06:05 01/06/2017

Nhức nhối an toàn thực phẩm

Dù được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự quan tâm hơn của các bộ, ngành, địa phương, nhưng từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của các vụ việc.

Rùng mình lo sợ thực phẩm "bẩn" bủa vây

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước thanh, kiểm tra trên 3,35 triệu cơ sở và phát hiện trên 678.700 cơ sở vi phạm ATTP, tương đương 20,3%. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, số vụ vi phạm ATTP vẫn liên tiếp được phát hiện, gây hoang mang cho người dân.

Sáng 9/5/2017, đoàn kiểm tra đột xuất tại Nhà ăn A1 -5 (số 15 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng) phục vụ khoảng 300 suất ăn/ngày cho cán bộ, học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.


Mới đây nhất, ngày 29/5, lực lượng cảnh sát giao thông, công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với cảnh sát môi trường của tỉnh bắt giữ xe container chở 41 thùng hàng với khối lượng gần 3 tấn, chủ yếu là nội tạng động vật, không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối được ngụy trang như hàng hải sản sạch.


Trước đó ít ngày, các bà mẹ có con nhỏ mê xúc xích đã vô cùng lo lắng khi cơ quan chức năng phát hiện cơ sở chuyên chế biến và sản xuất xúc xích trên đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai (Hà Nội) không chỉ sử dụng những loại thịt hôi thối, mà ngay cả những loại xúc xích hỏng, hết hạn cũng tận dụng lại.


Điều lo ngại hơn cả là để cho xúc xích thơm ngon, chủ cơ sở này còn “phù phép” bằng hơn 10 loại phụ gia; trong đó có nhiều loại phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ với đủ màu sắc...


Trong khi đó, suốt từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đau đầu với tình trạng ngộ độc rượu methanol khiến ít nhất 14 - 15 người tử vong và hàng trăm người phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.


Từ ngày 1/10/2016 đến nay, riêng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 4 tỷ đồng; trong đó có 11 cơ sở vi phạm về quảng cáo, 9 cơ sở vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ, 4 cơ sở vi phạm nhiều hành vi về ATTP khác.


“Trước những thông tin về vi phạm ATTP ngày một gia tăng, người nội trợ như tôi rất lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn vì rau, quả, thịt, thủy sản đều chưa có nhãn, mác... Đến ngay cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý khi phát hiện vi phạm ATTP thì người dân chúng tôi làm sao có thể trở thành người tiêu dùng thông thái được”, chị Nguyễn Thị Thắng, phố Bùi Ngọc Dương, Hà Nội, bức xúc.


Lực lượng thiếu và yếu!?

Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm ATTP luôn nhức nhối, cho dù đã có chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương? Theo đại diện Bộ Y tế, cơ bản là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng còn hạn chế...


Hiện tại, lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Thống kê cả nước mới có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP (phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác) trong khi ở Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên ATTP, còn Nhật Bản là trên 12.000 thanh tra...


Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, công tác đảm bảo ATTP đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, không bộ, ban, ngành nào có thể cắt cử nhân lực xuống tận địa bàn để xử lý hết vi phạm được. Thế nhưng, đến nay, vẫn có những địa phương chưa quan tâm, không bố trí hoặc bố trí không đầy đủ nguồn lực (kinh phí, nhân lực) cho hoạt động này.


Bên cạnh những vấn đề nêu trên, đại diện cả ngành y tế và nông nghiệp đều phản ánh, do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự nên hiệu quả xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP chưa cao.


Đơn cử, Điều 244, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), quy định "Tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP" nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết: "Gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng"...


Đây cũng chính là lý do vì sao từ năm 2011 - 2016 đến nay, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố được duy nhất vụ án Nguyễn Duy Vường, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội cùng 2 nhân viên có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người tại Quảng Ninh.


Gắn trách nhiệm người đứng đầu và quản lý từ "gốc"

Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, trước đây người dân bức xúc về thực phẩm bẩn, nhiễm khuẩn nhưng hiện nay điều mà họ lo lắng nhất là liệu có các chất độc hại nằm trong thực phẩm hay không. Do đó, cơ quan quản lý cần chủ động lựa chọn những “mũi nhọn” để tập trung giải quyết tận gốc vi phạm ATTP.


Cụ thể, như TP Hồ Chí Minh cần ban hành ngay quy định về quản lý hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm, cần xem đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các chất phụ gia này phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, được chứng nhận.

Từ năm 2011 - 2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với hơn 5.065 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Từ ngày 18/12/2016 - 17/5/2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.006 người bị ngộ độc, trong đó ít nhất 16 trường hợp tử vong.


Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng: Ngoài vai trò của các bộ, ngành thì các cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) cần chủ động hơn trong công tác kiểm tra, giám sát ATTP. Đặc biệt, sau Chỉ thị số 13 của Chính phủ ngày 13/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cũng đã nhấn mạnh vai trò và quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu không kiểm soát được tình hình...


Vậy nên, nếu các cấp chính quyền thực sự quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm ATTP thì công tác này chắc chắn sẽ có sự chuyển biến.


Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, ngoài câu chuyện phải giám sát, quản lý sản xuất thực phẩm theo chuỗi... thì Bộ luật Hình sự năm 2015 cần sớm được thông qua để cơ quan chức năng có thêm công cụ xử lý vi phạm ATTP với mức xử phạt mang tính răn đe hơn.


“Hiện nay, chỉ khi vi phạm ATTP gây thiệt hại hoặc gây nghiêm trọng thì mới xử lý hình sự, tức là phải có thiệt hại về người thì mới có thể xử lý hình sự. Nhưng thiết kế Bộ luật Hình sự mới sẽ có sự thay đổi theo hướng tăng mức xử phạt, nếu cố ý sử dụng chất cấm đầu độc cả một thế hệ thì sẽ xử lý hình sự. Sau luật sẽ có các văn bản hướng dẫn chi tiết nên việc sử dụng chất cấm sẽ dần thay đổi trong nhận thức và hành vi của người dân”, ông Việt khẳng định.


Phương Liên - Đinh Hằng /Báo Tin Tức