09:00 24/09/2011

Nhóm điệp viên thế kỷ-Kỳ cuối: Đòn cân não

Năm 1949, Robert Lamphere, một nhân viên FBI phụ trách việc theo dõi hoạt động gián điệp của Liên Xô, với sự hỗ trợ của các nhân viên giải mã, đã phát hiện ra rằng, trong khoảng năm 1944 - 1946, một nhân viên Sứ quán Anh đã gửi các bức điện cho KGB.

Việc Burgess và Maclean bỏ trốn thực sự trở thành nỗi lo lắng cho Philby. Năm 1949, Robert Lamphere, một nhân viên FBI phụ trách việc theo dõi hoạt động gián điệp của Liên Xô, với sự hỗ trợ của các nhân viên giải mã, đã phát hiện ra rằng, trong khoảng năm 1944 - 1946, một nhân viên Sứ quán Anh đã gửi các bức điện cho KGB. Mật danh của người này là Venona - “Bồ câu đưa thư”. Bằng phương pháp loại trừ, FBI đã đưa ra một danh sách gồm bốn người bị tình nghi là “Bồ câu đưa thư”. Một trong số những cái tên này là Maclean.

Anthony Blunt


Ngay sau khi cuộc điều tra do Lamphere phụ trách được bắt đầu, Philby được điều đến Oasinhtơn làm sĩ quan liên lạc giữa CIA, FBI và NSA. Trên cương vị công tác mới, anh được tiếp cận các tài liệu mã hoá của Nga và phát hiện ra rằng Maclean rất có thể là “Bồ câu đưa thư”. Philby cũng biết được việc Lamphere và các nhân viên của hắn đã phát hiện ra các bức điện chuyển cho KGB là được gửi từ New York. Maclean là người thường xuyên đến New York, với lý do là đi thăm vợ con đang sống ở đó.

Rõ ràng là Mỹ và Anh đã “ngửi” thấy mạng lưới điệp viên này của Liên Xô; do đó, nguy cơ hai thành viên còn lại của nhóm điệp viên Cambridge bị lộ đang hiển hiện. Philby do có quan hệ với Maclean trong thời gian họ cùng học ở Cambridge nên bị liên lụy. Sau đó, Philby bị đưa về Luân Đôn, với cáo buộc là không cẩn trọng trong quan hệ với Burgess.

Rufina Pukhova, vợ của Kim Philby, tại buổi lễ vinh danh ông ở Mátxcơva.


Ở Luân Đôn, Philby đã bị MI5 thẩm vấn. Với bản lĩnh sắt đá, anh đã chống chọi được mọi đòn tra tấn. Kể cả James Skardon, kẻ nổi tiếng với vụ buộc Klaus Fuchs phải thú nhận làm gián điệp đánh cắp các tài liệu về bom nguyên tử cho Liên Xô, cũng không thể làm lung lay được ý chí của anh. Tuy nhiên, Philby buộc phải rời khỏi MI6 và được trả một khoản tiền bồi thường vì bị buộc thôi việc. Tất nhiên là MI6, một tổ chức cạnh tranh khốc liệt với MI5, không muốn bỏ rơi Philby và cuối cùng đã tuyển dụng anh trở lại làm việc.

Tuy vậy, Philby vẫn bị theo dõi. Thế rồi đến năm 1955, một nghị sĩ quốc hội yêu cầu chính phủ trả lời Philby có phải là “nhân vật thứ ba” (sau Burgess và Maclean) không. Rất may là Harold Macmillan, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, đã tuyên bố: Philby không dính dáng gì đến việc bỏ trốn của Maclean và Burgess. Ông chỉ nói rằng, Philby bị MI5 yêu cầu MI6 sa thải là do trước đây anh có quan hệ với cộng sản. Lúc này, dưới vỏ bọc là phóng viên làm việc cho hai tờ báo của Anh, Philby được MI6 cử đến hoạt động ở khu vực Trung Đông. Trong vòng 6 năm tiếp theo, Philby tiếp tục cung cấp thông tin cho MI6 và quan trọng hơn là cho KGB.

Kim Philby (giữa) và con trai John (trái) ở Mátxcơva.

Đến năm 1963, thông tin về việc Philby là người của KGB lại một lần nữa rộ lên. Lần này, Philby bị một đồng nghiệp ở MI6 thẩm vấn và rồi anh đã thú nhận tất cả. MI6 cho Philby vài ngày thu xếp để trở lại Luân Đôn. Trong khoảng thời gian đó, anh đã bỏ chạy sang Liên Xô, 12 năm sau cuộc đào tẩu của Burgess và Maclean. Người ta ngờ rằng, ở đây có một điều gì đó không bình thường bởi không dễ gì Philby lại có thể bỏ trốn một cách dễ dàng như vậy. Có thông tin cho rằng, rất có thể chính phủ Anh do sợ bị xấu hổ vì sự yếu kém của ngành tình báo nên đã đánh động cho Philby bỏ trốn. Philby sống nốt quãng đời còn lại ở Liên Xô trong vai trò là cố vấn cho KGB và là một giảng viên điệp báo.

Với Blunt, anh đã bị nghi ngờ là một thành viên của mạng lưới gián điệp của Burgess vào đầu năm 1951. Thời điểm anh bị nghi ngờ nhất là sau khi Philby chạy trốn sang Liên Xô. Do không muốn vụ việc của Blunt trở thành một “quả bom”, bởi dẫu sao lúc đó Blunt cũng đang là thành viên của đội phục vụ Hoàng gia Anh nên MI5 muốn Blunt tự thú và giải quyết vụ việc này một cách êm thấm. Cách duy nhất để Blunt tự khai ra công việc của mình và để bảo vệ uy tín của MI5 là trao cho Blunt quyền miễn bị truy tố. Tổng Trưởng lý chấp thuận điều này, miễn là Blunt đã không làm gián điệp cho Liên Xô sau giai đoạn Thế Chiến II. Mặc dù trên thực tế, Blunt đã tham gia vào vụ trốn chạy của Burgess và Maclean và tiếp tục liên lạc với KGB cho đến ít nhất năm 1953, nhưng anh khai rằng, sau Thế Chiến II, anh đã đoạn tuyệt với KGB. Trong những buổi làm việc sau này với MI5, Blunt đã cung cấp thông tin về các điệp viên khác. Tuy nhiên, đó đều là những người hoặc đã chết hoặc MI5 và MI6 đều đã biết.

Năm 1973, Blunt thôi làm việc ở Viện Courtauld Institute trong vai trò của một nhà lịch sử nghệ thuật. Trước đó, vào năm 1956, anh được Nữ hoàng Elizabeth bổ nhiệm làm Cố vấn nghệ thuật cho Nữ hoàng. Anh nắm giữ vị trí này cho mãi đến lúc Thủ tướng Margaret Thatcher công khai tội làm gián điệp của anh trước công chúng vào năm 1979. Anh bị tước bỏ danh hiệu Hiệp sĩ và năm sau anh buộc phải rút khỏi Hội đồng giáo viên cao cấp ở Trường Trinity thuộc Đại học Cambridge và ở Học viện Anh quốc. Blunt là người duy nhất trong nhóm điệp viên này không phải chạy trốn sang Liên Xô sau khi bị phát hiện.

Đình Vũ (Tổng hợp)