04:14 28/04/2011

Nhớ về "Hậu tổ" nghệ thuật Tuồng Đào Tấn

Liên hoan sân khấu tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật biểu diễn - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức từ ngày 25-30/4 đang diễn ra tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.

Liên hoan sân khấu tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật biểu diễn - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức từ ngày 25-30/4 đang diễn ra tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp. Trong tiếng trống tuồng giòn giã, chúng ta lại bâng khuâng nhớ về “Hậu tổ” nghệ thuật tuồng Việt Nam Đào Tấn - nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Nhà hát tuồng Đào Tấn - nơi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tuồng nổi tiếng. Ảnh: Viết Ý-TTXVN


Đào Tấn (1845-1907), tên đầy đủ là Đào Đăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang, Mộng Mai. Xuất thân từ dòng dõi quí tộc, sinh ra ở làng Vinh Thạnh, nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định), từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thông minh, năm 22 tuổi đã thi đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Và 4 năm sau, vào năm Tự Đức 24 (1871), ông được bổ nhiệm làm quan, rồi thăng tiến rất nhanh: Từ Tri phủ Quảng Bình, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh); Công bộ - Binh bộ - Hình bộ Thượng thư. Ông có lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Năm 1904 vì chống lại tên việt gian Nguyễn Thân, ông bị cách chức và về quê ở ẩn và mất tại quê nhà vào năm 1907, hưởng thọ 62 tuổi.

Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật tuồng. Sân khấu tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến đầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên môn hoá (tính chuyên nghiệp). Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình, ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ. Trong cuộc đời sáng tác, ông đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, Học bộ đình ở Bình Định chuyên đào tạo diễn viên. Nhờ vậy, hàng trăm vở tuồng nổi tiếng tiếp nhau ra mắt công chúng, trong đó có 30 vở nổi tiếng của soạn giả Đào Tấn vẫn được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế như: Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan Công quá quan, Tân dã đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trầm hương các, Khuê các anh hùng và nhuận sắc phong một số vở như: Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Ngũ hổ bình tây và Nguyệt cô hóa cáo... Có thể nói trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất, ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn “Hậu tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Để tỏ lòng biết ơn và trân trọng với công lao to lớn của ông đối với nghệ thuật tuồng Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương và Nhà hát tuồng Đào Tấn, đã đầu tư kinh phí tu bổ và nâng cấp mộ của ông tại núi Hoàng Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước thành khu lăng mộ khang trang. Mộ được xây dựng hình chữ nhật dài 3 m và rộng 2 m, có bờ bao quanh cao 0,8 m; phía trước mộ có bia đề ngày lập mộ, trước nữa là bức bình phong làm tiền án và phía ngoài mộ là một vòng tường bao dài 10 m, rộng 6 m, trước có trụ cổng đề đôi câu đối của Hà Đình tướng công, lưng có bình phong kiểu cuốn thư, 2 bên cổng và 2 bên cuốn thư được tạo dáng đuôi vểnh lên trên... Nơi đây, xưa là cả một rừng hoa, dưới là dòng sông Tranh quanh năm nước chảy, xa xa là 4 tháp Bánh Ít, phong cảnh ấy, kiến trúc mộ phần ấy đã toát lên tính cách cương trực, cuộc sống thanh bạch, tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ của con người Đào Tấn.

Viết Ý