10:12 28/10/2012

Nhọc nhằn những 'Nữ Oa' đội đá

Đội đến tê cả đầu mới được chút tiền nên những người trong “đội quân tóc dài” ai cũng tiết kiệm trong chi tiêu. Những ngày làm xa nhà, buổi trưa, các chị không về. Người mang cơm nắm từ nhà đi ăn, “sang” hơn có chị mua thêm bát canh ở quán ăn tạm cho qua bữa...

Đất nước Trung Hoa vẫn còn lưu truyền câu chuyện thần thoại về bà Nữ Oa đã có công “nặn” ra con người từ những nắm bùn đất và cũng chính bà đã đội đá vá trời cứu cả nhân loại trước trận đại hồng thủy kinh hoàng, đưa lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Thời nay cũng có những người phụ nữ đang từng ngày nhọc nhằn đánh đổi cả nhan sắc và sức khỏe để đội bê tông, đội đá mưu sinh lo cuộc sống gia đình.


“Tóc dài” đội bê tông


Trong cái se lạnh của sáng đầu thu, sương mù còn giăng mắc, trên đoạn đường dẫn vào xã Quang Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hàng đoàn người đi xe đạp, xe máy lỉnh kỉnh những thúng, chậu, xẻng, xà beng… kéo nhau đi “xây tổ ấm”, “dựng công trình”. Trong số đó phần nhiều là chị em mà người dân nơi đây vẫn thường gọi vui là “đội quân tóc dài” đội bê tông - một công việc nặng nhọc tưởng chỉ dành riêng cho nam giới.


“Đội quân tóc dài” trên công trường.


Ông Nguyễn Văn Kiều - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: Trong xã, ngoài nông nghiệp thì có một nghề phổ biến khác là làm thợ nề và đội bê tông. Xã có trên 1.300 lao động trong tổng số 5.700 dân, lao động nữ khoảng 780 người, trong đó nghề đội bê tông có 70% là phụ nữ.


Có mặt tại một công trường trên địa bàn thành phố Thái Bình, không khó để gặp “đội quân tóc dài” của xã Quang Minh. Mới hơn 8 giờ sáng nhưng áo chị Nguyễn Thị Hạt, xóm 1, thôn Bạch Đằng, xã Quang Minh đã đẫm mồ hôi. Dù mới ở tuổi tứ tuần song gương mặt chị hằn những nếp nhăn, vẻ mặt khắc khổ, mái tóc đã điểm những sợi bạc.


Gần 20 năm trong nghề, chị Hạt hiểu những nhọc nhằn của công việc “mang đất đá để lên đầu”. Chị nói vui: “Từ hồi đi làm nghề này, tính ra có khi cả trăm tấn đất, đá, bê tông đội lên đầu rồi chứ chả ít”. Chị kể, làm nghề đội bê tông thời gian cũng không định trước. Có khi diện tích mái rộng, khối lượng bê tông lớn thì đổ từ sáng sớm tới chiều, có khi 12 giờ trưa hoặc 6 giờ tối. Làm công trình cho các hộ gia đình thì nhiều nhà đổ lấy giờ đẹp, có khi 3 - 4 giờ sáng cũng làm.


Những năm trước đây, khi chưa có dụng cụ lao động hỗ trợ, tất cả mọi việc đều phải đội. Mỗi người một cái khăn đệm để lên đầu vừa để đỡ ê, vừa để tránh những vật cứng đâm xuống đầu. Và cứ thế các chị thoăn thoắt leo lên thang tre đổ vào mái. Nay trong nhịp điệu phát triển mới, nhiều máy móc ra đời, các công trình xây dựng yêu cầu cao hơn và vì thế các đội thợ xây dựng cũng trang bị thêm nhiều loại công cụ và máy móc như tời quay, máy trộn bê tông, máy đầm, máy cưa, máy khoan cắt... Công việc của các chị cũng vơi đi phần nào nỗi vất vả.


Lật chiếc khăn trùm đầu, chị Hạt vui vẻ tâm sự: “Chắc đội nhiều quá đến nỗi tóc cũng không mọc được”. Chục năm trước khi không có việc, ngoài đội bê tông, chị Hạt và nhiều chị em khác trong vùng còn nhận đội đá đổ vào lò nung vôi kiếm tiền nuôi gia đình. Cứ có người thuê là các chị lại lên đường, áo quần thấm đẫm mồ hôi. Những ngày đông giá rét trong khi mọi người áo bông ấm áp thì các chị vẫn chỉ phong phanh một, hai lớp áo mỏng. Chị Hạt giãi bày: “Mặc nhiều quần áo dày làm sao bê đá, đội đất, đội bê tông được”.


Hiện tại, trong tổ của chị Hạt có 15 người cả nam lẫn nữ do chị Nguyễn Thị Phượng làm đội trưởng. Cởi chiếc găng tay vải sau khi di chuyển một tấm bê tông nặng gần 50 kg lên xe đẩy, chị Vũ Thị Hạnh chia sẻ với chúng tôi nỗi khó nhọc của nghề: “Làm cái nghề này phụ nữ rồi cũng như đàn ông hết, đàn ông làm gì chúng tôi cũng làm việc nấy. Mùa đông, thời tiết hanh khô, bụi xi măng, hồ vữa bám làm nứt nẻ hết cả chân tay, nhiều lúc nhìn chả còn biết mình là đàn ông hay đàn bà nữa”.


