09:23 22/09/2011

Nhóm điệp viên thế kỷ-Kỳ 2: Lẫy lừng những chiến công

Trong bộ tứ này, Burgess và Maclean cống hiến cho KGB hơn 10 năm, cho đến khi họ chạy sang Nga vào năm 1951. Philby có thời gian cống hiến dài gấp đôi, khoảng từ năm 1940 đến khi anh sang Nga năm 1963.

Trong bộ tứ này, Burgess và Maclean cống hiến cho KGB hơn 10 năm, cho đến khi họ chạy sang Nga vào năm 1951. Philby có thời gian cống hiến dài gấp đôi, khoảng từ năm 1940 đến khi anh sang Nga năm 1963. Sau đó, Philby tiếp tục làm việc cho KGB cho đến tận khi qua đời, năm 1988. Thời gian này, Philby lần lượt đảm nhận các chức vụ như cố vấn, giảng viên điệp báo. Do vậy, cuộc đời hoạt động trong ngành tình báo của Philby diễn ra gần nửa thế kỷ. Còn Blunt cũng cống hiến cho Liên Xô 30 năm.

Trong Chiến tranh thế giới II

Trong khoảng thời gian từ năm 1940 - 1945, nhóm gián điệp này đã gây ra những tổn thất nặng nề đầu tiên cho Anh và Mỹ. Họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nên những đóng góp của họ rất có giá trị cho Liên Xô. Burgess và Blunt chuyển cho Liên Xô những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao và Cơ quan tình báo. Những tài liệu này đề cập đến chiến lược quân sự của quân đồng minh.

Donald McLean

Donald Maclean, nhất là trong thời gian anh phục vụ trong Sứ quán Anh ở Oasinhtơn DC (1944 - 1948), là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu về các cuộc liên lạc và luận bàn về chính sách giữa Churchill và Roosevelt và sau này là giữa Churchill và Truman. Mặc dù không gửi những số liệu kỹ thuật về bom nguyên tử nhưng anh đã báo cáo về quá trình phát triển và những tiến bộ đạt được của Mỹ đối với loại bom này, nhất là khối lượng uranium mà Mỹ sở hữu. Maclean là đại diện của phía Anh ở hội đồng Mỹ - Anh - Canada về việc chia sẻ những bí mật nguyên tử. Chỉ riêng những thông tin này cũng đã giúp các nhà khoa học Liên Xô dự báo được số lượng bom nguyên tử mà Mỹ có thể sản xuất được. Những báo cáo của Maclean chuyển cho KGB đã giúp Liên Xô không chỉ trong việc sản xuất bom nguyên tử mà còn giúp nước này đánh giá được sức mạnh nguyên tử của họ so với Mỹ.

Trong suốt thời gian Thế chiến II, Philby đã thông báo cho Liên Xô về việc Trung tâm Mật mã của Anh ở Bletchley Park đã giải được mật mã “Enigma” của phát xít Đức. Với vị trí của mình ở Cơ quan tình báo Anh (MI6), Philby cung cấp cho Liên Xô danh sách những điệp viên Anh đang được cài cắm trong tổ chức KGB. Không chỉ biết danh tính họ, anh còn là một trong những giảng viên đào tạo nghiệp vụ phản gián cho nhiều người trong số đó.

Thời kỳ chiến tranh lạnh

Guy Burgess.

Maclean là điệp viên đặc biệt quan trọng của Stalin trong những năm tháng ngay sau khi chiến tranh thế giới kết thúc. Những bức điện mật trao đổi giữa Truman và Churchill do anh gửi về đã giúp Stalin nắm được ý định của Mỹ và Anh về việc chiếm đóng lâu dài nước Đức và hoạch định các đường biên giới của các nước Đông Âu. Những thông tin này được chuyển đến tay Stalin không chỉ trước thời điểm diễn ra hội nghị Yalta, mà còn ở các hội nghị Potsdam và Têhêran.

Một trong những cống hiến âm thầm nhất của Philby trong thời kỳ chiến tranh lạnh là làm thất bại kế hoạch thâm nhập qua bức tường sắt của các nhóm gián điệp phương Tây ở khu vực Bancăng. Nhờ những thông tin cảnh báo của Philby, Liên Xô đã lên phương án phá tan kế hoạch này của các nước phương Tây, khiến các nước này phải trả giá bằng hàng chục mạng người.

Philby trên đường phố Mátxcơva trong những năm 1970.


Sau đó, Philby được cử đến Oasinhtơn làm sĩ quan liên lạc giữa MI6 và CIA. Anh cũng có quan hệ công việc với FBI. Với tư cách là một chuyên gia an ninh của Đại sứ quán, anh được tiếp cận với tất cả các báo cáo của FBI chia sẻ với phía Anh. Kết hợp với Maclean, anh đã báo cho Stalin biết rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí nguyên tử trong chiến tranh Triều Tiên cũng như sẽ không phát động cuộc chiến vượt qua ranh giới sông Áp Lục.

Thông qua các mối quan hệ với CIA và FBI, Philby nắm được thông tin FBI đã phá được mật mã “Venona” của Liên Xô; do đó CIA phát hiện ra một điệp viên của Liên Xô được cài cắm trong Sứ quán Anh (đó chính là Maclean). Vì vậy, Philby đã cử Burgess đến Anh để báo cho Maclean về nguy cơ bị bại lộ và tổ chức cho Maclean trốn sang Nga. Khi đó, Burgess đang ở cùng nhà với Philby. Nhưng thật không may cho Philby, nhân cơ hội này, Burgess cũng nhanh chân chạy sang Nga cùng Maclean. Việc Burgess đột ngột biến mất khỏi Anh đã gây khó khăn cho Philby trong quá trình hoạt động. Thực tế, nếu không vì Burgess bỏ trốn cùng với Maclean, Philby đã không bao giờ bị nghi ngờ, kể cả ở tầng lớp lãnh đạo chóp bu của MI6.

Trước đó, Burgess có quãng thời gian phụ trách một chương trình của đài BBC về quốc hội. Công việc này cho anh cơ hội làm quen với các nhân vật chính trị quan trọng. Anh là điệp viên lợi hại nhất của Liên Xô khi làm trợ lý cho Thứ trưởng Ngoại giao Anh, Hector McNeil. Ở vị trí này, Burgess có thể thường xuyên chuyển các tài liệu tối mật của Bộ Ngoại giao Anh cho KGB.

Với Blunt, ngoài thực hiện vai trò tuyển dụng người vào mạng lưới gián điệp của Liên Xô, anh còn làm cầu nối giữa Burgess và Philby với cấp chỉ huy của họ ở Liên Xô.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Đòn cân não