định này cũng đang lộ ra những kẽ hở để những doanh nghiệp gian dối dùng đủ mọi mánh khóe để lách luật”, anh Ngô Xuân Huấn bộc bạch.

Chia sẻ những vất vả của đồng nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Long Biên, ông Võ Xuân Hùng cũng cho hay: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh, Nhà nước đã có nhiều cơ chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách để trốn thuế, chiếm dụng vốn nhà nước. Điển hình là tình trạng mua bán hóa đơn và thủ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài (FDI). “Trung bình mỗi năm quận Long Biên “khai tử” gần trăm doanh nghiệp mới thành lập mua bán hóa đơn rồi bỏ trốn, giải thể. Chúng tôi đã phải chuyển hồ sơ các đối tượng này sang cơ quan công an để xử lý. Hiện nay, các doanh nghiệp này để lại khoản nợ không có khả năng thu hồi lên tới 13 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết.

Một cán bộ công tác lâu năm trong Tổng cục Thuế cũng tâm sự: Công chức ngành thuế đang ngày càng vất vả, chịu sức ép nặng nề trước ý thức chấp hành pháp luật kém của doanh nghiệp. Việc này không chỉ gây khó khăn, vất vả cho cán bộ thuế trong việc quản lý mà còn làm thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo ra một áp lực rất lớn đối với các cấp quản lý.

Nỗ lực vượt khó để tăng thu ngân sách

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bằng sự nỗ lực bền bỉ, những người làm công tác thuế đã vượt qua những khó khăn, vất vả, áp lực và sức ép công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Long Biên Võ Xuân Hùng: Dù suy giảm kinh tế đã được kiểm soát, khủng hoảng tài chính dần được ngăn chặn, song tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó thể hiện qua việc từ đầu năm đến hết quý II/2011, thu ngân sách của chi cục luôn đạt và vượt dự toán pháp lệnh, nhưng từ tháng 7, số thu đã giảm. Để thực hiện tốt chỉ tiêu thu, chi cục đã phải tính toán, phân tích, đánh giá lại trên tình hình thực tế, khả năng thu theo từng nguồn thu, sắc thuế, đồng thời áp dụng những biện pháp linh hoạt. Từ những nỗ lực trên, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2011 đã được trên 1.983 tỷ đồng, vượt 27% dự toán pháp lệnh và bằng 84% dự toán phấn đấu, vượt 44% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa trừ tiền sử dụng đất đạt trên 783,1 tỷ đồng, vượt 28% so với dự toán pháp lệnh, vượt 18% dự toán phấn đấu và vượt 31% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cục Thuế thành phố cho hay: Để quản lý sát sao và không tạo kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật, trốn thuế, ngành thuế Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, công tác hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả: Duy trì đường dây nóng để giải đáp trực tiếp các vướng mắc cho các doanh nghiệp, cá nhân qua điện thoại (bình quân 60 cuộc/ngày); Hướng dẫn, trả lời người nộp thuế bằng văn bản (hàng nghìn văn bản/năm); Tập huấn hướng dẫn chính sách, chế độ về thuế; hướng dẫn, cài đặt phần mềm kê khai thuế (mã vạch hai chiều, kê khai thuế qua mạng, quyết toán thuế thu nhập cá nhân) tại doanh nghiệp... Bộ phận “một cửa” tại Văn phòng Cục và các chi cục thuế được duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ người nộp thuế (hướng dẫn trực tiếp trên 70 lượt đối tượng/ngày về các thủ tục hành chính, chính sách thuế).

Đặc biệt, từ ngày đầu năm 2011, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế; khẩn trương đẩy mạnh công tác quản lý nợ thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để chống thất thu ngân sách (Phối hợp với cơ quan công an và cơ quan hữu quan khác trong việc thanh, kiểm tra chống thất thu ngân sách; với cơ quan tài chính trong hoạt động kiểm tra giá, kiểm tra hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố)... Tất cả hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách trong năm, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Nhờ những nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, trong đó có đội ngũ cán bộ ngày càng được chuẩn hóa và có trình độ cao, cùng việc ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin vào công tác quản lý, thu thuế... năm 2011, tổng thu ngân sách của Cục Thuế Hà Nội ước thực hiện tới 113.420 tỷ đồng, vượt 10,3% dự toán pháp lệnh, vượt 8,2% dự toán Hội đồng nhân dân giao, tăng 18,3% so với thực hiện năm 2010.

Minh Phương - Anh Tùng