01:09 19/01/2020

Nhộn nhịp ở làng gốm người Khmer Nam Bộ những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm, làng nghề làm gốm của người Khmer vùng Bảy Núi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) trở nên tất bật hơn. Khói tỏa ra nghi ngút, lửa đỏ rực ánh ra từ những lò nung, người qua lại nhộn nhịp... chốc chốc những mẻ gốm mới lại ra lò.

Chú thích ảnh
Chị Neáng Sa Na và anh Chau Sóc Kha đang chèn củi lên sản phẩm để chuẩn bị nung.
Chú thích ảnh
Những mẻ gốm mới ra lò.

Trở lại làng nghề nổi tiếng một thời, chúng tôi di chuyển qua những con đường quanh co trong phun, sóc để đến những hộ dân người Khmer đang tất bật sản xuất gốm trong những ngày cuối năm. Vài năm trở lại đây, nghề làm gốm của người Khmer ở ấp Phnôm Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) ngày một khởi sắc.

Chú thích ảnh
Công đoạn nhồi đất cho dẻo. 
Chú thích ảnh
Người thợ dùng 2 bàn tay để nhồi đất, từ đó có thể lấy ra những viên sỏi nhỏ lẫn trong đất.

Theo các hộ dân làm gốm lâu đời nhất ở ấp Phnôm Pi, nghề này đã tồn tại hàng trăm năm nay. Ngày ấy, vùng đất này có hàng chục hộ làm gốm nhưng đến nay chỉ còn khoảng gần 10 hộ gắn bó với nghề. Tuy số hộ theo nghề làm gốm đã giảm nhiều nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ. Sản phẩm gốm nổi bật của đồng bào Khmer là: Bếp (cà ràng), nồi (cà om), lò than, khuôn bánh khọt... Do đều được làm bằng thủ công, sản phẩm làm ra có độ bền cao, rất được người Việt, người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.

Chú thích ảnh
Những dụng cụ để làm gốm.
Chú thích ảnh
Để làm ra một sản phẩm, tất cả những công đoạn đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ.

Chị Neáng Sa Na (57 tuổi) người có 43 năm trong nghề cho biết: "Không biết nghề làm gốm này xuất hiện từ khi nào nhưng từ thời mẹ, ông nội đã có làm nghề rồi. Tôi bắt đầu theo nghề này từ hồi 13 tuổi cho đến giờ. Đặc biệt, nghề gốm này chỉ có phụ nữ đảm trách, theo kiểu “mẹ truyền con nối”; còn đàn ông thì đào đất, gánh đất, đốn củi… Ngày xưa, gốm Phnôm Pi rất phát triển, có đến hàng chục hộ làm, sản phẩm làm ra được đem đi bán khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh và còn xuất sang cả Campuchia".

Theo chị Neáng Sa Na, nghề này rảnh lúc nào làm lúc đó. Bình quân hai người làm một ngày được khoảng 7-8 cái bếp. Ngoài ra, người dân Khmer còn sản xuất thêm bếp lò của Thái cải tiến đốt bằng than. Loại này có ưu điểm rất tiết kiệm than, chỉ cần 0,5 kg than để đun sôi một ấm nước so với bếp thường phải mất 1 kg than. Giá thành của bếp Thái cải tiến cũng cao hơn so với bếp cà ràng, với 30.000 đồng/bếp loại nhỏ và 120.000 đồng/bếp loại lớn. Bình quân mỗi tháng, nhờ bán các sản phẩm cà ràng, bếp Thái cải tiến, khuôn bánh khọt… cũng đem lại thu nhập cho gia đình từ 5-6 triệu đồng. Mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp đủ ăn, đủ lo cho gia đình và sửa sang nhà cửa.

Chú thích ảnh
Chị Neáng Sa Na đang làm sản phẩm bếp.

Anh Chau Sóc Kha (55 tuổi, chồng chị Neáng Sa Na) với kinh nghiệm làm nghề lâu năm chia sẻ: "Không phải đất nào cũng làm gốm được. Người làm nghề nhìn là biết đất nào để làm cà ràng, đất nào để làm bếp lò. Trước đây, người dân hay lấy đất ở chân núi Nam Qui xưa (nay đã cạn kiệt đất), còn bây giờ người dân đến khu vực dưới chân núi Cấm cách đó khoảng 2 km để lấy đất về làm gốm. Đó là loại đất sét có màu vàng xám, nhuyễn. Sau khi lấy đất về, người thợ phải nhồi đất cho dẻo rồi chuyển sang công đoạn nắn thành lò, sau đó mang đi phơi khoảng 2-3 ngày cho khô rồi đem nung bằng củi và rơm cho chín". 

Chú thích ảnh
Bà Néang Nhây đang sản xuất bếp. Bình quân một ngày bà có thể làm được từ 6-7 sản phẩm.
Chú thích ảnh
Tạo hoa văn cho sản phẩm. 

Đôi tay thoăn thoắt bốc từng nắm đất, bà Néang Nhây (70 tuổi) vừa làm vừa kể, bà là đời thứ 3 theo nghề làm cà ràng. Để làm ra một sản phẩm, tất cả những công đoạn đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Mặc dù ngày nay người dân chuyển sang sử dụng nhiều thiết bị hiện đại, tiện dụng, thế nhưng người thợ ở đây vẫn miệt mài lao động làm ra những chiếc bếp, chiếc khuôn bánh…không chỉ để mưu sinh, mà còn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Sản phẩm làm xong được mang đi phơi nắng.

Cũng theo bà Néang Nhây, những ngày cuối năm, sản phẩm bếp người dân làm ra không kịp bán. Cứ mỗi mẻ bếp vừa nung xong là có người đặt mua ngay để mang đi nơi khác bán. Nhờ có nghề này mà nhiều gia đình đã khá hơn, nhà cửa khang trang không còn lụp xụp như xưa nữa. 

Chú thích ảnh
Sau khi phơi nắng xong, những chiếc cà ràng được đem đi nung chín.
Chú thích ảnh
Nung gốm rất đơn giản, chỉ cần xếp củi bên dưới và xung quanh các sản phẩm, sau đó phủ rơm lên rồi đốt. 
Chú thích ảnh
Nung khoảng hơn 1 giờ là gốm chín.
Chú thích ảnh
Những mẻ gốm vừa nung xong là có người mua ngay.

Bà Phạm Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tri Tôn, cho biết nghề truyền thống làm gốm của đồng bào dân tộc Khmer tại ấp Phnôm Pi được duy trì từ nhiều đời nay. Năm 2001, qua khảo sát lại, có 20 hộ dân duy trì nghề làm gốm. Hội Liên hiệp phụ nữ đã tập hợp mọi người lại thành một tổ và bầu tổ trưởng, qua đó giúp mọi người trong tổ có điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách để mua các nguyên liệu cần thiết để mở rộng sản xuất. Từ đó, kinh tế các hộ dân phát triển hơn so với trước. 

Chú thích ảnh
Bếp Thái cải tiến đốt bằng than. 
Chú thích ảnh
Nhiều hộ dân duy trì nghề làm gốm đã có nhà cửa khang trang hơn trước.

Đến năm 2008, học tập mô hình từ bếp lò Thái Lan và mua khuôn mẫu mới để cải tiến sản phẩm đã giúp các hộ dân có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, để nghề làm gốm không mai một, nhiều hộ gia đình làm nghề cũng đã và đang truyền nghề lại cho con cháu trong nhà.

Bài, ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức