09:22 08/09/2015

Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trải dài trên một diện tích rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học đến lớp, ngay ở các thôn bản đã xây dựng điểm trường.

Nhờ đó, những năm qua, chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi Quảng Nam đã từng bước được nâng lên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ các thầy, cô giáo cắm bản.

Chúng tôi đến thăm trường tiểu học xã Trà Dơn, huyện nghèo Nam Trà My, thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này trường có 521 học sinh, trong đó đa phần là con em đồng bào dân tộc Ca Dong. Nhờ các thầy, cô giáo cũng như chính quyền địa phương đến tận từng hộ gia đình để vận động con em đi học, nên trong buổi nhận lớp đầu năm học, phụ huynh đã đưa con em đến trường đầy đủ. Trường tiểu học xã Trà Dơn có 34 lớp học, gồm 1 điểm trường chính và 14 điểm trường nằm ngay tại các thôn, bản. Điểm trường chính được xây dựng kiên cố từ năm 2010, có khu ở nội trú cho giáo viên và học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.

Mặc dù các điểm trường còn thiếu thốn, đơn sơ...


... Nhưng cả thầy và trò đều nỗ lực dạy và học.


Còn tại các điểm trường dành cho các em học sinh lớp 1 và lớp 2, nhằm đưa “con chữ” đến gần hơn với con em đồng bào. Trường tiểu học xã Trà Dơn cách điểm trường phụ xa nhất là 22 km và phải đi bộ mất 1 ngày đường mới tới nơi. Gọi là điểm trường, nhưng thực ra chỉ là một lớp học gồm hơn chục học sinh do 1 hoặc 2 giáo viên phụ trách. Trước đây, điều kiện khó khăn, nên những điểm trường này chỉ được dựng bằng những tấm phên tranh tre, còn phần mái được lập bằng lá lò ô. Năm học mới này, những lớp học này vừa được tu sửa vững chắc hơn, do phụ huynh tham gia đóng góp gỗ để dựng lớp, còn huyện hỗ trợ kinh phí mua mái tôn để lợp.

Lên công tác tại xã Trà Dơn được 3 năm, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vy, 25 tuổi, đã xung phong đi dạy ở 3 điểm trường khác nhau. Cô Vy cho biết, thời gian đầu còn rất bỡ ngỡ, nhưng bây giờ cô và 1 giáo viên khác phụ trách điểm trường ở thôn 2 của xã, đã dần quen với những khó khăn của cuộc sống vùng cao. Do đường sá đi lại khó khăn, nên các cô ở luôn tại điểm trường, khoảng 1 tháng mới xuống núi để bắt xe về thăm gia đình ở dưới xuôi. Không có sóng điện thoại, buổi tối phải soạn giáo án bên ánh đèn dầu hoặc ánh điện chập chờn từ những máy thủy điện nhỏ đặt ngoài suối, là một trong rất nhiều khó khăn, thiếu thốn của các thầy, cô giáo cắm bản. Do đời sống của đồng bào Ca Dong ở những thôn, bản vùng cao chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, nên có rất ít hàng hóa để trao đổi mua bán. Hàng tháng, các cô giáo lại phải nhờ người dân cõng từng bao gạo và các nhu yếu phẩm từ dưới trung tâm xã đưa lên. Khó khăn là vậy, nhưng theo các cô giáo, điều đáng mừng là đồng bào dân tộc ở đây đã ý thức được vai trò của con chữ, nên rất nhiệt tình trong việc đưa con em đi học.

Huyện Nam Trà My có gần 172 điểm trường mẫu giáo và tiểu học tại các thôn bản. Để chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016, huyện đã đầu tư gần 440 triệu đồng để hỗ trợ các điểm trường lợp lại mái tôn và đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường. Vẫn còn đó biết bao khó khăn vất vả, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo nơi đây luôn sẵn sàng đến với những bản làng xa xôi giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn để mang cái chữ đến với các em nhỏ.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng