06:19 30/06/2020

Nhóm sinh viên lặn lội vì những sinh mệnh hài nhi

Thu gom bào thai từ các phòng khám rồi mang đi chôn cất; hỗ trợ những mẹ bầu có hoàn cảnh khó khăn để níu giữ sự sống... là công việc mà Bin, Huế cùng 3 tình nguyện viên khác đều là sinh viên, đang lặng lẽ thực hiện hàng ngày, hàng đêm, từ cuối năm 2016 đến nay.

“Cây tập kết”

Hơn 9 giờ tối, Bin và cô bạn tên Huế dừng xe tại một gốc cây trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) - điểm hẹn của cả nhóm. Nhễ  nhại mồ hôi, hai bạn ghé ngồi tạm trên chiếc ghế xếp, được quán nước bên cạnh cho mượn làm chỗ nghỉ chân. 

Cô bán nước dường như đã quen thuộc với hai vị khách này, vẫy tay gọi lại đưa cho mấy cốc nước mát, còn dặn dò cẩn thận “phần cho những đứa đến sau”.

Trước khi nhận nước, Bin nhẹ nhàng treo các túi xách đang móc ở xe lên chạc cây, mà các bạn tạm gọi là “cây tập kết”. Trên đó đã có sẵn vài túi nhỏ được treo từ trước. Còn chiếc ba lô to, Bin luôn giữ bên mình. Chỉ lát nữa, sau khi cả nhóm tề tựu, Bin sẽ dùng chiếc ba lô đó để chứa tất cả các túi đã gom trong của buổi tối hôm nay, mang về khu trọ xử lý.

Chú thích ảnh
"Cây tập kết" của nhóm bạn trên đường Nguyễn Trãi, được cô bán nước đối diện trông coi hộ các "túi hàng đặc biệt" khi cả nhóm đi thu gom.

Ánh nhìn thoáng lên một nỗi đau phảng phất, Bin kể: “Mới 9 giờ tối, chúng em đã gom được 10 bé rồi, chị ạ...” Không biết nên cảm thấy vui hay buồn sau khi nghe xong con số ấy. 

Bin chia sẻ: Là sinh viên Dược, Bin có lần được tiếp cận với các phòng khám chuyên nạo phá thai, và chứng kiến cảnh những bào thai bị bỏ chung rác thải y tế để đổ đi. Ám ảnh và thương cảm, Bin nảy ra ý định rủ các bạn thu gom lại, đưa đi an táng. Sau một thời gian cân nhắc, các bạn xin ý kiến của cha xứ ở Nam Định, nơi có thể hỗ trợ đất để chôn cất bào thai, và tiến hành công việc này.

Chú thích ảnh
Bin và Huế đồng hành cùng nhau trong đêm tối trên các cung đường để làm công việc thiện nguyện.

Những ngày bắt đầu công việc này, Bin cùng các bạn tìm đến các bệnh viện, phòng khám, để lại số điện thoại, xin đón các thai đã nạo bỏ mang đi chôn cất. Mới đầu chẳng có mấy người gọi vì các phòng khám còn dè chừng. Bin và Huế hàng tối phải đứng canh trước cửa các phòng khám chờ người ta mang rác vứt, rồi chia nhau bới mấy cái túi đó tìm. Có những hôm gần 3, 4 giờ sáng, hai bạn vẫn ngồi canh xe rác. Sau, nhân viên các phòng khám thấy thương tình, gọi điện cho các bạn đến nhận bào thai về từ sớm.

Nhớ lại những ngày bới rác tìm các thai nhi, Bin không thể quên những khi bị vật sắc nhọn như mảnh thuỷ tinh từ ống thuốc và kim tiêm châm phải. Chính Bin đã từng bị kim đâm vào tay, phải đi xét nghiệm HIV và uống thuốc chống phơi nhiễm. Tuy kết quả âm tính nhưng nguy hiểm luôn rình rập những chàng trai, cô gái ấy. Tuy nhiên, họ vẫn làm công việc của mình. Về sau, công việc ý nghĩa của các bạn được nhiều người biết tới, hỗ trợ hiện vật là những đồ dùng phục vụ thu gom, khâm liệm, chôn cất, nên các bạn đỡ vất vả. Chia nhau mỗi người một địa bàn, khu tập kết của họ là một cái cây trên đường Nguyễn Trãi. Ai thu xong thì mang về treo lên cây rồi đi tiếp. Công việc cứ đều đặn như vậy, mỗi đêm.

Chú thích ảnh
Những chiếc kim tiêm thường xuyên được “gói kèm” bên trong những bọc rác.

Đã khuya, chiếc ba lô to đựng tất cả các túi thai lấy từ các phòng khám ra được mang về phòng trọ. Cả nhóm lại cùng nhau gỡ các túi ra khâm liệm cho các bé. Thai nhi ít tuần tuổi thì chia túi zip, còn thai nào đã thành hình hài thì lau chùi sạch sẽ theo thủ tục khâm liệm, rồi gói cẩn thận lại bằng khăn xô. “Các con, có những đứa may mắn còn đầy đủ dáng hình. Còn có những đứa thì...” – Huế chua xót bỏ lửng câu nói.  

Xong xuôi, nhóm cất các bào thai vào tủ giữ lạnh, thắp một nén nhang. Một thời gian, khi tủ đầy (khoảng 1.200-1.500 bé) thì các bạn tổ chức đem chôn tại một nghĩa trang công giáo, thánh địa của Giáo xứ An Bài – Giáo phận Bùi Chu (Nam Định). Mỗi bé có một ngôi nhà riêng ngay ngắn, gọn ghẽ, được các thành viên về thắp hương và chăm nom thường xuyên.

Trong cuốn “Sổ Nam tào”, nơi ghi chép lại số lượng các thai nhi mà cả nhóm nhặt về, mỗi ngày ít nhất là 7 - 10 cháu, đỉnh điểm có những ngày 60 - 70 cháu. 

Chú thích ảnh
Thống kê số lượng bào thai nhặt về của tháng 6/2020 trong cuốn sổ của nhóm tình nguyện.

“Đều đặn mỗi năm, bọn em phải chuyển chỗ ở trên dưới chục lần. Không vì chủ nhà đuổi đi thì cũng do hàng xóm dị nghị công việc mà bọn em đang làm. Cũng không trách họ được, mùa nắng nóng thế này, các bào thai bị phân hủy từ trước khi đưa về, nên có những khi mùi hôi khiến chúng em không giấu được”- Bin tâm sự. Điều mong mỏi của nhóm bây giờ chỉ là có chỗ trọ ổn định, không phải chuyển đi chuyển lại, làm gián đoạn tới hoạt động thu gom, khâm liệm và chôn cất thi hài các bé.

Chú thích ảnh
Thi hài các bé sau khi khâm liệm được gói khăn xô ngay ngắn, xếp trong tủ đông giữ lạnh, đợi khi đầy tủ sẽ mang đi chôn cất.
Chú thích ảnh
Các bé được xếp ngay ngắn trong những chiếc hộp trước khi chôn cất.
Chú thích ảnh
Nghĩa trang nơi các bé được chôn cất, chia thành những ngôi ngay ngắn gọn ghẽ.

Mái ấm chở che sự sống

Sau một thời gian gom nhặt thai nhi, cả nhóm bạn có những lần được tiếp cận những phụ nữ tìm đến các địa chỉ phá thai. Cả nhóm nảy sinh ý nghĩ phải bảo vệ các em bé trong bụng  mẹ, bảo vệ những người mẹ đang rất hoang mang khi có thai ngoài ý muốn.

“Nếu có thể đón các mẹ đang không có đường về, chăm sóc các mẹ trong thời kỳ thai sản thì sẽ bảo vệ được sự sống cho các bé”- Bin tâm sự.

Vậy là một phần công việc khác lại ra đời. Liên hệ với các phòng mạch, nếu phát hiện người mẹ nào còn phân vân trước khi bỏ thai, nhất là những thai đã lớn, nhóm sẽ liên hệ, tiếp cận, thuyết phục họ giữ lại các bé, chờ sinh nở. 

Từ giữa năm 2017 đến nay, nhiều mảnh đời phụ nữ khác nhau đã đến với nhóm. Có trường hợp bị gia đình và xã hội ruồng bỏ, không có khả năng mưu sinh, thậm chí còn nghĩ đến cái chết. Trước khi nhận cưu mang những người phụ nữ ấy, cả nhóm luôn cố gắng thuyết phục người nhà mở lòng yêu thương, đón nhận con em mình. Còn những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không được gia đình đón nhận, sẽ được nhóm gửi về địa chỉ chăm sóc thai phụ và người lang thang, một số khác, thể theo nguyện vọng lại được sắp xếp cho một chỗ trọ, toàn bộ kinh phí do nhóm đứng ra lo liệu. Sinh nở xong, có mẹ để con lại, có mẹ tự tìm việc mưu sinh và nuôi con, hoặc xin ở lại với các mái ấm. 