Đội bê tông, nuôi con đến giảng đường


Công việc vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng ở đâu có việc là ở đó có bóng dáng nhỏ bé của những người phụ nữ tảo tần. Khi mới vào nghề, mỗi ngày không tính cơm trưa, các chị nhận được 30.000 - 60.000 đồng. Làm một thời gian, quen việc thì chủ thầu nâng lên. Trung bình 50.000 đồng/m3, một ngày làm cật lực mỗi người cũng chỉ được 2 m3. Cộng thêm tiền bồi dưỡng của các chủ thầu hoặc hộ gia đình một ngày công các chị cũng được 130.000 - 150.000 đồng. Song mức thu nhập từ công việc “đội đá vá trời” này không phải lúc nào cũng ổn định.


Chị Đặng Thị Tuyết, xóm 3, thôn Thống Nhất, xã Quang Minh, chia sẻ: “Mùa mưa, chúng tôi phải nghỉ ở nhà hàng mấy tháng trời. Nhiều khi công trình khan hiếm, chủ thầu không cần nhiều người làm, nhiều chị em lại xoay sang học thêm nghề gia công hàng cói, hàng thêu ren. Khi có việc lại thúng, chậu đi làm bê tông, vì so với làm hàng thủ công thì nghề này vẫn có thu nhập cao hơn”.


Làm lâu dần thành quen, những công thức quen thuộc các chị vẫn truyền nhau “một cát, hai xi, ba đá”. Hỏi ra mới biết đó là tỉ lệ cát, xi măng và đá để nhào trộn bê tông. Làm với nhau trong thời gian dài nên cứ tay trộn, tay xúc, người người thoăn thoắt đội bê tông vào mái đều đặn như một ê - kip chuyên nghiệp.


Chị Nguyễn Thị Hạt nặng nề bê tấm bê tông.


Đội đến tê cả đầu mới được chút tiền nên những người trong “đội quân tóc dài” ai cũng tiết kiệm trong chi tiêu. Những ngày làm xa nhà, buổi trưa, các chị không về. Người mang cơm nắm từ nhà đi ăn, “sang” hơn có chị mua thêm bát canh ở quán ăn tạm cho qua bữa. Sau bữa ăn trưa các chị lại tìm chỗ ngả lưng để chiều bắt đầu tiếp tục công việc. Giấc nghỉ trưa cũng cực nhọc giống như chính công việc các chị đang làm, khi là chiếc bao bì trải ra làm chiếu ở giữa công trường, khi là những gốc cây bên vệ đường…


Sau một ngày vất vả, xẩm tối các chị lại trở về với gia đình. Trước cả xã cũng có một khu chợ phiên, nhưng cũng vì đặc thù là làng có nghề lao động tự do, nhiều phụ nữ phải đi làm phu hồ, đội bê tông đến tối mịt mới về nên chợ Cầu Lán được chuyển sang họp cả ngày để phục vụ dân sinh. Làm việc vất vả là vậy nhưng bữa tối bếp gia đình nào cũng đỏ lửa nhờ bàn tay của những người phụ nữ. Bữa cơm tối đơn giản, song là lúc để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ.


Ở xã Quang Minh rất nhiều người làm phụ hồ, có gia đình cả vợ, chồng đều theo nghề xây dựng này. Ăn cơm nghèo, ngủ vạ vật, làm không ngơi tay và trên hết họ mong có được cuộc sống ổn định và con cái được học hành. Hàng ngày làm việc vất vả là vậy nhưng điều động viên họ là con cái đều chăm ngoan và chịu khó học hành. Chị Hạnh, chị Tuyết và nhiều phụ nữ khác của “đội quân tóc dài” hàng ngày vẫn chắt chiu những đồng tiền ít ỏi để nuôi các con học đại học.


Ông Nguyễn Văn Kiều - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho hay: Ở xã giàu lên cũng là nhờ nghề đội bê tông và nghề thợ nề này. Nếu chỉ “bám” vào ruộng đồng thì không có nhà cửa khang trang như bây giờ. Cả xã có 320 ha đất lúa hai vụ, ngoài cây lúa không thể trồng được cây vụ đông vì đặc tính của đồng đất nơi đây là đất thịt. Sản lượng trung bình 125 tạ/ha/năm. Với điều kiện khoa học kỹ thuật như hiện nay, theo ông Kiều nếu đem áp dụng vào sản xuất tại địa phương cũng chỉ tăng thêm được 10 - 20%. “Vất vả là vậy nhưng điều đáng tự hào là ở Quang Minh mỗi năm có từ 15 - 20 cháu đỗ vào các trường đại học, chưa kể cao đẳng” - ông Kiều phấn khởi nói.


Ngày tháng mười bóng tối sập nhanh khi ánh nắng nhạt vừa dứt, qua con đường làng bong tróc chỉ còn trơ lớp đất đá, những người phụ nữ đầu chít khăn, lem nhem những bụi hồ, bụi xi măng lại trở về tổ ấm. Họ đang từng ngày vất vả khổ cực để đổi lấy bát cơm manh áo vì ngày mai tươi sáng của con em họ.



Thu Hoài