03:20 29/03/2015

Nhu cầu tuyển lao động gia tăng

Nhu cầu tuyển lao động tại các cơ sở sản xuất bắt đầu gia tăng từ cuối tháng 3, nhiều lao động ngoại tỉnh cũng tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Theo các trung tâm dịch vụ việc làm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển lao động tại các cơ sở sản xuất bắt đầu gia tăng từ cuối tháng 3, nhiều lao động ngoại tỉnh cũng tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Sau Tết, người lao động tất bật đi tìm việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Ảnh: Hoàng Tuyết.


“Săn” cơ hội mới


Những ngày nay, anh Đỗ Thanh Vũ, quê Thanh Hóa, thường xuyên có mặt tại các trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh để “săn” việc làm mới. Anh Vũ cho biết: “Tôi là kỹ sư xây dựng, tuy nhiên do nơi làm việc quá xa nên tôi đã nghỉ việc từ trước Tết. Đầu năm các doanh nghiệp thường đăng tin tuyển dụng nhiều, chế ngộ đãi ngộ tốt, điều này sẽ giúp tôi có nhiều cơ hội tìm việc làm mới phù hợp hơn”.

Từ sau Tết đến nay, các ứng viên đến đăng ký tìm việc rất đông tại các trung tâm giới thiệu việc làm thành phố, trung tâm giới việc làm thanh niên… . Đại diện sàn giao dịch việc làm TP HCM chia sẻ: “Đầu năm, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc thành lập mới… nên cũng cần nhiều lao động mới”.

Ghi nhận tại các trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM cho thấy, các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao hiện nay là dịch vụ, phục vụ (24%); kinh doanh và bán hàng (19%); dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (11%); kinh doanh tài sản - bất động sản; công nghệ thông tin, cơ khí, may mặc… Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc làm có số lượng nhiều ở một số ngành nghề như: Kế toán - kiểm toán, kinh doanh, cơ khí  tự động hóa, dịch vụ du lịch… Nhu cầu tìm việc tập trung nhiều nhất ở trình độ đại học (61%); cao đẳng (20%); trung cấp (9,07%); lao động chưa qua đào tạo - Sơ cấp nghề - CNKT (6,44%). Đặc biệt, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm lâu năm từ 1 - 5 năm.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết:  Tình hình đầu tư trong nước và thu hút nước ngoài tiếp tục tăng, điều này đã tác động tích cực lên thị trường lao động. Nhu cầu nhân lực thành phố trong quý I/2015 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện toàn TP HCM có khoảng  3.946 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 37.976 chỗ làm việc và 17.642 lao động có nhu cầu tìm việc. Trong tháng 4/2015, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 20.000 chỗ làm việc và 7.000 lao động thời vụ, bán thời gian thu hút lực lượng lao động là sinh viên trong các nhóm ngành như: Dịch vụ, du lịch, tổ chức chương trình, sự kiện lễ hội, dịch vụ trang trí, vệ sinh, phiên dịch viên… Ngoài ra, trong quý II/2015, nhu cầu tìm việc tăng khoảng 20% so với quý I/2015 do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng...

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Qua các phiên giao dịch việc từ cuối tháng 3, nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất. Từ hoạt động tư vấn trước khi tuyển dụng, chúng tôi hướng các lao động đến các doanh nghiệp khu công nghiệp (KCN) để tuyển trực tiếp”.

Theo đánh giá của các trang tuyển dụng lao động, từ cuối năm 2014 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động thị trường Hà Nội tăng khoảng 30%. Đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, từ tháng 4, nhu cầu tuyển lao động phục vụ sản xuất gia tăng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các làng nghề, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ. Đồng thời, lĩnh vực xây dựng, tư vấn kiến trúc, thiết kế nội thất cần nhu cầu tuyển tăng cao để đáp ứng hàng loạt nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội mới đưa vào sử dụng.

Kết nối doanh nghiệp và người lao động

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên (TP HCM) cho biết: Hiện lao động ngoại tỉnh đổ về TP tìm việc khá đông nên xuất hiện tình trạng “cò” lao động. Để hạn chế tình trạng trên, trung tâm đã triển khai chương trình “Tiếp sức người lao động” tại 4 bến xe: Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ngã tư Ga. Đây chính là nơi tiếp nhận và giới thiệu việc làm không chỉ cho lao động đến các tỉnh tìm việc mà còn giải quyết việc làm cho lao động các quận huyện thuộc khu vực lân cận. Số lao động có việc làm hoặc chờ thông báo kết quả chiếm tỷ lệ 25% với các ngành nghề như: Lao động phổ thông, công nhân may, bán hàng, giao hàng, bảo trì máy, tài xế, bảo vệ, kế toán…

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường lao động diễn ra cục bộ ở từng địa phương, từng vùng. Điều này cho thấy công tác dự báo, định hướng nghề nghiệp tại các địa phương gần như bỏ ngỏ.

Ngay như Hà Nội được đánh giá có nhu cầu tuyển lao động cao nhưng vẫn thiếu những cơ sở phân tích dữ liệu về cung, cầu lao động. Để giải quyết vấn đề này, ngành lao động Hà Nội nên xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu về thị trường lao động, đồng thời kết nối với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các địa phương và từ đó có định hướng cho công tác đào tạo.
Cục Việc làm cũng đã hình thành các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực (Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Dương) với mục tiêu giới thiệu việc làm cho người lao động, dự báo thị trường lao động địa phương, khu vực; thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động địa phương và khu vực… Nhưng thực tế, việc kết nối việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm khá “èo uột”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện công tác tuyển dụng chủ yếu thông qua một số trang mạng tuyển dụng, tuyển dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp.

“Xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2015 sẽ chú trọng đến hai yếu tố chất lượng và năng suất lao động. Chúng tôi quan tâm nhất là kỹ năng nghề của người lao động nhưng thực tế chỉ có khoảng 20% đáp ứng được yêu cầu. ”, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phòng Tổ chức hành chính Công ty Cao su Hà Nội chia sẻ.


Hoàng Tuyết- Xuân Cường