10:00 13/10/2011

Nhọc nhằn nghề xén cỏ

Trong thời buổi người ta thi nhau phủ xanh cho những công trình thì việc lấy cỏ ở vùng quê ven thị xã, thành phố để lát các lối đi, mảnh vườn của các công trình xây dựng cũng trở nên phổ biến. Và không ít những người lao động nông thôn đã mưu sinh nhờ công việc ấy, mà phần nhiều là phụ nữ.

Trong thời buổi người ta thi nhau phủ xanh cho những công trình thì việc lấy cỏ ở vùng quê ven thị xã, thành phố để lát các lối đi, mảnh vườn của các công trình xây dựng cũng trở nên phổ biến. Và không ít những người lao động nông thôn đã mưu sinh nhờ công việc ấy, mà phần nhiều là phụ nữ.

Vất vả trong mưa

Trong cái lạnh đã bắt đầu đậm dần, một buổi chiều trời nhập nhoạng mưa, dừng lại bên một cánh đồng thuộc phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), tôi thấy những người phụ nữ đang cặm cụi xén từng lát cỏ hình vuông theo sự chỉ dẫn của một người đàn ông dẫn đầu nhóm xén cỏ này.
Thời điểm này, ở những vùng nông thôn ven Tam Kỳ, công việc ngày mùa màng cũng đã gần xong. Vậy là tranh thủ lúc nhàn rỗi, những người mẹ, người chị vốn quanh năm chân lấm tay bùn này lại tìm thêm những công việc để cải thiện đời sống. Xén cỏ cho các công trình xây dựng, trường học, cơ quan mới làm xong là một công việc vừa phù hợp với sức lao động, lại phát huy được sự khéo léo của những người phụ nữ này. Vì thế, họ thường rủ nhau đi làm mỗi khi có người thuê. Các chủ thuê cũng lựa những ngày mưa để xén cỏ, lát cỏ vì như vậy cỏ lấy về mới dễ sống, lên nhanh, tiết kiệm tối đa số lượng cỏ hao hụt phải lát lại.

Xén cỏ tạo thêm thu nhập cho người lao động trong thời gian nhàn rỗi.


Những người phụ nữ ấy ngồi dưới mưa, xếp theo nhau thành một hàng ngang, từ từ xén dần tới hết đám cỏ được chỉ định. Bất chấp trời mưa, bất chấp bóng tối chiều tà đến nhanh hơn thường lệ, hơn 10 người phụ nữ nhà quê ấy vẫn miệt mài với những miếng cỏ xén được. Không áo mưa, nhiều người không có cả dụng cụ bảo hộ lao động, họ cứ mong làm thật nhiều để đủ số lượng yêu cầu, để có thêm tiền. Khuôn mặt họ đã khắc khổ, dưới trời mưa và chiều buông lại càng khắc khổ hơn.

Theo chị Đoàn Thị Hoài (một phụ nữ trong nhóm xén cỏ này) thì đa phần chị em đều ở Tam Thăng (một xã nông thôn của thành phố Tam Kỳ) lên đây làm việc. Chị Hoài bảo, mỗi ngày làm việc mỗi người được 80 nghìn đồng nếu làm đạt số lượng lát cỏ được giao. Như vậy so ra với thu nhập hằng ngày của các chị, đây là một món tiền không nhỏ. Tuy thế, không phải dễ dàng gì có được những đồng tiền công. Dưới cái lạnh như cắt da cắt thịt, trời lại đổ mưa, vừa ngồi tỉ mỉ xén từng mảng cỏ có cả gốc cả đất như mẫu đã đưa sẵn của người chủ thuê là cả một vấn đề.

Không hợp đồng lao động

Trong cuộc mưu sinh đầy vất vả dưới trời mưa ấy, đâu phải mọi việc đều suôn sẻ đối với những người phụ nữ kia. Vất vả mấy cũng được, nhưng cái họ không chịu được là sự chèn ép, bắt chẹt của các chủ thầu công trình lát cỏ. Chia sẻ với tôi, chị Lài, một phụ nữ khác trong nhóm xén cỏ còn cho biết: “Như ri còn đỡ đó anh à. Mấy đợt trước, tụi tui nhiều lúc gặp những chủ thuê khó tính, bắt bẻ hết đường ni đến đường kia. Làm ăn theo sản phẩm mà chỉ không khéo một chút là họ bắt bỏ đi làm lại. Nhiều lúc tức lắm, chẳng qua chỉ là xén cỏ để trồng lại thôi mà! Nhưng biết làm răng chừ, mình chỉ là người làm thuê...”.


Hơn thế nữa, theo các chị, nhiều khi làm việc cật lực cả mấy ngày trời mà cuối cùng không được một đồng nào. Đó là khi những người chủ thầu lừa họ, quỵt tiền và bỏ đi luôn. Thường thì những chủ thầu lát cỏ các công trình thông qua môi giới, nhờ người về các vùng quê thuê nhân công nông nhàn nữ đi xén cỏ, lát cỏ. Thủ đoạn của những chủ thầu bịp bợm này thường là trả cao hơn các chủ thầu khác 1 giá và ngày đầu trả công rất sòng phẳng, có khi bồi dưỡng thêm nếu các chị em làm việc hiệu quả. Tin vào uy tín của chủ thầu, các chị em nhân công đồng ý để đến hết đợt làm (thường là 6 đến 7 ngày, có khi 10 ngày) mới nhận tiền luôn một thể. Nhưng đến khi xong việc, chủ thầu im hơi lặng tiếng ra đi không để lại dấu tích gì, ngay cả người môi giới thuê nhân công cũng không rõ họ ở đâu. Gọi điện thoại thì không liên lạc được. Vậy là đành ra về, suốt 1 tuần hoặc 10 ngày ăn cơm nhà đi làm không công.

Đặt việc mưu sinh của mình ở thế chông chênh như vậy, các chị đành phải đối mặt với may rủi mà thôi. Cũng chẳng có hợp đồng lao động dù chỉ là hợp đồng miệng với nhau nên việc đòi nợ khi bị quỵt tiền công xén cỏ của các chị cũng rất khó. Mà các cơ quan chức năng cũng chỉ vào cuộc khi số tiền lừa đảo quá lớn. Với các chị, gần 1 triệu đồng tiền công đã là rất lớn rồi. Nhưng vốn tính nhà nông mình cam chịu, không thích mọi chuyện rắc rối, không thích dính dáng đến pháp luật khi mọi chuyện chưa thật sự nghiêm trọng nên các chị đành thôi, chấp nhận thua thiệt. Những rủi ro ấy không hiếm trên những nẻo đường xén cỏ ngày mưa của các chị.

Trên từng thảm cỏ của các dải phân cách đường, trong các cơ quan, trường học, nhà ở mới mọc lên, đôi khi nhiều người chúng ta vô tư giẫm lên. Nhưng biết đâu, để có được những thảm cỏ như vậy, biết bao nhiêu người lao động đã phải đổ mồ hôi, thậm chí là nước mắt, vất vả dầm mình trong mưa, trong thời tiết giá lạnh... Họ đã thầm lặng với công việc của mình để màu cỏ xanh vào tận nơi nào có con người sinh hoạt, làm việc...

Bài và ảnh: Nguyễn Thành Giang