12:17 30/12/2018

Nhức nhối vi phạm hành lang lưới điện

Vi phạm hành lang lưới điện đang là một thực tế nhức nhối đối với ngành điện.

Dù số trường hợp vi phạm có giảm nhưng để đạt được điều này là cả một sự nỗ lực rất lớn từ cấp chính quyền đến ngành liên quan, đặt biệt ngành điện lực đã có sự quyết tâm dành nguồn lực tài chính, cho việc di dời hay hạ ngầm đường dây điện để đảm bảo an toàn.

Chú thích ảnh
Công trình, nhà xưởng sản xuất gỗ tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội ) vi phạm khoảng cách àn toàn đường dây điện trần trung áp.

Giữa năm 2017, người dân xã thôn Phú Ổ xã Bình Phú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bùng lên phản ứng khi không thể xây dựng nhà cao tầng dù đất của họ đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do nằm dưới đường dây điện trần trung thế 35kV.

Khảo sát thực tế ở thời điểm trên, làng Phú Ổ có hơn chục nóc nhà với vài chục nhân khẩu nằm trọn trong hành lang đường dây điện 3kv. Do xây dựng công trình dưới đường điện trung thế, có người dân đã bị điện giật gây thương tích phải đi điều trị dài ngày tại Viện Bỏng Quốc gia.

Theo Công ty Điện lực Thạch Thất tuyến đường dây trên được UBND xã Bình Phú đầu tư từ những năm 1995, khi đó đường dây được thiết kế chạy qua cánh đồng rìa làng thôn Phú Ổ. Tuy nhiên, do phát triển của địa phương nên năm 2007 khu đất trên được huyện Thạch Thất quy hoạch và bán đấu giá cho người dân. Bẵng đi một thời gian đến năm 2015 - 2017 người dân thôn Phú Ổ thực hiện xây dựng công trình cao tầng để ở thì vướng hành lang lưới điện trung thế kể trên.

Trước đòi hỏi chính đáng của người dân về di chuyển đường dây điện 35kV, huyện Thạch Thất đã giao cho Công ty Điện lực huyện lập đề án thiết kế để di chuyển tuyến đường dây kể trên để “né” người dân. Nguồn vốn di chuyển đường dây trên do ngân sách huyện Thạch Thất chi trả.

Đến nay, sau một thời gian thi công tuyến đường dây 35kV Phú Bình đã được dịch chuyển sang vị trí an toàn hơn, đảm bảo quy hoạch. Anh Nguyễn Nguyễn Văn Hợi, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng từ tuyến đường dây 35kV Phú Bình cũ bày tỏ vui mừng vì đã thoát được nỗi ám ảnh đường dây diện treo lơ lửng trên đầu từ nhiều năm nay. Anh cho biết, dự kiến sẽ xây dựng thêm tầng nữa (nhà 2 tầng - PV) để tiện sản xuất gỗ, vì không còn lo vướng vào đường điện.

Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nổi tiếng cả nước với nghề sản xuất chế biến gỗ. Ở đây nhà nhà mở xưởng chế biến gỗ, người người làm tham gia nghề mộc. Do diện tích đất sản xuất eo hẹp, lại đang có tốc độ phát triển nhanh và mạnh, kéo theo đó các ngành nghề được mở mang phát triển. Nhưng mặt trái là nhiều nhà xưởng ở đây đã nằm dưới dây điện trần trung áp, vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn (công trình dưới 3 mét so với đường dây).

Theo Công ty Điện lực Thạch Thất, đường dây 22kV chạy qua Hữu Bằng, cấp điện cho một phần xã Thạch Xá được xây dựng từ năm 1991. Khi xây dựng là lưới điện 10kV, qua quá trình vận hành đến năm 2012 tuyến đường dây được nâng cấp điện áp vận hành từ 10kV lên 22kV.

Đáng nói, trong chiều dài toàn tuyến khoảng 3km thuộc lộ 472 E1.28 (dây điện trần) thì có khoảng 100 hộ dân xây dựng nhà xưởng dưới đường dây 22kV, thuộc các thôn: Ba Mát, thôn Bò, thôn Miễu của xã Hữu Bằng. Các hộ dân ở đây đều xây lán sản xuất gỗ ngay sát dưới đường điện trung áp. Nhiều vị trí đường dây chỉ cách mái nhà xưởng chừng nữa mét, rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Hợp tác xã mua bán điện Hữu Bằng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên tuyến đường dây 22kV qua Hữu Bằng đã 5 lần xảy ra sự cố, trong đó đa phần vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.

Đơn cử, ngày 17/5/2018 sự cố đã xảy ra tại khoảng cột 25 - 26 nhánh Hữu Bằng 2, lộ 472 E1.28. Hộ ông Phan Văn Phi (thôn Miễu) trong quá trình gia cố phần mái tôn gần hành lang an toàn ông trình lưới điện cao áp đã sơ ý vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện trung thế 22kV đang vận hành gây phóng điện. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người, tuy nhiên khu vực khu vực cạnh sự cố bị mất điện thời gian dài.

Để an toàn tính mạng tài sản cho người dân, doanh nghiệp nằm dưới đường điện 22kV Hữu Bằng, Công ty Điện lực Thạch Thất đã xin ý kiến của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho phép được hạ ngầm tuyến đường dây 22kV kể trên.

Theo ông Vũ Cường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực huyện Thạch Thất, phương án di chuyển đường dây 22kV nhánh Hữu Bằng 2 được thực hiện từ năm 2017 bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng 2018 của ngành điện. Hình thức cải tạo là hạ ngầm nhánh đường dây từ vị trí cột 20 đến trạm biến áp Hữu Bằng 3 (tuyến đường dây đi trên lán xưởng các hộ dân) có chiều dài tuyến khoảng 1,7km, với kinh phí xấp xỉ 14 tỷ đồng.

Hiện nay Công ty điện lực Thạch Thất triển khai thi công hạ ngầm, dự kiến hoàn thành, nghiệm thu đóng điện xong trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Sau khi công trình hoàn thành sẽ giảm được vi phạm hành lang, giúp hàng trăm hộ dân không còn nơm nớp lo sợ tai nạn điện từ đường dây trung thế.

Cho biết về quyết tâm của chính quyền trong giải tỏa vi phạm hành lang lưới điện, ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất nhấn mạnh, trong thời gian qua huyện đã nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hàng lang lưới điện bằng việc trích kinh phí di chuyển, đường dây trạm biến áp…

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số công trình cải tạo, xây mới nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Để đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước, huyện Thạch Thất luôn đôn đốc các đơn vị tuần canh kiểm tra hành lang bảo vệ lưới điện trung, cao áp, trạm điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý. Trong trường hợp đủ các điều kiện, huyện sẽ kiên quyết giải tỏa, xử lý dứt điểm vi phạm hành lang cũng như công trình điện.

Theo ông Tạ Quang Thắm, Trưởng ban An toàn - Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), số vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn có giảm. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc xử lý, ngăn chặn vi phạm hành lang lưới điện. Bằng chứng, trong thời gian qua, để giảm được số vi phạm hành lưới điện EVN HANOI tự bỏ nguồn lực không nhỏ để thực hiện hạ ngầm hoặc di chuyển đường dây. Trong khi đó nhiều công trình, hình thành sau đường dây của EVN HANOI, càng làm cho vi phạm hành lang khó giải quyết.

Do vậy, ông Tạ Quang Thắm đề nghị, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa cùng với ngành điện để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn Thủ đô.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)