Hiện nay, tại một Mái ấm nhỏ ở Nam Định, nhóm của Bin đang cưu mang 3 chị em mang thai. Một trong số đó là em N.T.H V sinh năm 2003 – một thai phụ còn rất trẻ.

“Số đông các bạn mà chúng em hỗ trợ là từ 17 đến 20 tuổi. Đặc biệt có trường hợp H.T.H.V., nghe lời bạn trai thề non hẹn biển, rồi lỡ dính bầu. Nhà trai không nhận, bố mẹ đuổi đi. Thật may là bạn tìm đến chúng em chứ không hành động dại dột.” – Bin kể lại. Đến nay, V. đã gần tới ngày sinh, và cả nhóm rất hy vọng V. sẽ chăm sóc con lớn lên chứ không bỏ lại. “Phải làm mẹ khi còn quá trẻ chắc chắn sẽ rất vất vả. Nhưng con cái chỉ hạnh phúc nhất khi được ở cùng cha mẹ của mình”- Bin tâm sự.  Do đó, mỗi khi thuyết phục được một mẹ sinh xong nhận nuôi con của chính mình, các bạn mới cảm thấy mình "đã hoàn thành nhiệm vụ".

Nhóm các bạn cũng có những niềm vui, ví dụ chị P.T.C sau khi được cưu mang đã quay lại ủng hộ nhóm và chung tay giúp đỡ những số phận lầm lỡ khác.

Chú thích ảnh
Huế gửi tặng tiền quyên góp ủng hộ cho mái ấm.

Vui mừng vì cứu sống được nhiều sinh mạng bao nhiêu, thì những câu chuyện đau lòng trong quá trình làm thiện nguyện cũng làm các bạn buồn bã bấy nhiêu. Ám ảnh nhất với Bin là cái chết của con mẹ bầu M.T.S - người dân tộc thiểu số. Chị phải tự mình sinh, do không liên hệ được với người thân. Sau khi nhận được cuộc điện thoại từ số lạ báo tình hình, Bin và Huế liền ngay lập tức phi xe đến nơi người phụ nữ đang sinh sống. “Thấy người mẹ ẵm trong tay đứa nhỏ, em như trút đi được nỗi lo sợ đè nặng suốt cả quãng đường. Thế nhưng đã muộn. Khi Bin tiến lại gần và kiểm tra thì bé đã lạnh ngắt. Bạn ôm lấy đứa bé rồi đặt xuống giường, vừa cố gắng hô hấp cứu lấy con vừa quay sang hỏi rõ người mẹ chuyện xảy ra từ bao giờ. Người mẹ khóc và kể lại câu chuyện chiều hôm trước. Lúc ấy chúng em chỉ biết ngồi thụp xuống đất, tay chân rụng rời” - Huế kể lại mà ánh mắt vẫn còn đau xót như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. 

Chú thích ảnh
Bin cùng thành viên trong nhóm trao tiền ủng hộ quyên góp cho mái ấm.

Khi được hỏi về những điều trăn trở, Bin bộc bạch: “Gánh nặng về chi phí ăn ở, sinh hoạt của các chị vẫn luôn là bài toàn khó. Chúng em là sinh viên từ quê lên thành phố học cũng không dư giả gì. Lo cho xong thân mình thôi cũng đã đau đầu...”. 

Cứ vậy mà đã 4 năm, Bin và Huế cùng các bạn không quản ngại vất vả, thiếu thốn, vừa đi đón nhận các bào thai, vừa thuyết phục, chăm sóc những mẹ mang bầu. Điều đáng mừng là những hành động thiện nguyện, sẻ chia, nâng niu sự sống của các bạn ngày càng được nhiều người ủng hộ. Tại Trường Cao đẳng Dược, nơi Huế và Bin đang theo học, sau khi biết được nghĩa cử cao đẹp của hai bạn, nhà trường đã miễn học phí và tuyên dương nhằm lan rộng những hành động đẹp đến cộng đồng. Còn rất nhiều tấm lòng hảo tâm khác, cũng ngày đêm chung sức với các bạn, âm thầm  hỗ trợ những vật dụng cần thiết cho công việc thiện nguyện ý nghĩa này.

Tâm sự với chúng tôi, Bin nói: “Chúng em sợ nhất là không thể giúp hết được tất cả các trường hợp. Lắm lúc thấy vượt quá sức mình, em cũng tính tới bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ đến các bà mẹ và các con, em lại tự nhủ phải cố gắng đến cùng. Chỉ cần còn chút sức lực, chúng em sẽ không bao giờ từ bỏ.”

Lê Linh/Báo Tin tức